Thứ năm, 28/03/2024 16:35 (GMT+7)

Đặc khu kinh tế: Cần bảo vệ chủ quyền Việt Nam

MTĐT -  Thứ tư, 22/11/2017 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thảo luận về đặc khu kinh tế, đại biểu Quốc hội đề nghị những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải bảo vệ chủ quyền Việt Nam, dự án thất bại thì nhà đầu tư phải hoàn trả đất.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt (cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Trước đó, dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về dự án luật, với những băn khoăn về mức độ mở của luật cũng như việc có hay không việc trái Hiến pháp.

Cho ý kiến về xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, mô hình này lần đầu thực hiện, chủ yếu học hỏi nước ngoài nên cần thử nghiệm đánh giá trước khi nhân rộng.

Qua nghiên cứu, đại biểu Thủy thống nhất với việc xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đại biểu, 3 khu vực trên có đầy đủ điều kiện về vị trí địa lý và đặc thù riêng để xây dựng đặc khu thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và cả nước.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, không nên “đóng khung” trong luật chỉ ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trong luật chỉ quy định chung, mang tính chiến lược, bởi sau này có thể nhiều đơn vị muốn thành lập đặc khu.

Theo đại biểu đoàn Trà Vinh, mô hình hoạt động của chính quyền mang tính tự chủ là linh hồn của khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Do vậy, các đặc khu nên trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu đặc khu được Chính phủ phân quyền và thực hiện những quyền hạn trực tiếp được Chính phủ giao.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn với việc cấp đấp lên đến 99 năm cho nhà đầu tư vào đặc khu

Đồng ý về chủ trương, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, bởi thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm chứ không phải chủ trương. “Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu” – ông Nghĩa nói.

Bày tỏ sự quan tâm tới chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, ông Nghĩa băn khoăn bởi so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, thời hạn cho thuê đất tới 99 năm là chưa hợp lý. Đơn cử, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm.

"Nhưng liệu rằng 50 năm nữa con người có còn xài tiền, đánh bạc không? Nếu còn thì theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất hay không?", ông Nghĩa đặt loạt câu hỏi và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất.

Theo luật sư Nghĩa, dự Luật cần quy định dự án thất bại thì nhà đầu tư phải trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì thay đổi thủ tục. Trong đó, cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có ngành không cho chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài.

ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng đồng ý việc ban hành luật chung, nhưng phải có tiêu chí cụ thể để sau này địa phương nào đủ điều kiện thì cho thành lập đặc khu không cần bổ sung, sửa đổi luật.

Không đồng tình với hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Phạm Văn Hoà, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) giơ biển tranh luận. Theo ông Thân, trong đầu tư kinh tế, không nên nghĩ họ được 8 còn mình được 2 vì nếu không làm thì 2 cũng không được, thậm chí mảnh đất đó để nguyên.

Vị đại biểu này phân tích, các nhà đầu tư đầu tư khi vào đều phải tính quyền lợi của họ. Mình được 2 nhưng vẫn có thể đồng ý được do đằng sau đó có thể khai thác thêm được nhiều khía cạnh, như casino, ngoài thu hút rất nhiều lao động còn thu hút được khách du lịch, thu được chi phí ăn ở khách sạn hạng sang...

T/H

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Đặc khu kinh tế: Cần bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới