Thứ tư, 24/04/2024 08:00 (GMT+7)

Kết nối thị trường nông nghiệp Bến Tre – Thành phố Hồ Chí Minh

Khắc Dzũng -  Thứ năm, 19/10/2017 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 19-10 tại thành phố Bến Tre đã diễn ra Hội nghị “Kết nối thị trường giữa doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tỉnh Bến Tre”,

Quang cảnh tại Hội nghị

Hội nghị do Hội Nông dân cùng Sở Công thương tỉnh Bến Tre đồng chủ trì.

8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Trong báo cáo mở đầu, bà Phạm Thị Hân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh đã rất quan tâm đến phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và chọn ra 08 cây trồng, vật nuôi có giá trị cao của tỉnh là: dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển để xây dựng hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị; tiến hành song song với kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ để từng bước ổn định đầu ra cho các sản phẩm.

“Dừa trái tươi chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhiều nhất cáctỉnhphíaNam, thành phố Hồ Chí Minh, cáctỉnh miền Trung,Tây nguyên và Hà Nội. Gần đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mê - Kông đã có phương pháp bảo quản dừa uống nước đến 60 ngày, và đã xuất khẩu dừa tươi sang thị trường các nước. Dừa trái khô chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến của tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, một lượng ít dừa khô cũng được tiêu thụ ngoài tỉnh.

Các sản phẩm dừa có giá trị cao: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp lon, nước dừa đóng hộp, bột sữa dừa, than hoạt tính, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ từ thạch dừa có giá trị cao, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tại thị trường nội địa cũng đã có mặt tại hệ thống phân phối, bán lẻ trong cả nước”. Bà Hân nói.

Đáng chú ý là sản phẩm kẹo dừa, thạch dừa trước đây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gần đây bắt đầu được xuất khẩu sang các nước Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, mặt hàng kẹo dừa, thạch dừa cũng được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa. Hiện nay kẹo dừa của các doanh nghiệp Bến Tre đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Thời gian qua, nhiều sản phẩm kẹo dừa, thạch dừa liên tục được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trái cây: 30% bán cho doanh nghiệp

Đứng thứ hai sau dừa là nhóm trái cây gồm bưởi, chôm chôm và nhãn. Kết quả điều tra khảo sát tình hình tiêu thụ trái cây của Sở Công Thương Bến Tre cho biết, đa số trái cây của Bến Tre được bán cho thương lái. Riêng bưởi, chôm chôm, nhãn 70% bán cho thương lái, 30% bán cho các doanh nghiệp thu mua và sau đó trái cây được bán cho các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu, các khu, điểm du lịch.

Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, một số loại trái cây (bưởi, chôm chôm, nhãn) cũng được xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước hoặc xuất tiểu ngạch qua biên giới.

“Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia, một số ít được xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây gặp nhiều khó khăn do: sản lượng, năng suất trái cây chưa ổn định, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP còn ít”. Bà Hân trăn trở.

Hoa kiểng Chợ Lách, Mỏ Cày đẹp nhứt xứ, nhưng…

Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Bến Tre, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người nông dân. Hai địa phương trồng nhiều hoa kiểng nhất Bến Tre là Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc. Hoa kiểng được chia làm 02 loại: Hoa kiểng trồng bán quanh năm và hoa kiểng trồng bán trong dịp Tết Nguyên đán. Kiểng bán quanh năm thường là kiểng lá, kiểng bonsai, kiểng thú, kiểng quý hiếm… Hoa kiểng phục vụ tết rất đa dạng, phong phú về chủng loại như: mai vàng, vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng, tắc kiểng, hoa dừa rũ và rất nhiều loại kiểng rất bắt mắt, dùng để trang trí và chưng trong những ngày tết.

Thị trường tiêu thụ hoa kiểng chủ yếu là thị trường trong nước, hoa kiểng được bán qua thương lái, sau đó thương lái chở đi tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Ngoài ra, hoa kiểng còn được bán cho khách du lịch đến Bến Tre và vào dịp Tết Nguyên đán, hoa kiểng còn được bán tại các chợ hoa trong tỉnh, ngoài tỉnh. Bên cạnh, thị trường tiêu thụ trong nước, một số hoa kiểng cũng được xuất sang Campuchia, Lào, Singapore, Đài Loan. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu không nhiều và thị trường xuất khẩu cũng không ổn định.

Tôm biển Bến Tre đang chờ đợi…
Bến Tre có 03 huyện giáp biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú nuôi nhiều tôm biển với sản lượng thu hoạch mỗi năm trên dưới 50.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn sản lượng tôm được bán ra ngoài tỉnh thông qua các cơ sở thu mua, thương lái. Sau đó, tôm biển tiếp tục được bán cho các chợ đầu mối, chợ truyền thống trong, ngoài tỉnh và bán cho các nhà máy chế biến (chủ yếu các nhà máy chế biến thủy sản ngoài tỉnh).
Bến Tre có 05 nhà máy chế biến thủy sản với quy mô lớnnhưng các nhà máy chế biến thủy sản của Bến Tre chủ yếu chế biến cá tra, nghêu để xuất khẩu, rất ít nhà máy chế biến tôm để xuất khẩu.

“Từ trước tới nay, các loại nông sản của Bến Tre đều đã trải qua giai đoạn thăng trầm "được mùa mất giá; thất mùa được giá", do chưa gắn kết chặt chẽ giữa nông dân sản xuất ra nông sản và doanh nghiệp tiêu thụ. Có thể nói, việc liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ đang là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo kiểu chạy theo thị trường. Không có sự gắn kết, khiến sản xuất phát triển không ổn định và thiếu bền vững”. Phó giám đốc Sở Côn thương tỉnh Bến Tre – bà Phạm Thị Hân nhìn nhận đây chính là thực trạng chung của nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay với Bến Tre

Trong thời gian qua việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bến Tre vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ như công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức nên hầu hết nông sản được tiêu thụ tươi, rất dễ rơi vào tình trạng trúng mùa mất giá; Giá bán giữa sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP không chênh lệch so với sản phẩm thông thường nên không khuyến khích người dân chuyển đổi sang sản xuất xuất theo quy trình GAP; Vấn đề liên kết tiêu thụ trong chuỗi giá trị hàng nông sản thiếu chặt chẽ, sản xuất không có hợp đồng tiêu thụ nên không giúp nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất. Mặt khác, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thường bị phá vỡ từ 2 phía nông dân và doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có những giải pháp chế tài cụ thể, làm giảm lòng tin lẫn nhau; ...

Đối với nông dân thì các doanh nghiệp có vai trò là người cung ứng đầu vào (vật tư và vốn) cho sản xuất, là người mua gom, chế biến và tiêu thụ nông sản, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường trong cả nước và thị trường ngoài nước. Sự liên kết nông dân với doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, mở rộng ngành nghề ở nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

“Hy vọng rằng qua Hội nghị hôm nay, mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp phân phối của thành phố Hồ Chí Minh với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất của tỉnh Bến Tre ngày càng bền vững hơn”. Bà Phạm Thị Hân thiết tha mời gọi./.

Bạn đang đọc bài viết Kết nối thị trường nông nghiệp Bến Tre – Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới