Thứ sáu, 19/04/2024 18:30 (GMT+7)

Vải thiều Lục Ngạn: Dự kiến xuất khẩu 35.000 - 53.000 tấn trong 2021

MTĐT -  Thứ hai, 05/04/2021 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi vải thiều Lục Ngạn được Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng sản phẩm này sẽ tăng sản lượng xuất khẩu trong năm 2021.

Tại hội nghị bàn về biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2021 do UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tổ chức vào ngày 1/4, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết năm 2021, huyện Lục Ngạn có 15.450 ha (tăng 160ha so với năm 2020), trong đó 12.400ha vải thiều sản xuất VIETGAP; trên 300ha vải thiều GlobalGAP. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa của huyện đạt trên 95% diện tích, sản lượng ước đạt khoảng 120 nghìn tấn. Dự báo thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ trung tuần tháng 5, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 20/7/2021.

Để hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình chăm sóc vải thiều VIETGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Quản lý chặt chẽ và duy trì sản xuất của 81 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc; Mỹ, EU và thị trường Nhật Bản. Tổ chức cho các hộ dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly.

Cùng với chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng kịch bản cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều, với 2 phương án vừa tiêu thụ vải thiều, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19. Phương án 1, trong điều kiện, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp; dự kiến sẽ có 95 nghìn tấn vải thiều tươi được tiêu thụ trong nước và và xuất khẩu; 25 nghìn tấn sẽ được tiêu thụ bằng hình thức sấy khô, bảo quản lạnh, nước ép và chế biến khác. Phương án 2, nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường; hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán vải tươi tại thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại; chợ đầu mối lớn; các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị và sản giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn chấm com (dacsanlucngan.com). Cùng đó quan tâm xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như: Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á…; ngoài ra huyện cũng chú trọng đến công tác chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức: đóng hộp, ép nước, sấy khô…

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thế Thi đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ vải thiều cho người dân trong những năm qua. Để góp phần cho vụ vải thiều năm 2021 đạt nhiều thắng lợi, Phó chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Tăng cường chỉ đạo người dân quản lý tốt mã số vùng trồng, thường xuyên hướng dẫn và giám sát chặt quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ vải thiều vừa tiêu thụ vải thiều vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; quan tâm xuất khẩu vải thiều ra các thị trường nước ngoài; trong đó có thị trường Nhật Bản. Làm tốt công tác quản lý thị trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giảm tối đa ùn tắc giao thông trong vụ thu hoạch vải thiều. Phó chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với chính quyền huyện, tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều, góp phần cho một vụ vải thiều thắng lợi.

Trước đó, ngày 12/3 vừa qua, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về việc vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bắc Giang - cho biết, sự kiện vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa hết sức quan trọng, “có thể nói đây là giấy thông hành để đưa vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản và các thị trường cao cấp khác”. “Khi các sản phẩm đã được bảo hộ ở nước họ thì khách hàng, người tiêu dùng có niềm tin tuyệt đối vào sản phẩm, bên cạnh đó giá trị cũng lớn hơn rất nhiều so với các sản phẩm của nước ta năm ngoái đã xuất sang nhưng chưa được bảo hộ”, ông nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Internet
Ông chỉ ra một số điểm mà phía Nhật Bản nhận thấy nước ta còn yếu trong quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý này, chẳng hạn như khả năng tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý còn kém, thiếu các tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu các đặc tính của sản phẩm, dữ liệu về đặc tính sản phẩm không đc cập nhật thường xuyên, hoạt động gắn chỉ dẫn địa lý lên bao bì sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ,...
Ông đề nghị, huyện cần tập trung chỉ đạo bà con chăm sóc vải thiều đúng theo các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là đối với các mã vùng trồng dự kiến sẽ xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Sở KH&CN sẽ giao cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang thực hiện các phân tích, đánh giá các mẫu vải thiều một cách bài bản; lựa chọn các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng các báo cáo về sản phẩm vải thiều.

Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.

Việc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là thị trường "khó tính" như Nhật. Việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vải thiều Lục Ngạn: Dự kiến xuất khẩu 35.000 - 53.000 tấn trong 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...