Thứ sáu, 19/04/2024 04:44 (GMT+7)

Lối thoát nào cho làng nghề Đồng Kỵ trước nguy cơ 'xóa sổ'

MTĐT -  Thứ hai, 07/10/2019 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Làng tỷ phú” Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) được xem là khu vực kinh tế trọng điểm trong những năm đầu 2000 cho đến 2015. Tuy nhiên, Đồng Kỵ thời gian này ảm đạm đáng kinh ngạc.

Nằm trên tỉnh lộ 232, cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Đông Bắc, “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú” Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) được xem là khu vực kinh tế trọng điểm trong những năm đầu 2000 cho đến 2015 vì sự phát triển thăng hoa của nghề gỗ mỹ nghệ.

Ví Đồng Kỵ là làng “tỷ phú” quả không ngoa, vì chỉ trong 3 năm (2000-2003), làng đã có khoảng 500 công ty tư nhân được thành lập, cứ bước chân ra ngõ là gặp giám đốc. Nhiều cá nhân thạo buôn bán, biết tận dụng cơ hội đã nhanh chóng đưa cái tên “đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ” ra khắp các thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đến năm 2015, sự phát triển của làng nghề bắt đầu chững lại. Vì đầu ra của hàng hóa bắt đầu hạn chế, thậm chí tụt dốc thê thảm.

Thị trường Trung Quốc đóng băng, làng nghề lao đao

Đồng Kỵ thời gian này ảm đạm đến mức đáng kinh ngạc. Đi dọc con phố, vẫn là hàng trăm biển hiệu công ty, những dãy nhà cao tầng san sát, nhưng im lìm, vắng vẻ, hàng trăm cửa hàng tịnh không một bóng người.

Tiếng cưa, xẻ gỗ cũng không còn dậy lên không khí lao động hối hả, khẩn trương như dăm năm về trước, thay vào đó, chỉ còn tiếng đục đẽo thưa thớt ở một vài nhà.

Đi dọc con phố, vẫn là hàng trăm biển hiệu công ty, những dãy nhà cao tầng san sát, nhưng im lìm, vắng vẻ. (Nguồn ảnh: VTC News)

Lý do cả tình trạng ế ẩm này là bị động đầu ra. Trước giờ tất cả các các cơ sở sản xuất tại Đồng Kỵ đều xuất sang thị trường Trung Quốc. Khi thương lái Trung Quốc dừng thu mua sản phẩm thì tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất  phải hoạt động cầm chừng, nếu không muốn phá sản.

Khi thị trường Trung Quốc đóng băng thì kéo theo các doanh nghiệp nhập khẩu tại Đồng Kỵ cũng lao đao.

Hiện nay do hàng hóa ế ẩm nên Đồng Kỵ chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp vẫn giữ nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hơn 40 % các hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ nghề chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác để cầm chừng và trả nợ, nhiều hộ gia đình lâm vào tình trạng phá sản.

Các cửa hàng rất vắng khách ghé thăm. (Nguồn ảnh: VTC News)

Theo Vtc, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết, hiện nay tình hình kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang rơi vào tình trạng thất thu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Hàng hóa ế ẩm không bán được, vốn bị ứ đọng, nhiều chủ cơ sở lâm vào tình cảnh khốn khó khi trót vay tiền ngân hàng để “ôm hàng” mà không kịp quay vòng vốn. Những lô gỗ được mua vào ở thời điểm giá cao nay tụt xuống một nửa mà cũng không có người mua, cộng với tiền vay lãi sinh sôi, nhiều cơ sở rơi vào cảnh mất trắng”. Ông Vũ Quốc Vương cho biết thêm.

Theo Anh Chử Văn Nhung, Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Việt Trung ở Đồng Kỵ, thị trường Trung Quốc nếu gặp thời điểm tốt thì 1 cơ sở sản xuất bình quân mỗi 1 tháng ra hàng khoảng 3 đến 5 sản phẩm có giá trị rơi vào vài trăm triệu. Nhưng hiện trạng bây giờ thậm chí có nhiều gia đình 6 tháng không bán được bộ sản phẩm nào.

Thị trường trong nước cũng im ắng

Trong khi thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng đóng băng thì thị trường trong nước cũng im ắng. Tình hình không mấy khả quan, sức tiêu thụ chậm, yêu cầu cạnh tranh mẫu mã lại khắt khe. Mặt hàng tiêu dùng chính cũng chỉ là sản phẩm từ gỗ hương, gỗ mun có giá thành vừa phải.

Điều nghịch lý là trong khi thị trường đồ gỗ trong nước kém sôi động thì thời gian qua, các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất của doanh nghiệp Việt gần như không tận dụng được thị trường nội địa.

Theo Thời Báo Ngân hàng, hiện có chưa quá 30 thương hiệu đồ gỗ Việt được người tiêu dùng Việt lựa chọn, mà thay vào đó là sản phẩm đồ gỗ nội thất của Đức, Pháp ở phân khúc cao cấp; hay sản phẩm của Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… ở những phân khúc còn lại.

Ngay cả khi các dự án xây dựng BĐS (khu du lịch, dân cư, tòa nhà văn phòng) có nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngày càng nhiều, xu hướng yêu cầu đồng nhất sản phẩm gỗ nội ngoại thất thì thị trường đồ gỗ vẫn chưa thực sự được tận dụng và khai thác.

Riêng loại gỗ trắc có giá đắt đỏ gấp 2 - 3 lần thì chủ yếu thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc.

Lối thoát nào cho làng nghề Đồng kỵ?

Phân tích những khó khăn của làng nghề Đồng Kỵ, ông Vũ Quốc Vương , Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cho hay nhiều người đã trót “ôm” các loại gỗ quý hiếm, thậm chí có những người “ôm” gần 20 năm, từ năm 2000 đến nay.

Trong khi đó, giá gỗ lên xuống thất thường cũng là nỗi khổ của nhiều công ty đã vay nợ lãi suất cao để “ôm” gỗ.

Mặt khác, sự cạnh tranh của nhiều làng nghề, công ty, doanh nghiệp sản xuất gỗ tại các địa phương khác trên cả nước như một sự phát triển tất yếu cũng khiến cho làng nghề Đồng Kỵ ngày càng lao đao.

Theo Báo Giao Thông, ông Vương cho biết, hiện các doanh nghiệp ở đây đang vướng trong việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Muốn phát triển vực dậy làng nghề cần phải thay đổi, cần có những chính sách mới cho làng nghề để phát huy giá trị cũng như thương hiệu làng nghề gỗ Đồng Kỵ một cách bền vững và hiệu quả”, ông Vương nói.

Vì vậy, thông qua hiệp hội, các công ty, doanh nghiệp ở đây mong muốn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện đơn giản hơn nữa về các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, dành nhiều ưu đãi hơn nữa cho họ để xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ Đồng Kỵ ra nước ngoài.

Chúng tôi cũng đang trải thảm để mời các doanh nghiệp tham gia hiệp hội, vì trong số hơn 100 doanh nghiệp ở Đồng Kỵ, chỉ mới có gần 30 doanh nghiệp tham gia”, ông Vương cho biết thêm.

H.T (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Lối thoát nào cho làng nghề Đồng Kỵ trước nguy cơ 'xóa sổ'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.