Thứ năm, 18/04/2024 12:51 (GMT+7)

Lương ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động

MTĐT -  Thứ ba, 08/05/2018 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng: “Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động”. Tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh từ 25% năm 2015.

Sáng 8/5, Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018.

Báo cáo năm nay tập trung vào chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, trong đó phân tích rõ năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: “Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động”. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh từ 25% năm 2007 lên 50% năm 2015.

Với toàn nền kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,96% (2004-2015) nhưng tốc độ tăng lương trung bình lại lên tới 6,67%.

Phân tích thực nghiệm cho thấy, tốc độ tăng tiền lương có liên quan đến sự điều chỉnh tăng nhanh của lương tối thiểu. Điều này làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Song cũng cần lưu ý rằng, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tác động với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác biệt về quy mô thị trường lao động và khả năng công nghệ, tài chính của doanh nghiệp trong việc đối phó với chi phí lao động gia tăng.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của VERP, năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia. Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics” cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.

Ngoài ra, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu.

Trong khi đó, theo VERP, việc điều chỉnh liên tục lương tối thiểu dẫn tới làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Hệ lụy là doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi lương tối thiểu tăng.

Kết quả là một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đạo tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng. Họ cũng có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội hơn. Điều này cho thấy nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro hơn.

Từ nghiên cứu này, VERP cho rằng còn nhiều bất cập làm cản trở khả năng lan tỏa năng suất lao động. Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường, cấu trúc thị trường chưa được hoàn thiện…

Dự báo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và khuyến nghị chính sách”, nhóm tác giả cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô ngắn hạn của Việt Nam.

Theo đó, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nhiều khả năng đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, tăng trưởng chỉ đạt mức 6,49% và lạm phát chỉ tương đối ổn định ở mức 3,86%.

VERP cho rằng, xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cả mọi chính sách cải cách. Xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực để thị trường trở nên hiệu quả hơn, góp phần giúp lao động được tái phân bổ nhanh hơn, và giúp người lao động cải thiện năng suất nhanh hơn.

Tổng hợp theo (Bizlive, NĐT)

Bạn đang đọc bài viết Lương ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.