Thứ sáu, 29/03/2024 12:25 (GMT+7)

EVFTA thực thi: Cơ hội cho DN Việt Nam “vực dậy” sau đại dịch

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/6 chính thức thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Khi có hiệu lực, EVFTA sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu, EVFTA cũng sẽ loại bỏ 71% thuế xuất kể từ ngày 1/8/2020, phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.

EVFTA là cơ hội để tăng cường lưu thông hàng hóa trong nước thông qua việc mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Việc mở cửa thị trường sẽ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lý tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ các nước EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Cơ hội vực dậy sau đại dịch

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

“Điều này càng nâng cao kỳ vọng của cả hai bên vào Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - EU phát triển, từ đó giảm bớt phần nào tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế”, Thứ trưởng chia sẻ.

Ngành bán lẻ lo sợ bị “nuốt” 

Tuy nhiên, song song với những cơ hội hiện hữu, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội, doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này được dự báo sẽ ngày càng gay gắt.

Đây sẽ là “sức hút” lớn khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam. Đó là tin vui nhưng cũng là vấn đề khiến nhiều người quan ngại, bởi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy mô nhỏ, khó có đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ.

Ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, khi gia nhập EVFTA bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải chịu nhiều sức ép. Khi mở cửa, hàng hóa xuất khẩu sang các nước, đồng thời, hàng hóa các nước sẽ xâm nhập vào trường Việt Nam. Cùng với đó,  hàng hóa các nước có thế mạnh về chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã cải tiến đa dạng, nếu giá cả hợp lý nữa thì hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn, thậm chí là khốc liệt.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan về thị trường bán lẻ Việt, ông Vũ Vinh Phú cho hay, hiện nay, sự gắn kết giữa các nhà sản xuất Việt Nam với hệ thống phân phối Việt Nam còn lỏng lẻo, còn ép giá nhau, mới có 10% hàng hóa đạt tiêu chuẩn vào được siêu thị Việt Nam. Nhiều hàng hóa của Việt Nam không đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước. Đây là những điểm yếu mà các nhà sản xuất phải khắc phục.

Về phía cơ quan quản lý, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh. Do đó, có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Để có thể trụ vững trên sân nhà, buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải vươn lên để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa với hàng hóa của các nước.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải tự vươn lên để xây dựng thương hiệu bán lẻ của mình; phải tổ chức nguồn hàng phong phú đa dạng, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Cùng với đó, tăng cường liên kết sản xuất và sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lưu ý: "Để tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định theo cam kết của EVFTA".

Hoài Thu  (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết EVFTA thực thi: Cơ hội cho DN Việt Nam “vực dậy” sau đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới