Thứ sáu, 29/03/2024 20:00 (GMT+7)

“Trái đắng” từ phát triển du lịch

MTĐT -  Thứ năm, 24/05/2018 10:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch mang lại, nhưng cùng với đó hoạt động du lịch đang ngày càng có những tác động tiêu cực đến môi trường do tốc độ phát triển quá nhanh.

10 tấn rác thải du lịch/ngày

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch thống kê, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt bãi tắm đẹp trải dài từ Bắc đến Nam, mỗi năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành Du lịch.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển du lịch thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm vì vậy, ngành du lịch đã và đang bị kìm hãm phát triển.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp cộng với thể chế, chính sách còn bất cập.

Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm về hiện trạng môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chất lượng nước biển ở các bãi tắm, như: Long Hải, Hồ Cóc, Bãi sau, Bãi Trước, Bãi Dâu đều đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Thống kê của Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt, nhà vệ sinh của cư dân đổ xuống biển.

Các bờ biển Việt Nam cũng đang bị đe dọa từ hoạt động du lịch. Ảnh minh họa. 

Không chỉ biển, các vườn quốc gia cũng đối mặt với nạn ô nhiễm, phá vỡ, bị hủy hoại tính nguyên vẹn của các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nước ta có 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học cùng với các tài nguyên tự nhiên như địa hình, khí hậu, sông ngòi…

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam là rất lớn. Một số nơi du lịch phát triển sinh thái phát triển quá “nóng” lại mang tính mùa vụ, gây ra những tác động tiêu cực về môi trường, cảnh quan.

Du lịch tác động đến môi trường như thế nào?

Hoạt động du lịch làm tăng áp lực về chất thải sinh hoạt, đặc biệt ở các trung tâm du lịch, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước. Lượng chất thải và 100 trung bình từ sinh hoạt của khách du lịch khoảng 0,67 kg chất thải rắn lít chất thải lỏng/khách/ngày.

Khách du lịch, đặc biệt khách từ các nước phát triển thường sử dụng nhiều nước và những tài nguyên khác, đồng thời lượng chất thải tính theo đầu người thường lớn hơn đối với người dân địa phương.

Cùng với việc tăng số lượng khách, nhu cầu nước cho sinh hoạt của khách du lịch tăng nhanh. Điều này sẽ làm tăng mức độ suy thoái và ô nhiễm các nguồn nước ngầm hiện đang khai thác, đặc biệt ở vùng ven biển do khả năng xâm nhập mặn cao khi áp lực các bể chứa giảm mạnh vì bị khai thác quá mức cho phép. Hiện tượng này đã quan sát thấy ở nhiều khu vực có hoạt động du lịch tập trung như: Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng…

Tăng thêm sức ép lên quỹ đất tại các vùng ven biển vốn đã rất hạn chế tại vùng ven biển, miền núi trung du… do bị khai thác sử dụng cho mục đích xây dựng các bến bãi, hải cảng, nuôi trồng thủy sản và phát triển đô thị.

Các hệ sinh thái và môi trường đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương do sức ép của phát triển du lịch.

Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như: các khu rừng nhiệt đới, thác nước, hang động, cảnh quan… thường rất hấp dẫn đối với du khách, nhưng cũng dễ bị tổn thương do phát triển du lịch, đặc biệt khi phát triển du lịch đến mức quá tải, đa dạng sinh học bị đe dọa.

Nhiều quốc gia nhận “trái đắng” từ phát triển du lịch

Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã nhận “trái đắng” từ phát triển du lịch. Tại Nhật Bản, sau khi chính phủ nước này phát động chiến dịch "Visit Japan" (Hãy đến Nhật Bản) vào năm 2003, du khách nước ngoài đến Nhật không ngừng tăng lên.

Chiến dịch trên có thể được xem là thành công vang dội khi số du khách nước ngoài đến Nhật tăng vọt từ 5 triệu (năm 2003) lên 20 triệu người trong năm 2016.

Thế nhưng, cùng với việc du khách đến với Nhật Bản ngày càng đông thì đã kéo theo bết bao hệ lụy, và một trong những hệ lụy đó chính là môi trường.

Để cải thiện tình hình, theo tờ South China Morning Post, Sở Du lịch Kyoto đã cho xuất bản một quyển sách nhỏ cung cấp các lời khuyên cho du khách về những điều không nên làm trong xã hội Nhật.

Và chỉ trong tháng 2/2018, chinh phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa vịnh Maya ba tháng sắp để cho các rặng san hô bị tổn thương có thời gian phục hồi.

Vịnh Maya (Thái Lan) phải đóng cửa vì ô nhiễm.

Từ khi xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng The Beach năm 2000, vịnh Maya và quần đảo Phi Phi trở nên nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách. Mỗi ngày, 5.000 lượt du khách tham quan vịnh Maya bằng thuyền, khiến cho những rặng san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Thon Thamrongnawasawat, chuyên gia đại dương từ Đại học Kasetsart Bangkok, 77% rặng san hô ở Thái Lan bị phá hoại. Con số này tăng 30% so với 10 năm trước. Ông cho biết, vùng nước bị ảnh hưởng từ những bãi biển, rác thải nhựa từ cảng đổ xuống. "Tốt nhất là nên đóng cửa nơi này mãi mãi, tuy nhiên đây là điều không thể vì nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc vào du lịch", ông Thon nói.

Không chỉ vậy, hồi tháng 5/2016, chính phủ Thái Lan đóng cửa hòn đảo Koh Tachai và chưa tuyên bố ngày mở cửa trở lại. Vài tuần sau đó, ba hòn đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai nằm ở Phuket phải giới hạn lượng du khách tới đây. Trước đó, khoảng 4.000 du khách tới thăm khu vực này, chủ yếu tham gia các hoạt động gây hại tới hệ sinh thái môi trường như lướt thuyền tốc độ hay lặn biển, tắm biển ít nhất 3 tiếng hay cho cá ăn.

Mới đây, chính phủ Philippines cũng tuyên bố đóng cửa thiên đường du lịch Boracay. 

Và mới đây là chỉ trong tháng 4 vừa qua, chính phủ Philippines đã phải tuyên bố đóng cửa hòn đảo du lịch Boracay trong 6 tháng và khiến người dân địa phương thất nghiệp diễn ra sau khi một công ty từ Macau, Trung Quốc đệ trình lên Tổng thống Philippines kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng sòng bài trị giá 500 triệu USD.

Sau một chuyến thăm tới Boracay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố rằng hòn đảo đã bị ô nhiễm quá mức, cần phải đóng cửa để phục hồi và làm sạch.

Cuối cùng, ông đã thông qua việc đóng cửa Boracay trong 6 tháng, bắt đầu từ 26/4. Quyết định này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những người dân sinh sống tại đảo và một số người cáo buộc chính Philippines đang hi sinh lợi ích của người dân địa phương để giữ chân các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Nhật Hạ

Tổng hợp theo (VNPPA, Pháp luật VN

Bạn đang đọc bài viết “Trái đắng” từ phát triển du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới