Thứ sáu, 29/03/2024 09:10 (GMT+7)

Tỷ phú nông dân người Mông xây nhà, mua xe hơi nhờ trồng cây đặc sản

MTĐT -  Thứ ba, 15/09/2020 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Anh Sùng Diu Sì, dân tộc Mông ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đang trồng 6ha cam đặc sản và nhãn, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Mô hình trồng cam đặc sản của ông tỷ phú nông dân người Mông-Sùng Diu Sì (xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang)

Vươn lên từ nghèo khó

Những ngày giữa tháng 9, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN cùng đoàn cán bộ của Hội nông dân huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), vượt chặng đường gần 40km (từ trung tâm huyện) đến thăm gia đình anh Sùng Diu Sì ở Thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc.

Ở đây, ai cũng khen anh Sì sinh ra trong một gia đình nông dân khó khăn, không được đi học, sau này cũng không trải qua trường lớp nào đào tạo nào nhưng đã vươn lên thành hộ giàu có trong xã.

Theo lời kể của chị Chung, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Bắc Quang, thì đường vào xã Vĩnh Phúc giờ đây đã tốt hơn nhiều so với trước. Vĩnh Phúc có nhiều đổi thay đáng mừng, năm 2015 xã về đích nông thôn mới, đời sống của bà con đồng bào nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Anh Sùng Diu Sì dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN cùng đoàn cán bộ của Hội nông dân huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đi thăm vườn cam của gia đình.

Trên con đường dẫn vào xã Vĩnh Phúc, hiện lên trước mắt chúng tôi là màu xanh ngắt của cam, quýt, kéo dài đến tận chân núi. Vẫn theo lời kể của chị Chung, mỗi khi vào chính vụ thu hoạch cam, dọc các triền núi, thung lũng đều ngả sang màu vàng bắt mắt - màu của những trái cam đang chín chờ thu hoạch.

Vừa thấy khách đến, anh Sì chạy nhanh ra cổng để đón chúng tôi. Mặc trang phục của đồng bào Mông, với dáng người dong dỏng, nhanh nhẹn, anh mời chúng tôi vào nhà. Uống xong chén nước vừa pha, anh Sì dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam - mỗi năm cho tiền tỷ của mình.

Vừa giới thiệu về những giống cam trong vườn, anh Sì vừa nhớ lại thời gian đầu tiên cùng gia đình đến sinh sống ở thôn Vĩnh Sơn.

Anh kể, là con thứ tư trong gia đình có 7 anh, chị em. Năm 1979, do chiến tranh biên giới, 7 anh em theo bố mẹ về tái định cư tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

Những ngày đầu về Vĩnh Sơn, gia đình Sì được nhân dân trong xã đùm bọc, cưu mang. Vĩnh Sơn ngày đó còn rất nghèo, nhưng đất rộng, người còn thưa. Giàu có nhất tại Vĩnh Sơn lúc bấy giờ chính là tình người.

"Nhờ tình cảm đùm bọc của làng xóm, nhân dân trong xã Vĩnh Phúc, gia đình tôi dần có cuộc sống ổn định, yên tâm bám vùng đất mới. Từ ngôi nhà nhân dân xã Vĩnh Phúc gom góp tre, nứa dựng tạm lên ở, những bữa ăn là cơm trộn lẫn khoai, sắn, rau măng kiếm được trong vùng" - anh Sì nhớ lại.

"Gia đình khó khăn, ăn còn không đủ, nói gì đến chuyện được đi học. Quanh năm trồng ngô, lúa nương, cái nghèo, cái đói cứ bám riết. Đến năm 1987, tôi xây dựng gia đình, đầu năm 1991, vợ chồng tôi xin bố mẹ ra ở riêng với quyết tâm thoát nghèo…” - Sì tâm sự.

Anh Sùng Diu Sì giới thiệu với đoàn cán bộ Hội Nông dân huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) về các giống cam đang trồng tại vườn của gia đình mình.

Gia đình khó khăn, diện tích đất canh tác lại hạn hẹp. Đến năm 1996, anh Sì đã mạnh dạn đi vay người thân, bạn bè để mua thêm đất. Cũng từ đây, với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh Sì đã chọn cây cam là cây phát triển chủ lực để làm hướng đi, tập trung phát triển kinh tế cho gia đình.

Trò chuyện cùng PV, anh Sì cho biết, sau hơn 20 trồng cam, trải qua nhiều vụ canh tác, bằng ý chí tự học hỏi, bản thân anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cam. Qua trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được anh nông dân Sùng Diu Sì rất am hiểu, tường tận về kỹ thuật trồng cam, không khác gì một kỹ sư nông nghiệp.

Những chùm cam với những trái cam đẹp mã đang được tỷ phú nông dân Sùng Diu Sì, dân tộc Mông, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chăm sóc, nâng niu.

Hiện nay, với diện tích trên 6ha, trong đó 5ha trồng cam (gồm cam sành, cam đường Canh và cam vàng) đều đã được chứng nhận VietGAP và 1ha trồng nhãn. Theo anh Sì chia sẻ, chỉ tính riêng vụ cam năm 2019 đã mang về thu nhập gần 1 tỷ đồng cho gia đình.

"Vụ cam trước nếu thời tiết thuận lợi, không bị rụng quả nhiều thì vườn cam của gia đình tôi có thể cho sản lượng trên 120 tấn. Giá bình quân 10.000 đồng/kg, đặc biệt, cam đường canh có giá 20.000 đồng/kg thì sẽ còn có lãi hơn" - anh Sì nói.

Các tỷ phú miền sơn cước liên kết trồng cam

Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả, đó là, dù chưa từng được học qua một trường lớp nào về nông nghiệp, nhưng, anh Sì vẫn tự mình tìm tòi, tìm ra phương thức để ghép cây cam với cây bưởi.

Anh Sì cho hay, kết quả sau khi ghép, nhận thấy cây cam sinh trưởng và phát triển khỏe hơn. Hiện nay trong vườn của gia đình anh đã có trên 20 cây cam ghép do chính anh ghép.

Không chỉ làm giàu từ trồng cam đặc sản, anh Sì còn tập trung phát triển kinh tế từ cây lâm nghiệp. Với gần 20ha trồng các loại cây lâm nghiệp như: keo, bồ đề...cũng mang lại một khoản tiền cục khi anh thu hoạch.

Ngoài ra, anh Sì còn có diện tích 6.000m2 mặt nước nuôi các loại cá như: cá bỗng, trắm cỏ, chép, trôi.

Theo anh Sùng Diu Sì, để cây cam đạt chất lượng quả cao nhất thì vẫn là phải áp dụng phương pháp trồng cam hữu cơ.

Anh Sì cho biết, trồng cam khó nhất vẫn là vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không áp dụng đúng liều lượng cho phép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả.

Để cây cam nào nào cũng cho sai trĩu, quả đều, theo anh Sì đó là phải áp dụng phương pháp trồng theo hướng hữu cơ. Trong đó, anh sử dụng các loại phân chuồng để thường xuyên bón cho cây. Anh hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thức vật hóa học, phân hóa học để chăm bón vườn cam đặc sản.

Để chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm đầu ra ổn định cho quả cam. Nhiều hộ nông dân trồng cam ở xã Vĩnh Phúc đã liên kết, thành lập HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc do anh Sì làm Phó Giám đốc của HTX.

HTX tập hợp 15 thành viên tham gia với tổng diện tích diện tích trồng cam lên tới 312ha. 11 thành viên của HTX đã được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 550 triệu đồng. Từ sự liên kết này, nhiều gia đình đã có cơ hội trao đổi, học tập lẫn nhau về cách trồng cam đạt hiệu quả cao nhất.

Từ hiệu quả của trồng cam mang lại, nhiều hộ nông dân ở xã Vĩnh Phúc đã giàu lên trông thấy, hỏi ở đây ai là tỷ phú trồng cam kể trên đầu ngón tay cũng không hết, nhiều người đã mua được xe hơi, xây nhà đẹp.

Anh Sùng Diu Sì chia sẻ với cán bộ Hội nông dân huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) về kinh nghiệm trồng cam sạch của mình.

Ông Hoàng Hải Chư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) cho hay, địa phương có tổng diện diện tích trên 1.000 ha trồng cam, tổng sản lượng cam hàng năm đạt 20.560 tấn quả; doanh thu hơn 206 tỷ đồng.

Cây cam được ví là cây “vàng xanh” làm giàu bền vững cho nông dân xã Vĩnh Phúc. Cũng nhờ thương hiệu nức tiếng của cam sành, Vĩnh Phúc được biết đến là nơi có trên 30 tỷ phú nông dân đạt thu nhập 1 tỷ đồng/năm, trong đó có anh Sùng Diu Sì.

Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế đối với mọi người. Năm 2018, anh Sùng Diu Sì đã vinh dự nhận được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2019 anh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Đặc biệt năm 2020, anh Sùng Diu Sì còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của toàn quốc vinh danh là “Nông dân Việt Nam suất sắc năm 2020”.

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).

Theo Minh Ngọc/Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Tỷ phú nông dân người Mông xây nhà, mua xe hơi nhờ trồng cây đặc sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.