Thứ sáu, 19/04/2024 13:44 (GMT+7)

Tân Yên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

MTĐT -  Thứ ba, 04/05/2021 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sản xuất nông nghiệp được huyện Tân Yên (Bắc Giang) xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào lĩnh vực này đã góp phần đem lại năng suất, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Dù vậy, việc ứng dụng vẫn gặp khó, nhất là về đất đai.

Hiệu quả vượt trội

Dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng CNC. Sau khi dồn đổi, các địa phương đã hình thành 24 cánh đồng mẫu, 78 vùng sản xuất tập trung. Toàn huyện hiện có 33 mô hình sản xuất rau, hoa, dưa... trong nhà màng, nhà lưới (quy mô từ 1 nghìn m2 trở lên), có hệ thống tưới tự động cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần so với sản xuất thông thường. Huyện hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp CNC tại xã Phúc Sơn và Ngọc Lý; 3 vùng sản xuất cây ăn quả CNC; 38 mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng CNC…

Công ty GOC đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại cánh đồng xã Ngọc Thiện

Việc ứng dụng CNC, đưa cơ giới hóa và các giống cây trồng mới chất lượng vào sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện thông tin: Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Công ty GOC, huyện Lạng Giang) liên kết đầu tư vào địa bàn được 5 năm. Từ 5 ha ban đầu, đến nay đã mở rộng lên 12 ha chuyên sản xuất dưa bao tử, ớt… phục vụ chế biến xuất khẩu.

Hiện có 40 nông dân trong xã làm “công nhân” cho Công ty GOC với thu nhập trung bình 155 nghìn đồng/ngày công. Bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1971) ở thôn Ải, bà Lê Thị Lan (SN 1974) ở thôn Tân Lập là ví dụ. Vừa thu hái dưa bao tử, bà Thúy trò chuyện: "Tôi làm cho Công ty GOC từ khi doanh nghiệp (DN) mới về đây thuê đất sản xuất. Tuổi cao như tôi không đi làm ở khu công nghiệp được nên làm ở đây là phù hợp, được đóng bảo hiểm. Trung bình mỗi tháng tôi làm từ 25-27 ngày công, thu nhập hơn 4 triệu đồng. Nếu làm công việc hái dưa, thu nhập được gần 7 triệu đồng/tháng". 

Còn bà Lan cho biết: “Mình hái được nhiều thì hưởng nhiều lương. Trước kia hái xong phải ngồi phân loại, nhưng nay Công ty có máy sàng nên không phải mất thêm công đoạn này”. Anh Hoàng Chí Dũng, cán bộ kỹ thuật Công ty GOC chia sẻ: Để liên kết sản xuất lâu dài tại đồng đất Ngọc Thiện, Công ty vừa đầu tư tại đây hệ thống nhà lưới quy mô 2 nghìn m2, có quy trình tưới nhỏ giọt. Chúng tôi đang rất muốn mở rộng thêm diện tích sản xuất CNC tại xã.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại huyện Tân Yên tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế ở huyện. Nổi bật là mô hình trồng hoa ở xã Phúc Sơn, Ngọc Lý; sản xuất cây ăn quả tại xã Phúc Hòa, Hợp Đức; chăn nuôi lợn CNC tại các xã: Ngọc Châu, Ngọc Thiện, Ngọc Vân, Lam Cốt, Việt Ngọc; vùng nuôi gà ứng dụng CNC tại thị trấn Cao Thượng, xã Hợp Đức…

Giao đất ổn định, dài hạn

Vướng mắc lớn nhất đang đặt ra đối với các DN, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp CNC chính là quỹ đất. Nếu không tích tụ được ruộng đất và không có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn thì rất khó thực hiện. Đơn cử như Công ty GOC từ nhiều năm nay đã xây dựng vùng nguyên liệu tại Tân Yên và hoạt động rất hiệu quả. Trên cơ sở đó, Công ty muốn mở rộng thêm quy mô từ 20-50 ha tại huyện để sản xuất nông nghiệp CNC nhưng đang gặp khó do một số người dân còn chần chừ cho thuê đất. "Nếu chỉ thuê được 5 năm thì Công ty không dám đầu tư vì chưa thể thu hồi được vốn"- một đại diện DN cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Ải, xã Ngọc Thiện làm "công nhân" cho Công ty GOC, thu nhập trung bình 155 nghìn đồng/ngày công

Tương tự, Công ty cổ phần thủy điện Mai Châu cũng mong muốn được thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt quy mô từ 7-10 ha tại xã Tân Trung… Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện như: Vải thiều sớm, vú sữa, ổi, rau an toàn, hoa, măng Lục trúc, sâm Nam núi Dành, gà, dê… đều có thể ứng dụng được CNC. Tuy nhiên hiện nay mới dừng lại ở việc ứng dụng từng phần, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng. 

Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân về sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm còn hạn chế, bà con chưa mạnh dạn đầu tư. Trên thực tế, nguồn thu nhập chính của nông dân hiện nay không phải từ nông nghiệp mà từ công nghiệp, từ con em đi làm công nhân. Nông dân ít mặn mà với ruộng đất nhưng lại giữ đất chỉ để sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Xét về tổng thể, Tân Yên chưa có DN lớn vào địa bàn đầu tư về nông nghiệp. Do vậy việc hình thành và mở rộng chuỗi liên kết trong sản xuất sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của huyện còn khó khăn. Hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp CNC.

Để khắc phục, huyện Tân Yên sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cho DN, cá nhân thuê đất thời gian tối thiểu 10 năm, diện tích ít nhất là 5 ha. Duy trì và nâng cao chất lượng 29 vùng sản xuất lúa chất lượng cao diện tích 2.370 ha. Chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi lợn CNC đã có sẵn. Mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả, rau quả thực phẩm, thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX (toàn huyện có 7 HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết; 11 tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC). Chỉ đạo các HTX, tổ sản xuất đầu tư theo chuỗi liên kết với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện. Tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tập thể, cá nhân thực hiện các dự án ứng dụng CNC.

Theo Báo Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Tân Yên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?