Thứ ba, 23/04/2024 20:46 (GMT+7)

Ứng phó với một thế giới đầy biến động

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 02/03/2021 16:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm trong 10 năm tới vừa là khát vọng, vừa là áp lực của Việt Nam.

Áp lực đó hiện hữu ngay từ đầu năm 2021, khi mà Việt Nam vừa phải giải quyết những khó khăn nội tại, vừa phải ứng phó với những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế sẽ được tiếp nối nhờ 5 động lực quan trọng: phục hồi sức mua thị trường trong nước hưởng lợi từ đầu tư công; xuất khẩu khởi sắc; sự nối lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; ổn định vĩ mô.

Chúng ta đã sống qua năm Covid thứ nhất với nhiều điều chưa từng có trong lịch sử. Năm 2020, thế giới đã trải qua đợt suy giảm kinh tế lớn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng âm liên tiếp vào quý II và III. Trong số các nền kinh tế có quy mô trên 100 tỷ USD, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất có tăng trưởng dương cả trong 4 quý.

Điểm khác biệt so với các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây là hiện tại hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn đứng vững nhờ một quá trình tái cơ cấu hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các chính phủ cũng đã sử dụng mạnh mẽ công cụ chính sách tài khóa, bao gồm tăng chi ngân sách cho các người dân và doanh nghiệp, trong khi đó các ngân hàng Trung ương quay lại bơm tiền vào nền kinh tế. Với định hướng chính sách vĩ mô chung vẫn là nới lỏng và kích thích kinh tế; dịch Covid sẽ được kiểm soát nên các dự báo kinh tế đều thống nhất là kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021.

2020: Tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô 

Với mức tăng trưởng 2,91% trong 2020 là một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới. Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành công lớn nhất của Việt Nam là giữ vững tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô. Qua nỗ lực điều hành của Chính phủ, lạm phát đã kéo dần từ mức 7,82%/năm (giai đoạn 2011-2015), xuống quanh mức 3,15% (giai đoạn 2016-2020). Đồng nội tệ cũng được giữ rất ổn định. Trong 5 năm (2011-2015), đồng Việt Nam mất giá 8,26% so với đô-la Mỹ, thì giai đoạn 5 năm vừa qua (2016-2020), mức mất giá chỉ là 2,61%.

Trong năm 2020, năng lực thay đổi hoặc thích ứng của Việt Nam khi đối mặt với khủng hoảng đã được thể hiện rõ theo ít nhất 3 cách, tuy khác nhưng bổ sung cho nhau.

Thứ nhất, Việt Nam đã nhanh chóng và tích cực đối phó với đại dịch bằng những cơ chế sáng tạo và minh bạch để khuyến khích thay đổi về chính sách và hành vi của người dân. Thứ hai, Chính phủ đã thay đổi cả chính sách tiền tệ và tài khóa để tạo ra dư địa cần thiết cho khu vực tư nhân hoạt động và kích thích sự phục hồi trong nước. Thứ ba, Việt Nam đã tăng tốc cải cách để khai thác những xu hướng toàn cầu nổi lên từ đại dịch qua việc nâng cao vị thế trong nền kinh tế toàn cầu và khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số.

Dù giúp định hình khả năng chống chịu của Việt Nam, nhưng những thay đổi này là chưa đủ, còn cần phải giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu, vốn có thể nhanh chóng đe dọa mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Quản lý đại dịch một cách sáng tạo 

Dù xét theo tiêu chuẩn nào, Việt Nam đã và đang quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19, xứng đáng nhận được sự quan tâm đông đảo của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Truyền thông đã nhấn mạnh sự kết hợp của mức độ sẵn sàng trước cuộc khủng hoảng, khả năng ứng phó nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng bằng việc đóng cửa trường học và biên giới, và chiến lược thông minh khi truy vết có mục tiêu và xét nghiệm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Điều mà có lẽ ít người hiểu được là Chính phủ đã thực hiện các biện pháp trên bằng việc sử dụng thế mạnh truyền thống của mình là đoàn kết và thực thi pháp luật, nhưng cũng sẵn sàng đổi mới thông qua các công nghệ kỹ thuật số hiện đại.

Ngay từ đầu quá trình này, Thủ tướng đã thành lập một ủy ban quốc gia để xây dựng tầm nhìn cũng như cơ chế phối hợp cần thiết giữa các bộ ngành và giữa Trung ương với địa phương nhằm hình thành ý thức rõ ràng về định hướng và thay thế các cơ chế phức tạp hiện có giữa các cơ quan của Chính phủ. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập cơ chế báo cáo trực tuyến để theo dõi những trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác nhận nhiễm dịch bệnh, với thông tin chi tiết để theo dõi nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn. Thông tin thu thập được sử dụng để thiết lập các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhưng có mục tiêu và được chia sẻ gần như trong thời gian thực với nhiều bên thông qua các nền tảng kỹ thuật số và biện pháp phi truyền thống (như bài hát, tin nhắn điện thoại di động và ứng dụng di động). Các biện pháp phi truyền thống này, trước đây chưa phổ biến ở Việt Nam, đã giúp gửi tín hiệu đúng đắn đến người dân để họ chấp nhận các biện pháp của Chính phủ và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Khi truyền thông về diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ đã tạo ra tinh thần trách nhiệm và đoàn kết mạnh mẽ hơn, điều này lại được củng cố bằng những kết quả tích cực từ việc thực hiện các biện pháp đó.

Nhờ nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát đại dịch, các hoạt động trong nước chỉ bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn. Sau 3 tuần phong toả toàn quốc vào tháng 4, các hạn chế dần được dỡ bỏ, và hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ đã phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước lấy lại niềm tin. Đến tháng 10/2020, cả chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gần bằng tỷ lệ trước đợt dịch Covid-19.

Khu vực kinh tế đối ngoại - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua - cũng được hưởng lợi. Trong năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt thặng dư thương mại hàng hóa cao nhất từ trước đến nay mà dự trữ ngoại hối cũng tăng mạnh. Những diễn biến tích cực như vậy có phần không dự tính trước được vào đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 vì Việt Nam được coi là rất dễ bị tổn thương do suy thoái kinh tế toàn cầu và đóng cửa biên giới quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đến và xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2019. Khả năng quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19 là công cụ quảng bá tốt nhất của Việt Nam, khuyến khích các công ty nước ngoài tái phân bổ hoạt động sản xuất từ những nước vẫn đang đóng cửa nhà máy của họ sang Việt Nam, do đó góp phần vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của đất nước.

Điểm sáng kinh tế 2020 lại là xuất khẩu. Vì Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, nên khi Covid xảy ra đã có quan ngại là nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương vì yếu tố này. Nhưng cuối cùng, xuất khẩu trong năm 2020 đã tăng 6,5% với tổng kim ngạch lên tới 282 tỷ USD. Nguyên nhân là Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị và nội thất của Việt Nam đã tăng mạnh sang Hoa Kỳ. Cùng với sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, hàng xuất khẩu công nghiệp chế biến và nông sản sang thị trường này cũng tăng trưởng tốt. Tăng trưởng sang Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bù đắp cho suy giảm ở các thị trường khác, đặc biệt là ASEAN và EU. Nhưng cũng vì tăng mạnh xuất khẩu với tốc độ 24,5% mà thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2020 lên tới 63 tỷ USD. Tính chung, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2020 lên tới mức kỷ lục là 19 tỷ USD. Nhưng cũng phải thấy là cán cân xuất khẩu dịch vụ lại thâm hụt tới 12 tỷ USD vì mất đi gần như toàn bộ nguồn thu từ du lịch quốc tế, trong khi Việt Nam vẫn phải chi trả cho các dịch vụ nước ngoài về tài chính, bảo hiểm, vận tải hàng hóa và giáo dục (cho dù là trực tuyến).

Về đầu tư, từ năm 2016 – 2019, đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố; đặc biệt, thắt chặt kỷ cương, chống tham nhũng. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành không được khởi công. Đầu tư cơ sở hạ tầng không bắt kịp và không tương ứng với đà tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này. Nhưng đến năm 2020 thì ngược lại. Dưới tác động của Covid, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm 1,6% (sau khi loại bỏ lạm phát). Thuận lợi là từ 2019, Chính phủ đã đặt kế hoạch giải ngân đầu tư công cho năm 2020 với quy mô vốn vô cùng lớn. Đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đã tăng 34,5% so với năm 2019. Nỗ lực triển khai dự án và đây nhanh giải ngân đã giúp đầu tư công trở thành động lực tăng trưởng thay thế cho đầu tư và tiêu dùng tư nhân trong năm qua.

2021: Lạc quan nhưng vẫn thận trọng  

Một tin tốt lành có thể mang đến trong những ngày đầu năm 2021 là tất cả các nền kinh tế chính yếu sẽ hồi phục nhất định, dự báo sẽ tăng trưởng dương, lấy lại những suy giảm của năm 2020. Kịch bản lạc quan này được dựa vào nền tảng Covid rồi sẽ qua đi, giữa năm hoặc chậm nhất là cuối năm 2021. Các nước giàu và các nền kinh tế lớn có thể phân phối vaccine Covid-19 trong quý I/2021. Từ quý II, các nước đang phát triển cũng sẽ bắt đầu tiếp cận với vaccine để đại dịch có thể được kiểm soát trên toàn cầu vào nửa cuối của năm 2021. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế chính yếu vẫn điều hành theo chính sách tiền tệ và tài khoá theo hướng nới lỏng, lãi suất vẫn tiếp tục thấp, các gói kích thích được tiếp nối hoặc mở rộng. Tăng trưởng kinh tế dương sẽ quay trở lại với hầu hết các nền kinh tế trong năm 2021.

Thị trường chứng khoán vẫn mang khí thế lạc quan, với một niềm tin rằng, dù tàn phá của Covid nặng nề đến đâu, thì hệ thống tài chính vẫn đứng vững, thanh khoản vẫn dồi dào và lãi suất thấp. Các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục bơm tiền và triển khai những gói tài khoá, mà tạm quên đi hệ luỵ là nợ của Chính phủ và nợ của tư nhân đã ở vào mức cao và còn tiếp tục tăng.

Về trung hạn, một cuộc điều chỉnh chính sách trong 2-3 năm tới chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là làm sao thế giới hút lại lượng tiền vốn đã bơm mạnh ra kể từ khủng hoảng tài chính cách đây 12 năm và rồi lại thêm lên đáng kể trong năm Covid vừa qua và làm sao tái cấu trúc khối lượng nợ công và nợ tư khổng lồ.

Rủi ro xấu trong ngắn hạn cũng có thể xảy ra. Hoạt động phân phối vaccine sẽ có xáo trộn và chậm trễ, kể cả ở những quốc gia giàu có. Bên cạnh đó, thay đổi chính trị trên toàn cầu, các căng thẳng thương mại song phương và cạnh tranh công nghệ không dễ dàng hoá giải trong năm 2021, mà thậm chí còn có thể căng thẳng hơn. Vì vậy, để Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng kinh tế và phản ứng chủ động với các biến động toàn cầu trong năm 2021 thì ổn định vĩ mô, giữ sức cho các động lực tăng trưởng nội địa và sẵn sàng về nguồn lực nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng là những yếu tố quan trọng nhất.

Kịch bản lạc quan với 5 động lực cơ bản 

Năm điểm sáng của năm 2021 như là 5 động lực tăng trưởng cơ bản để chúng ta có thể nghĩ đến một kịch bản kinh tế lạc quan.

Thứ nhất, ổn định vĩ mô. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021%, nhưng dự báo của các tổ chức quốc tế còn lạc quan hơn từ 6,7% đến trên 7%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố áp lực lạm phát sẽ vẫn yếu để Chính phủ có thể điều hành cả chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng hỗ trợ tăng trưởng.

Thứ hai, đầu tư doanh nghiệp tư nhân phục hồi cộng với đà tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp, cụ thể là lãi suất tiền gửi ở mức hiện nay và giảm tiếp lãi suất cho vay, sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2021 và những năm sau.

Thứ ba, sự nối lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ xảy ra sau Covid. Thành tích kiểm soát Covid cộng với xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ duy trì vị thế hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra thách thức đối với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể hấp thụ được dòng vốn nước ngoài, trong bối cảnh phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn khi Việt Nam đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc là thao túng tiền tệ.

Thứ tư, phục hồi sức mua thị trường trong nước. Một trong những băn khoăn nhất, thách thức nhất của doanh nghiệp hiện nay là kinh doanh không thể thực sự khởi sắc, nếu sức mua của thị trường nội địa vẫn yếu. Chuyển đổi số đã là động lực rất lớn để DN thích ứng với loại hình mua sắm mới. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi sức mua trên thị trường trong nước. Số liệu thị trường lao động năm trước cho thấy lao động đang làm việc sau khi giảm tới 2,4 triệu người vào quý II so với quý I đã tăng lại 1,5 triệu vào quý III và thêm 600 nghìn người nữa vào quý IV. Đây là cơ sở cho sự phục hồi sức mua thị trường nội địa trong năm nay.

Thứ năm, động lực tăng trưởng cuối cùng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Về chính sách kinh tế đối ngoại, Việt Nam sẽ phải chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ để tránh mọi khả năng nảy sinh căng thẳng thương mại song phương. Cũng vì vậy mà xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ khó có thể tăng mạnh như những năm trước. Bù lại, việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh sẽ là yếu tố để đẩy mạnh XK trong châu Âu. Các nền kinh tế của ASEAN đã bị suy giảm kinh tế nghiêm trọng vì Covid. Singapore, Thái Lan và Malaysia dù kiểm soát kinh tế tốt nhưng vẫn bị tác động do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dịch vụ kinh doanh, thương mại và du lịch. Indonesia và Philippines có thị trường nội địa lớn những thất bại trong kiểm soát Covid. Nếu các nền kinh tế này phục hồi mạnh trong năm nay, thì xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tăng mạnh trở lại.

Tận dụng cơ hội “có một không hai”

Nếu quản lý tốt, Việt Nam có thể vươn lên sau cuộc khủng hoảng Covid-19 mạnh hơn so với trước. Việc quản lý thành công đại dịch cho đến nay đã giúp Việt Nam giành được thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu và gia tăng vốn FDI vào đất nước trong năm 2020. Việc đổi mới các chuỗi giá trị toàn cầu mang lại cho Việt Nam cơ hội "có một không hai" để định vị mình, khi doanh nghiệp và Chính phủ các nước có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất. Động thái này đã bắt đầu, một số công ty đa quốc gia hiện đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam, và nhiều công ty khác thể hiện sự quan tâm đến việc di chuyển. Thách thức đối với Việt Nam không nhất thiết là thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, mà là tối ưu hóa sự kết nối với các nhà cung cấp và nhà phân phối trong nước cho thị trường nội địa đang phát triển, qua đó tạo điều kiện phổ biến công nghệ và nâng cao năng lực.

Nền kinh tế trong tương lai sẽ ngày càng có xu hướng không tiếp xúc. Mặc dù Việt Nam được cho là chậm hơn so với các nước phát triển về số hóa, cuộc khủng hoảng Covid-19 là một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số. Trong vài tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh phát triển kỹ thuật số khi khách hàng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang thương mại điện tử. Hơn một nửa số doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số. Chính phủ cũng đã đẩy nhanh các hoạt động của mình, và tăng gấp 11 lần số lượng dịch vụ điện tử được tích hợp vào Cổng thông tin quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/2020.

Giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu  

Các nhà hoạch định chính sách cũng ngày càng nhận thấy trong tương lai Việt Nam sẽ cần quan tâm hơn đến quản lý tài nguyên thiên nhiên của đất nước và những rủi ro khí hậu đang gia tăng, là những mối đe dọa trực tiếp đến khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Dù có cam kết ở cấp cao, nhưng lĩnh vực này chưa có nhiều chuyển biến: ô nhiễm không khí tiếp tục trầm trọng hơn ở các thành phố lớn, nước biển dâng cao đang xâm chiếm Đồng bằng sông Cửu Long, và thiên tai ở các tỉnh ven biển ngày càng lớn hơn và thường xuyên hơn, như đã thấy gần đây qua hàng loạt cơn bão đổ bộ vào miền Trung trong tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua.

Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường trong quá trình khôi phục sau đại dịch Covid-19. Việt Nam cần lựa chọn giữa con đường phát triển bình thường như trước hay phục hồi xanh/sạch để giải quyết được những tác động của đại dịch khác trong tương lai, hay rủi ro khí hậu và thiên tai, đồng thời xây dựng một tương lai thích ứng cao. Quyết định này cần có những chính sách và hoạt động đầu tư mới, cũng như thay đổi cách thức kinh doanh và tiêu dùng. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh Việt Nam không ngại thay đổi. Bây giờ chính là thời điểm cần hành động./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam, Chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, “Ứng phó với thế giới đầy biến động”, Tạp chí Kinh tế xuân Tân Sửu.
  2. Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, “Xây dựng tương lai cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế.
Bạn đang đọc bài viết Ứng phó với một thế giới đầy biến động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới