Thứ bảy, 20/04/2024 03:58 (GMT+7)

Xe nhập khẩu về ồ ạt, xe lắp ráp nguy cơ bị “lép vế”

MTĐT -  Thứ hai, 25/02/2019 17:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong tháng đầu tiên của năm 2019, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước đã giảm tới 12%, trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng tới 14%.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 2, cả nước chi gần 107 triệu USD nhập 4.554 ô tô nguyên chiếc, tăng gần 33 lần về lượng, hơn 10 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Bình quân ô tô nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 2 trị giá khoảng 23.500 USD/xe (chưa tính các khoản thuế), trong khi năm ngoái là hơn 74.000 USD/xe.

Còn tính từ đầu năm 2019 đến ngày 15/2, cả nước đã nhập khẩu 16.208 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 381 triệu USD vượt hàng chục lần so với cùng kỳ 2018.

Trước đó, theo báo cáo bán hàng của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), trong tháng 1/2019, toàn thị trường ô tô đạt 33.484 chiếc, giảm 2% so với tháng 12/2018 (34.234 chiếc) và tăng 27% so với tháng 1/2018.

Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên của năm 2019, lượng xe nhập khẩu về tăng mạnh thì xe trong nước lại giảm sản lượng.

Cụ thể, so với tháng trước, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước là 18.799 chiếc, giảm tới 12%.

Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 1 là 14.685 chiếc, tăng 14%.

15 ngày đầu tháng 2, cả nước chi gần 107 triệu USD nhập 4.554 ô tô nguyên chiếc. Ảnh minh họa: Internet. 

Như vậy, trong tháng 1, lượng xe nhập khẩu đã bằng 78% lượng xe trong nước tiêu thụ được.

Nếu so với tháng 1/2018 thì doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tháng 1/2019 giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 166%.

Bức tranh này hoàn toàn khác biệt so với thời điểm tháng 1/2018, khi mà xe lắp ráp chiếm thế “thượng phong” tiêu thụ được 20.586 chiếc, còn xe nhập “lép vế” với con số 5.451 chiếc. Khi đó, xe nhập chỉ bằng 26% so với xe trong nước.

Trong những dòng xe lắp ráp trong nước, Toyota vẫn dẫn đầu với doanh số bán đạt 7.599 xe, Hyundai Thành Công (là doanh nghiệp không thuộc VAMA) xếp thứ 2 với 6.807 xe, tiếp theo là Thaco Mazda (thuộc Trường Hải – THACO) đạt 5.153 xe. Ở các vị trí tiếp theo, Honda tạo bất ngờ khi vươn lên xếp thứ 4 với 4.348 xe, vượt qua THACO KIA (3.463 xe) và Ford (3.401 xe).

Về thị trường xe nhập khẩu, Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 thị trường đóng góp lượng xe về Việt Nam lớn nhất với khoảng 10.000 chiếc các loại, trong đó Indonesia có hơn 2.700 chiếc chủ yếu xe dưới 9 chỗ ngồi, còn Thái Lan có hơn 7.300 chiếc, đa phần là xe dưới 9 chỗ ngồi và một phần là xe bán tải.

Xét về mức giá, xe xuất xứ Indonesia nhập về Việt Nam có giá rẻ, trung bình nhất hơn 327 triệu đồng/chiếc. Xe Thái Lan cũng có mức giá trung bình thấp thứ 2 với 479 triệu đồng/chiếc.

Giá trung bình xe con nhập về Việt Nam thời điểm tháng 1/2019 là 491 triệu đồng/chiếc, thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình 900 triệu đồng/chiếc tháng 1/2018 và cao hơn mức giá trung bình 423 triệu đồng/chiếc hồi tháng 12/2018.

Mức giá trung bình nhập xe thấp cho thấy, lượng xe nhập về Việt Nam ngay từ đầu năm đã tập trung vào phân khúc thấp và trung bình.

Với mức giá trung bình nhập xe thấp như vậy, hứa hẹn thị trường xe ô tô trong thời gian tới sẽ có một cuộc đua về giá vô cùng khốc liệt giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp. 

Mặc dù chưa có bất cứ dự báo nào về thị trường ô tô trong năm 2019 từ VAMA nhưng giới kinh doanh xe tin rằng, sức mua của thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục, bằng việc cạnh tranh về mẫu xe, giá bán và chính sách bán hàng, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh lượng tiêu thụ xe trong năm nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xe nhập khẩu về ồ ạt, xe lắp ráp nguy cơ bị “lép vế”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...