Thứ ba, 23/04/2024 14:31 (GMT+7)

Tài năng trẻ Việt Nam và nỗi trăn trở canh tân đất nước

Trương Mai -  Thứ năm, 11/10/2018 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam để tham dự Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”

Tháng 8 vừa qua, hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoàiđã có mặt tại Việt Nam để tham dự Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức. Đây được coi là bước khởi đầu cho kế hoạch thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nhằm nuôi dưỡng các ý tưởng cho phát triển đất nước sau này.

Theo Bộ KH & ĐT, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ra đời là để phục vụ việc xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về 4.0.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 100 người Việt tài năng về Việt Nam lần này đều được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics,... Họ là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.  Và đây là lần đầu tiên những tài năng trẻ ấy được đối thoại, trao đổi trực tiếp với các quan chức cấp cao của chính phủ cũng như các bộ, ban ngành về các vấn đề xoay quanh Cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam với cốt lõi là dữ liệu lớn, robot, trí tuệ nhân tạo,
blockchain, an ninh mạng, Internet of Things,...

Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Có thể thấy sự kiện trên diễn ra trong thời điểm tốt nhất để quy tu tinh hoa của người Việt Nam trên khắp thế giới. Thời điểm tốt thể hiện ở chỗ, chính là nhu cầu phát triển của đất nước và những thách thức đang đối mặt buộc Việt Nam phải tìm cho mình chìa khóa để phát triển, để rút ngắn khoảng cách với các nền  kinh tế đi trước và có thể vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế chúng ta đã có các mạng lưới kết nối công nghệ, các nhà khoa học, doanh nghiệp nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đúng hơn là sự kết nối này chưa tạo ra những sản phẩm, giá trị làm thay đổi cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra vào ngày 10/8 ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH & ĐT cho biết: “Chúng ta có 4 triệu người Việt ở nước ngoài, trong số đó có 400.000 người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Họ rất muốn được nghe nhu cầu trong nước cần gì, họ làm được gì, giao nhiệm vụ cho họ, cách thức tương tác, trao đổi như thế nào".

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trong phiên họp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra tại trụ sở Chính phủ ngày 19-8, các chuyên gia, nhà khoa học trẻ đã đưa ra các sáng kiến, phương án, đề xuất bày niềm mong muốn được cống hiến cho nước nhà. GS Nghiêm Đức Long (làm việc ở Úc) khẳng định sẽ đóng góp cho Chính phủ xây dựng hệ sinh thái 4.0, đồng thời luôn đồng hành với công cuộc này với tinh thần "Chính phủ không phải trả thù lao" Cũng như các nhà khoa học khác, TS. Trịnh Toàn (làm việc tại Mỹ) cho rằng Chính phủ cần có phương án để các nhà khoa học ở nước ngoài tham gia vào nhiều dự án ở Việt Nam.

GS Vũ Lê Hải, Đại học Monate (Úc), kiến nghị Chính phủ thiết lập các nhóm chuyên viên người Việt có nhiều nghiên cứu trong một số lĩnh vực đột phá, giúp hoạch định chính sách phát triển khoa học công nghệ trong nước. Nhiều nhà khoa học tham gia buổi gặp mặt cũng cho biết sẵn sàng tham gia việc đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước,...

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Anh Văn, Chủ nhiệm phòng nghiên cứu về rô bốt mềm Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản đề xuất: Công thức thành công ở về Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chính là phép nhân của sự thành công của trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước. Đối với trí thức ngoài nước đó là nhiệt huyết đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ đối với đất nước. Trí thức trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp đó là sự đón nhận và khả năng đón nhận sẵn sàng hợp tác. Quan trọng hơn là chính phủ phải tạo ra các chính sách cụ thể trong môi trường khoa học công nghệ minh bạch, tự do học thuật, cạnh tranh đầu tư và thúc đẩy hợp tác".

 Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trẻ, đồng thời đưa ra những đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước trong công cuộc đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế đãi ngộ cho các trí thức về nước làm việc.

 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt.

Hy vọng Chương trình lần đầu tiên được tổ chức sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo liên kết mới trong giới tinh hoa, khoa học công nghệ người Việt khắp năm châu, đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Tài năng trẻ Việt Nam và nỗi trăn trở canh tân đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới