Thứ tư, 24/04/2024 05:05 (GMT+7)

Lâm Đồng: Vì sao 300ha cà phê chết khô ngay cạnh hồ chứa nước 62 tỷ?

Xuân Hòa -  Thứ sáu, 09/03/2018 19:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều hộ dân ở TT.Di Linh (Di Linh, Lâm Đồng) đang như ngồi trên đống lửa vì vườn cà phê của mình bị khô hạn, thiếu nước không đủ để nở hoa, mặc dù ngay bên cạnh khu vực này là hồ Tây khá lớn.

Dân kêu… “trời”

Nhiều nông dân đều kêu trời vì dù ngay bên dưới những mảnh vườn cà phê là hồ Tây, hàng năm đều đủ nước tưới nhưng năm nay, hàng loạt vườn cà phê cạnh hồ đã bị thiếu nước trầm trọng dưới nắng hạn, thậm chí nhiều cây chết khô ngay tại vườn.

Những cây cà phê héo úa, trơ cành mặc dù cách hồ nước không xa. (Ảnh: Văn Long, Dân Việt) 

Ông Lê Văn Nam (Thị trấn Di Linh) buồn rầu nói: “Hiện nay vườn cà phê của chúng tôi hầu hết đã bị héo khô, có cây đã chết cháy vì thiếu nước thời gian dài. Nguyên nhân là do dự án xây lại bờ kè, chân đập ngăn nước hồ Tây kéo dài lâu, phải xả nước nên không còn đủ nước tưới cung ứng cho các vườn cà phê. Cách đây vài ngày, trời có mưa nhỏ nhưng vẫn không đủ để cây bung nụ vì quá khô, còn những cây đã sưng nụ thì không thể nở, gần như hư hại toàn bộ”.

Ông Nam bên những cây cà phê non, mặc dù mới trồng được khoảng 2 năm nhưng do thiếu nước nên úa vàng, cháy lá. (Ảnh: Văn Long, Dân Việt).

Theo ông Nam, ngoài vườn của gia đình ông còn một số vườn như của ông Đức, ông Tú bà Mười… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

“Nếu kéo được đường ống nước lên vườn thì cũng quá xa, không đủ kinh phí để đầu tư. Có hộ dân đã phải thuê máy đào để múc những chiếc mương nhỏ ngay dưới lòng hồ với hi vọng dồn nước về, thế nhưng chỉ tưới được khoảng 2 – 3 tiếng là hết sạch nước, sau đó lại phải chờ nước lên mới có thể tiếp tục” – ông Nam cho hay.

Những mương nước được người dân thuê máy về múc ngay dưới lòng hồ nhưng mực nước rất hạn chế. (Ảnh: Văn Long, Dân Việt).

Xuôi về bên dưới, nơi nước hồ Tây xả xuống, một số hộ dân đang nhọc nhằn kéo ống cho biết, mọi năm, hồ có nhiều nước, chỉ cần hệ thống xả ngầm của hồ xả xuống là bà con đủ nước tưới cà phê, nhưng năm nay phải đẩy máy kéo ống lên bên trên hồ, thậm chí phải dùng tới 11 cuộn ống nước mới có nước tưới cho 3ha cà phê.

“Bây giờ, chúng tôi chỉ mong mưa để những cây cà phê không bị chết khô, chứ năm nay mất mùa là cái chắc rồi, vì gần như toàn bộ nụ hoa cà phê trong vườn của tôi đã bị thối hết, tỉ lệ đậu trái rất thấp”, một người dân đang kéo ống tưới chia sẻ.

Người dân phải kéo ống khá xa mới có nước để tưới cho vườn cà phê của mình. (Ảnh: Văn Long, Dân Việt)

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Đặng Văn Khá – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Di Linh cho hay: “Đây là dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh công trình hồ thủy lợi Đông, Tây Di Linh và đường tránh ngập hồ Ka La, huyện Di Linh. Dự án được thực hiện từ năm 2014 đến 2018, do Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư nhằm cung cấp nước tưới cho 280ha cà phê, chè, hoa màu và phục vụ cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực, tổng số vốn đầu tư trên 62 tỷ đồng”.

Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. (Ảnh: Văn Long, Dân Việt)

Cũng theo ông Khá, do năm 2017 trong quá trình thi công, mùa khô năm 2017 xuất hiện mưa rất nhiều nên đơn vị phải xả nước nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ của công trình. Tuy nhiên theo quan sát của PV, tại địa điểm công trình thi công hệ thống đập đất tại hồ Tây, hiện hoàn toàn không có công nhân nào thực hiện thi công. Tại công trình, chỉ còn lại đúng một chiếc máy xúc đất.

Những nụ hoa không đủ nước đã thối đen sẽ khiến sản lượng mùa vụ 2018 – 2019 giảm sút. (Ảnh: Văn Long)

Phòng NN&PTNT huyện Di Linh cho biết đơn vị cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để công trình triển khai đúng tiến độ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, sau đó tiến hành tích nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân xung quanh hồ.

Ông Đặng Văn Khá cũng cho hay, vừa qua Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Thị trấn Di Linh kiểm tra tại khu vực ven hồ Tây và nhận thấy tình trạng cây cà phê chết do thiếu nước, nhưng vấn đề này ông Khá cho rằng không phải do chuyện xây dựng hồ thủy lợi. Theo lý giải của ông Khá, việc cà phê chết là do một số hộ ngừng đầu tư để thực hiện chuyển đổi giống cây trồng hoặc tái canh cây cà phê.

Ông Đinh Dũng Tuấn – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án hồ Tây cho biết: “Trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án đã làm việc với huyện và Thị trấn Di Linh nhằm đảm bảo lượng nước tưới cho người dân từ 50 – 70%, và chúng tôi đang gấp rút thi công, dự kiến đến tháng 7.2018 công trình sẽ được bàn giao để tiến hành tích nước cho mùa vụ sau”.

Hiện nay, theo nguyện vọng của nhiều hộ dân đều mong muốn công trình thi công đập nhanh chóng hoàn thành để người dân yên tâm canh tác, chuẩn bị cho đợt tưới tiếp theo. Bởi nếu tới tháng 7 mới thi công xong thì mùa vụ của người dân đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Vì sao 300ha cà phê chết khô ngay cạnh hồ chứa nước 62 tỷ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới