Thứ năm, 25/04/2024 05:03 (GMT+7)

Tại sao phải gắn chặt phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường?

MTĐT -  Thứ ba, 13/04/2021 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và trở thành vấn đề cản trở sự phát triển của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và trở thành vấn đề cản trở sự phát triển của Việt Nam. Vậy nên gắn chặt phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách.

Điểm nóng ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường có sức ảnh hưởng lớn khi tình trạng ô nhiễm môi trường có diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa.

Cùng với đó, các lĩnh vực trong xã hội và người dân đang ngày ngày phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khi mức độ ô nhiễm tăng cao đe dọa tính mạng và cuộc sống. Hiện tại Việt Nam đang gánh chịu ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển, ô nhiễm công nghiệp - làng nghề, ô nhiễm đất. . .

Nước thải sinh hoạt - “điểm nóng” khiến nhà quy hoạch, nhà khoa học đau đầu vì quy hoạch tại các thành phố lớn luôn là bài toán khó. Và các con sông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể: sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn đều đã ô nhiễm mặt nước.

Nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng và diễn biến theo chiều hướng xấu của những dòng sông trên nằm ở lượng nước thải đô thị phát sinh, chưa xử lý ngày càng lớn, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải.

Không chỉ ô nhiễm mặt nước hiện tại ô nhiễm biển Đông trở thành vấn đề phức tạp tại Việt Nam. Hiện chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, khi sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng. Biển Đông trở thành con đường lưu thông quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới, vậy nên tàu thuyền di chuyển qua lại cũng ảnh hưởng đến môi trường biển, xảy ra tai nạn tràn dầu, khai thác dầu khí, ngoài ra còn có rác thải nhựa, nạo vét nhận chìm vật liệu nạo vét, . . .những vấn đề đó đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ.

Ô nhiễm không khí được Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhiều tổ chức, đội nhóm thanh niên lên tiếng, hành động khi ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân.  Đặc biệt số người tử vong vì ô nhiễm không khí trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng tăng.

Cuối năm 2020 đầu năm 2021 chỉ số AQI liên tục chuyển đỏ, tím tại một số thành phố lớn và địa phương có nhiều nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó, ở một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, khi gia tăng các nguồn phát thải vào không khí kết hợp với các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.

Tình trạng ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng khi có nhiều nguyên nhân tác động vào không khí nhưng có hai nguyên nhân chính đến từ ô nhiễm từ tự nhiên và ô nhiễm không khí do con người gây nên trong đó ô nhiễm không khí do con người tạo ra là yếu tố chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề như hiện nay.

Việt Nam là nước đang phát triển, sau 35 Đổi mới nền kinh tế được phục hồi và có sự phát triển vượt bậc, các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên nhiều, nhanh và xen lẫn khu vực sinh sống của người dân. Bên cạnh những điểm tích cực sự phát triển này còn tồn tại nhiều yếu điểm khi hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm.

Trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Thế Phương cho biết: “Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đến sự triển của kinh tế xã hội cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trên cơ sở khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp.

Cho đến nay, Việt Nam còn tồn tại nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu, chưa xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm. Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vì vậy cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, hạn chế, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, dài hạn.

Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Mô hình kinh tế tuần hoàn được cả thế giới đánh giá cao vì đáp ứng được yêu cầu giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Cụ thể, mô hình có các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đều phục vụ để kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Và Việt Nam đang quan tâm, định hướng phát triển nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nỗ lực phát triển bền vững. Ví dụ điển hình của mô hình này là biến chất thải của nhà máy này làm vật liệu cho nhà máy khác, giảm tối thiểu chất thải ra môi trường, dần tiến gần đến không phát sinh chất thải để có sự phát triển kinh tế.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực môi trường và kinh tế. Với mô hình này chi phí sản xuất của các khu công nghiệp sẽ được giảm, hơn thế mô hình giúp giảm thiểu rác thải, ô nhiễm cho môi trường. Phát triển kinh tế xanh không làm hại đến môi trường đó là cơ chế phát triển bền vững.  

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, phát triển kinh tế không thể đơn thuần mà phải gắn với bảo vệ môi trường, để cho cuộc sống của mỗi người dân được tốt lên. Phải phấn đấu làm sao để "kinh tế xanh" thay cho "kinh tế nâu" đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ đang hướng tới.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng giải thích thêm: “Kinh tế xanh có nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên cùng chung mục tiêu hướng đến một nền kinh tế không có chất thải. Để hướng đến kinh tế xanh, các nước đi một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Và đương nhiên, kinh tế tuần hoàn lấy càng ít nguyên nhiên vật liệu từ tài nguyên càng ít càng tốt, quay vòng quy trình sản xuất và tiêu dùng, quay lại quy trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Đó được hiểu là nền kinh tế tuần hoàn”.

“Luật Bảo vệ môi trường 1993, đó là vấn đề giảm thiểu thu gom, phân loại, tái chế tái sử dụng chất thải…, của tất cả các chất thải khác nhau ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Việc đưa vào trong quy định của pháp luật khái niệm này thì đến năm 2020 mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại Điều 142, sắp tới mới có hiệu lực và quy định nhiều công đoạn khác nhau từ thiết kế sản phẩm trong quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng”, ông Tiến chia sẻ về yếu tố manh nha kinh tê tuần hoàn về mặt pháp luật.

Ngoài kinh tế còn có nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không chỉ riêng kinh tế nhưng đây là lĩnh vực hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn dựa trên yếu tố cấu thành nó nhằm gắn chặt kinh tế với môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững.

Hoàng Thoa (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tại sao phải gắn chặt phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành