Thứ ba, 19/03/2024 11:31 (GMT+7)

Sẽ có lộ trình cửa đón khách quốc tế

MTĐT -  Thứ năm, 28/05/2020 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019 gồm 80 nước: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc,...

Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019, bao gồm: 8 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.

Ngay sau khi ban hành đã có những ý kiến từ dư luận bày tỏ lo lắng về khả năng đảm bảo an toàn trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Trao đổi với báo SGGP, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL - Bộ VH-TT-DL) cho biết, thị thực điện tử được xem như “cú hích”, tạo bước ngoặt trong thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời quảng bá Việt Nam là điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.

Thời điểm Nghị quyết 79/NQ-CP có hiệu lực là 1-7-2020 sẽ đánh một dấu mốc quan trọng đối với du lịch, song không đồng nghĩa với việc du lịch sẽ mở cửa đón du khách quốc tế vào thời điểm này.

Liên quan tới kế hoạch đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới, sau một thời gian dài du lịch quốc tế bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19, lãnh đạo TCDL nêu rõ, trong suốt thời gian qua TCDL luôn theo sát các diễn biến, đánh giá và nghiên cứu khả năng phục hồi cho thị trường quốc tế sau dịch.

Một số kịch bản được đặt ra theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới để xây dựng việc đón khách theo từng phân khúc, từng thị trường.

“Gần đây, TCDL đã làm việc với đại diện cơ quan du lịch Thái Lan, Văn phòng Văn hóa Đài Bắc để bàn về thời điểm có thể nối kết hợp tác. Chẳng hạn, chúng ta có thể mở cửa trước cho các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... sau đó đến các nước như Nhật Bản cùng các quốc gia khác.

Tuy nhiên, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế tùy vào sự kiểm soát an toàn dịch bệnh của từng quốc gia, vùng lãnh thổ”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ với Vnexpress vể việc mở cửa đón khách quốc tế, ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, việc mở cửa này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 4,5% trong năm 2020.

Mở cửa cho khách quốc tế có nghĩa là cho phép và tạo thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam đi ra nước ngoài, cho phép mở đường bay kết nối các thành phố trong nước và quốc tế. Mở cửa cho du lịch là bước đi đầu tiên để đảm bảo mở cửa cho đầu tư, thương mại và các hợp tác khác.

Việt Nam nên xây dựng các phương án mở cửa với toàn thế giới dựa trên phân tích dữ liệu về rủi ro lây nhiễm cộng đồng của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng bằng 0 trong khoảng thời gian 4 tuần có thể coi là rủi ro rất thấp. Phương án cho Việt Nam là kết nối trực tiếp thử nghiệm với các nước và cộng đồng như vậy trước, sau đó tiếp tục mở ra cho các nước tương tự nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

Ông Kiên cũng cho biết, việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách là hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất và là yếu tố tiên quyết cho việc mở cửa cho khách quốc tế. Để làm được việc này, điều kiện quan trọng nhất là chỉ mở cửa với các điểm đến an toàn theo tiêu chí tôi đã trình bày ở trên.

Thứ hai, chúng ta đồng thời phải đảm bảo toàn bộ các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ được vận hành ở mức an toàn nhất có thể. Đó là đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân, thiết lập trạng thái bình thường giãn cách xã hội và theo dõi các khách hàng đã đi với mình thông qua các giải pháp công nghệ.

Thứ ba, chúng ta phải tổ chức liên tục việc xét nghiệm theo mẫu của khách đến, để trong thời gian sớm nhất xác định được các trường hợp rủi ro nhập khẩu bệnh.

Thứ tư, ngay khi phát hiện dịch phải tổ chức dập dịch với các hành động quyết liệt về cách ly và cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần.

Thứ năm, chuẩn bị một cơ sở vật chất y tế đầy đủ để có thể điều trị một số lượng lớn bệnh nhân tương đương với số dân. Các hành động trên phải được thực hiện lâu dài và bền bỉ cho đến khi vaccine được tìm ra hoặc toàn bộ thế giới đã tuyên bố hết dịch.

Theo ý kiến của riêng tôi, việc đưa khách vào cách ly tại các khu resort hoặc bắt buộc khách phải cách ly 14 ngày hoặc tìm kiếm một chứng từ xác nhận không mắc bệnh không có ý nghĩa nhiều trong việc bảo vệ cộng đồng và người dân Việt Nam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sẽ có lộ trình cửa đón khách quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới