Thứ năm, 28/03/2024 22:19 (GMT+7)

Uy tín và chất lượng là 2 yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 07/09/2020 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Uy tín và chất lượng là hai yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực cạnh tranh nên các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt.

Đây là vấn đề “muôn thuở” nhưng là vấn đề cốt lõi vì hàng hóa Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến nhưng cần đột phá hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực tế những lô hàng đầu tiên đảm bảo khá tốt chất lượng. Cần có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Phối hợp với Sở Công thương Hà Nội triển khai các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công, chương trình Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với các doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện nay, để xây dựng các chuỗi giá trị mới thay thế các chuỗi giá trị cũ, các Hiệp hội và cơ quan chức năng đang hỗ trợ, tập trung kêu gọi những doanh nghiệp lớn trên địa bàn trở thành những doanh nghiệp dẫn dắt để kết nối và tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, khởi nghiệp…

Vừa qua, nông sản hữu cơ của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu được thị trường châu Âu rất hoan nghênh và chào đón. Vì nền nông nghiệp hữu cơ lấy các “sản phẩm phụ” của nông nghiệp và chất thải của các sinh vật làm phân bón, thực hiện một nền sản xuất nông nghiệp vừa có thể bảo vệ độ phì của đất, vừa có thể bảo vệ sản lượng nông sản. Nền nông nghiệp hữu cơ dùng phân hữu cơ và các rơm rác, phân xanh, phân của gia súc, gia cầm để sản xuất, không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà dựa vào những sinh vật trong hệ thống sinh thái tự nhiên để khống chế các loài sâu bệnh.

Gạo hữu cơ:

Khu vực trồng lúa hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

Ảnh: tapchicongthuong.vn

Cơ sở sản xuất phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ dàng nhận diện. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào chiều cao của cây lúa, nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình của cơ sở và điều kiện khí hậu địa phương. Các cây trồng trong vùng đệm không được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.

Chè hữu cơ:

Khu vực trồng chè hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

Ảnh:/vneconomy.vn

Cơ sở sản xuất phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ dàng nhận diện, nhằm bảo vệ chè khỏi các rủi ro bị hóa chất bay bám và bị rửa trôi từ các vườn bên cạnh vào. Vùng đệm có thể được làm bằng nhiều hình thức, ví dụ bằng hàng rào cây hoặc bằng rãnh mương. Yêu cầu đối với mỗi vùng đệm sẽ phụ thuộc vào vị trí của từng vườn chè và phụ thuộc vào từng phương thức sản xuất mà cơ sở liền kề áp dụng.

Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào chiều cao của cây lúa, nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình của cơ sở và điều kiện khí hậu địa phương. Cần có khoản cách ít nhất 5m giữa các vườn chè hữu cơ và vườn không hữu cơ.

Theo tin báo Thanh niên ngày 5/9/2020: “Gạo, thủy sản tăng đơn hàng vào EU”.

Gạo bán giá cao nhất từ trước đến nay

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Trong đó, số liệu cho thấy, riêng lượng đơn hàng xuất khẩu thuỷ sản sang EU tháng 8 tăng 10% so với tháng 7 và tập trung phần lớn mặt hàng tôm và mực. Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước thông tin, hơn 3.000 tấn tôm và các sản phẩm từ tôm của DN này xuất qua EU với trị giá 31 triệu USD. Theo đại diện công ty, về giá trị và kim ngạch xuất khẩu của DN so cùng kỳ năm ngoái sang EU đều tăng từ 6 - 8%. Các hợp đồng xuất khẩu thủy sản vào EU dự kiến tăng và tăng 20% vào cuối năm nay nhờ vào EVFTA.

Ngoài thủy sản, câu chuyện gạo Việt Nam xuất đi EU, lần đầu tiên được bán giá trên 1.000 USD/tấn sau EVFTA có hiệu lực đã tạo làn gió lạc quan cho ngành nông sản Việt. Thông tin từ Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trong tháng 8, công ty đã xuất khẩu thành công lô hàng 3.000 tấn đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu từ Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá 1.080 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Như vậy, có thể nói, nhờ EVFTA, giá gạo của DN Việt Nam vào EU trong tháng 8 đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn. Ông Bình tỏ ý lo ngại khi cho rằng, văn hóa thương mại của một số thương nhân Việt còn rất kém, cứ mở cửa được thị trường nào lại đua nhau giảm giá để cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Bình, giá gạo Công ty Trung An xuất hơn 1.000 USD/tấn không phải là giá cao và vẫn chưa đúng với giá trị thực. Bởi gạo thơm Thái giá trị thấp hơn gạo thơm Việt đang xuất sang EU nhưng bán được giá gấp đôi. Nếu đánh giá đúng chất lượng, gạo hữu cơ Việt Nam có thể bán giá trên 3.000 USD/tấn và người châu Âu sẵn sàng trả giá cao đúng giá trị thực của nó, nếu chúng ta không cạnh tranh bằng giá kiểu thương nhân trong nước tự… lấy đá ghè lên chân mình.

Trả lời Thanh Niên, một số nhà xuất khẩu sang thị trường EU đều cho rằng, còn quá sớm để nói đơn hàng tăng chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, một DN xuất khẩu cà phê sang EU thuộc Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng thuế xuất khẩu cà phê sang EU từ 15% xuống 0% sẽ tạo lực đẩy lớn cho nhà xuất khẩu. Vị này phân tích hiện tại, chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ theo EVFTA, nên cơ hội cà phê Buôn Ma Thuột hưởng lợi, tăng xuất khẩu vào thị trường này tốt sau này. Tuy nhiên, đơn hàng trong tháng 8 chưa tăng mạnh, tầm hơn 5% so với cùng kỳ. “Tỷ lệ khiêm tốn này cũng đáng ghi nhận. Sắp tới, sau ngày 15.9, khi Việt Nam mở chuyến bay quốc tế, tôi sẽ sang Đức, Bỉ, Pháp để kết nối với một số đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê”, vị này cho biết.

“Trà Bắc Sơn” – sản phẩm OCOP 4 sao

Triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè thành sản phẩm chất lượng, thương hiệu của địa phương. Năm 2019, sản phẩm “Trà Bắc Sơn” của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Với địa thế vùng đồi gò, khí hậu mát mẻ, xã Bắc Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây chè và đây được xem là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương. Hiện, toàn xã có khoảng 1.500/3.300 hộ trồng chè, trong đó Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đang quản lý 100 hộ với 30ha chè an toàn và 10ha chè VietGAP.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết: Trước đây, chè của Bắc Sơn chủ yều trồng tập trung tại vườn nhà, nhỏ lẻ, manh mún khiến việc xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa, tập trung gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các vườn chè trong mô hình thâm canh chè an toàn đều đã trên 10 năm tuổi nên già cỗi, năng suất kém. Từ năm 2012, người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây chè theo hướng VietGAP; được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ khi chuyển sang trồng chè sạch, thu nhập trên cùng 1 diện tích chè được tăng lên, sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng được bảo đảm. Nếu như trước đây, 1kg chè chỉ có giá khoảng 100 nghìn đồng thì nay tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cách làm truyền thống. Hiện giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 400 đến 550 triệu đồng/ha/năm.

Tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn mong muốn được các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để “Trà Bắc Sơn” trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đang sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, hợp tác xã có 6 sản phẩm (hành lá, rau muống, rau cải xanh, rau mùng tơi, cà chua, rau mùi) được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm, hiện nay hợp tác xã có 15 ha trồng rau, đã đầu tư hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel. Hợp tác xã cũng là một trong trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận công nghệ viễn thám, có trạm quan trắc thời tiết thông minh I.Mentos 3.3 A-G dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất… giúp chủ động sản xuất. Hợp tác xã cũng lắp đặt camera trên đồng ruộng, truyền hình ảnh về khu nhà điều hành để giám sát khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch rau, củ, quả…

Ngoài ra, Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn còn có đội ngũ kĩ sư được đào tạo bài bản. Hàng năm, hợp tác xã đều cử kĩ sư sang Nhật Bản tham quan mô hình nông nghiệp của nước bạn và học hỏi kĩ thuật, công nghệ hoa học mới để đưa vào sản xuất…

Hiện nay hợp tác xã rau - quả sạch Chúc Sơn sản xuất đa dạng rau, quả theo mùa như: Rau muống, ngót, cải; bầu, bí, mướp, cà chua, đậu…. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 3 tấn rau, chủ yếu đưa vào các siêu thị, bếp ăn một số trường học, bệnh viện… Được công nhận sản phẩm OCOP của thành phố, hợp tác xã tiếp tục mở rộng vùng sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2020 cung ứng ra thị trường 5 tấn rau/ngày và phát triển thương hiệu rau, quả sạch Chúc Sơn.

Dầu đậu nành Otran do Công ty TNHH Đầu tư BTG (địa chỉ số 278 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) sản xuất đã đạt top 3 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2019.

Dầu đậu nành Otran là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được ép tươi từ đậu nành, 100% nguyên chất với Omega 3-6-9 và giàu vitamin E tự nhiên. Đây là thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp ngăn ngừa lão hóa và bổ sung các acid thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Sản phẩm không chứa Cholesterol, chất bảo quản, chất tạo màu và không chứa chất béo cấu hình trans (còn gọi là acid béo xấu). Sản phẩm giàu dinh dưỡng này thích hợp để rán, xào hay trộn salad. Đây là kết quả hoạt động nghiên cứu và cải tiến sản phẩm không ngừng của Công ty TNHH Đầu tư BTG nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm giàu dinh dưỡng và bảo đảm chất lượng của người tiêu dùng.

Từ năm 2012, Otran trở thành thương hiệu dầu ăn đầu tiên của Việt Nam vươn ra thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh, Campuchia… Hiện nay, dầu đậu nành Otran đã trở nên quen thuộc với các gia đình Việt và trở thành một trong những thương hiệu dầu đậu nành hàng đầu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Sản phẩm dầu đậu nành Otran được bán rộng rãi trên thị trường.

“Bây giờ làm nông nghiệp phải là nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”, đó là suy nghĩ của ông Trần Ngọc Phú (47 tuổi, ở thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, H.Sông Hinh, Phú Yên). Suy nghĩ đó đã dẫn ông Phú đến thành công.

3 “Bí quyết”

Xuất phát từ suy nghĩ này, ông Phú lặn lội ra Hà Nội học hỏi về nông nghiệp hữu cơ từ các chuyên gia của Viện Nông nghiệp Việt Nam, rồi đến các nhà vườn xem và tìm hiểu áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Bình Phước, Đắk Lắk… Thấy chưa đủ, ông còn mua thêm nhiều tài liệu để tự nghiên cứu. Những kiến thức, kinh nghiệm đó ông đã áp dụng ngay trên mảnh vườn rộng chừng 4 ha.

“Trên mảnh vườn đó, tôi trồng sầu riêng, chanh dây và sachi. Tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ can thiệp bằng máy cắt để tận dụng nguồn hữu cơ, đồng thời giữ ẩm cho đất trong mùa hạn. Các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi như phân chuồng, rác thải vỏ cà phê được gia đình tận dụng làm phân bón. Để phòng bệnh cho cây trồng, tôi sử dụng men vi sinh ủ với các loại cá tạp”, ông Phú chia sẻ kinh nghiệm.

Tự mày mò làm nông nghiệp sạch đã khiến ông Phú đôi lần thất bại, nhưng sau những lần như vậy ông lại rút ra kinh nghiệm. Và bây giờ, ông Phú đã tự chế tạo ra loại phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng hỗn hợp một loại men vi sinh trộn với nước ủ từ các loại cá được đánh bắt ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh cùng vỏ chuối, vỏ cây thanh long…

Ông Phú cho biết: “Để có được công thức pha phân vi sinh phù hợp với các loại cây trồng, phải tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh trưởng từng loại cây và chất đất. Cây trồng cũng giống như con người, ở giai đoạn ăn bột thì phải cho ăn bột, chứ cứ nhìn thấy nhà này làm nhà kia bắt chước theo cũng sẽ không mang lại hiệu quả”.

Chỉ qua một năm, mô hình sản xuất của ông Phú đã mang lại hiệu quả khả quan. Với 100 gốc chanh dây, ông Phú có lợi nhuận 20 triệu đồng. Với 5.000 m2 sachi trồng xen cao su, ông có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, vườn sầu riêng 3 năm tuổi không sâu bệnh, đang phát triển tốt và chuẩn bị cho trái bói.

Ông Phú chia sẻ: “Có 3 điều khiến mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công. Thứ nhất, sản phẩm của gia đình không dùng chất hóa học, người mua chấp nhận giá cao hơn so với các sản phẩm khác. Thứ hai, việc khéo léo xen cây ngắn ngày (sachi, chanh dây) với sầu riêng đã hỗ trợ cho nhau theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Thứ ba, để người tiêu dùng yên tâm với chất lượng sản phẩm hạt sachi, gia đình đã lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các chỉ số về omega, can xi, protein đều đảm bảo; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được cập nhật công khai và lưu rõ vào nhật ký. Khi khách hàng hỏi về nguồn gốc thì có thể chứng minh và phổ biến rộng rãi cho mọi người”.

“Từ mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ban đầu, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân từng bước áp dụng mô hình của anh Phú. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận. ông Nguyễn Văn Khúc bí thư Đảng ủy xã Ea Bar.”

Sản xuất, chế biến tôm hữu cơ

Những năm gần đây, tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Riêng huyện Cần Giờ có khoảng 2.200 ha nuôi tôm tập trung ở các xã Bình Khánh, An Thới Ðông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp. Nuôi tôm theo lối truyền thống gặp nhiều rủi ro, người nuôi tôm đang tích cực đầu tư phát triển nghề này theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao…

Ảnh: plo.vn

Hiện nay, nhiều mô hình nuôi tôm tại thành phố đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy cho ăn tự động, hệ thống sục khí ô-xi tự động và hệ thống làm sạch ao… đã giảm tới mức thấp nhất các khả năng gây dịch, bệnh. Một số hộ nuôi tôm đã xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy và lưới che trên mặt ao nhằm hạn chế tác động của thời tiết, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm ao đất bán thâm canh và quảng canh.

Về diện tích: Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4.345,28ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là 1.450ha. Địa hình bằng phẳng, đồng bằng phù sa là chủ yếu thuộc lưu vực sông Đồng Nai, với hệ thống sông, rạch chằng chịt, hơn 30 nhánh sông, rạch tạo thành mạng giao thông thủy thuận lợi và mạng đường bộ nối liền trung tâm huyện (gần nhất là trung tâm xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp). Người dân Bình Khánh ngoài sản xuất nông nghiệp là chính còn có nghề đánh bắt trên sông, rạch, chăn nuôi gia cầm, nghề thủ công đóng và nuôi trồng thủy sản (tôm, cá).

Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh, tôm thẻ chân trắng hiện được nuôi ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè và 4 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp của huyện Cần Giờ. Trong đó, Cần Giờ hiện có 2.200ha thả nuôi tôm với sản lượng đạt 3.011 tấn, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha. Định hướng phát triển và quản lý ngành nuôi thủy sản của UBND TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Nhà Bè là 120ha, sản lượng ước đạt 1.620 tấn.

Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, huyện Cần Giờ cũng đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 1.200ha, hiện người dân đã đào ao trong khu vực quy hoạch 486ha và đưa vào sản xuất hơn 153ha.

Địa điểm quy hoạch có vị trí thuận lợi về nguồn nước tốt, có hệ thống thủy lợi đã được đầu tư bước đầu, có nhiều mô hình nuôi thủy sản nên có kinh nghiệm về nuôi và quản lý các mô hình nuôi tôm. Do đó, định hướng diện tích đất nuôi trồng thủy sản sẽ không tăng, nhưng sẽ sản xuất tôm thẻ chân trắng tập trung, theo hướng công nghiệp, sử dụng kỹ thuật nuôi thâm canh năng suất cao, hiệu quả và bền vững.

* Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm

Hiện nay một số hộ nuôi tôm đã ứng dụng các trang thiết bị hiện đại như máy cho ăn tự động, hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đã đảm bảo môi trường ao nuôi, giảm thiểu khả năng xảy ra dịch bệnh.

Việc xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy, dùng lưới vây quanh ao nuôi xây dựng nhà kính trong khu vực nuôi tôm đã hạn chế tác động của thời tiết, khí hậu cũng như đất đai, thổ nhưỡng.

Tại xã Bình Khánh, nhiều hộ nuôi tôm 2 giai đoạn trên ao phủ bạt nhựa, nuôi tôm phủ bạt tốn chi phí đầu tư gấp nhiều lần nhưng hiệu quả hơn hẳn so với nuôi tôm ao đất. Trên nền phủ bạt, tôm lớn nhanh và cho thu hoạch từ 5-6 vụ/năm so với ao đất chỉ 2–3 vụ. Việc thay nước và xử lý ao nuôi cũng đơn giản hơn để kiểm soát dịch bệnh. Bước đầu toàn xã có khoảng 10ha chuyển đổi theo mô hình mới nhưng đã cho thấy hiệu quả tốt vì hạn chế được nhiều rủi ro.

Cụ thể mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn điển hình. Với diện tích 7.500m2 mặt nước, được chia ba ao nuôi tôm thiết kế theo hình tròn, trong đó có 3.000m2 ao nuôi chính, 3.000m2 ao dự trữ và 1.500m2 ao ươm. Tôm giống nhập về được ươm thêm từ 12 đến 30 ngày mới đưa ra ao nuôi. Với ao nuôi áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín, sử dụng hệ thống quạt tạo oxi đáy thì mật độ thả nuôi từ 200 đến 250 con/m2. Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 40 con/kg, năng suất 5,5 tấn/1.000m2 ao, tính bình quân đạt 50 tấn/ha/vụ. Ao nuôi tôm sử dụng bộ điều khiển tự cấp thức ăn cho tôm bảo đảm nguồn thức ăn vừa đủ và sử dụng quan trắc môi trường để thường xuyên theo dõi, đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho tôm. Nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cách cho ăn để quản lý môi trường nước, nên thu được tôm có chất lượng cao, không bị bệnh. Các trại nuôi tôm theo quy trình VietGAP trên ao lót bạt và trở thành điểm tham quan, học kinh nghiệm cho nhiều người nuôi tôm ở thành phố và một số tỉnh. Nuôi tôm theo quy trình VietGAP là nuôi tôm sạch, tức là con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch, lựa thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hoạch và chế biến sản phẩm cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Về nguồn nước, cũng hoàn toàn là nguồn nước biển sau khi lọc lắng, chảy vào. Mật độ thả thưa hơn, trước mỗi m2 thả 100 con, nay từ 70 – 80 con/m2. Chi phí giống tôm giá thành thời điểm này khoảng 60.000đ/m2 nếu thời tiết thuận lợi nuôi 2 vụ, sẽ cho giá cao hơn hẳn. Vì thế cứ mỗi vụ tôm, bình thường 5-6 tháng/vụ đã thu hoạch được tôm sú loại 20 – 25con/kg. Nếu mỗi vụ thuận lợi thì 1ha cho 12 tấn tôm, đã có trên 60-70 tấn tôm sú cho 7ha.

Để phát triển các sản phẩm có nhiều triển vọng, đề nghị nhà nước cần tạo điều kiện, tạo thị trường cho sản phẩm. Vì có thị trường sản phẩm mới sống được.

Khởi đầu từ năm 2014, đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hàng trăm diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông”. Trong năm 2020 này, Trung tâm đã đề xuất với Sở NN và PTNT Hà Nội và được phép tiếp tục tổ chức diễn đàn luân phiên tại các huyện, thị xã. Đến nay, trung tâm đã triển khai được 10 diễn đàn thu hút hàng nghìn chủ trang trại, giám đốc các hợp tác xã và nông dân tham gia.

Tại diễn đàn, Ban cố vấn “Nhịp cầu nhà nông” là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ cùng bà con nông dân nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng như các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những câu hỏi cụ thể về xử lý sâu bệnh, kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… không ít vấn đề liên quan đến định hướng sản xuất của nông dân được bà con trực tiếp chuyển đến các chuyên gia như: nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất? Tóm lại, tất cả băn khoăn, thắc mắc của bà con đều được các chuyên gia, các nhà quản lý giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu.

Có thể nói diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” là nơi nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, nhà quản lý; là nơi giải đáp trực tiếp và nhanh nhất các vấn đề đặt ra với người nông dân. Từ đó, giúp họ có thêm kiến thức, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất thích ứng với điều kiện mới. Việc đưa diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” đến với các địa phương không chỉ là mong muốn của người nông dân mà còn là mong muốn của người làm khoa học và chính quyền địa phương.

Theo Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để tháo gỡ những rào cản nêu trên, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp; trong đó, cần có những chính sách về khoa học công nghệ, thị trường... phù hợp. Và, vấn đề cốt yếu là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hà Văn Thắng cho biết: Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cũng như phương thức cho vay, thu nợ phù hợp với đặc điểm của từng mô hình sản xuất.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã ban hành Công văn số 2515/SNN-KHTC, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận dụng cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Sở giao Trung tâm Khuyến nông tập trung giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông cho các mô hình sản xuất sạch; phối hợp các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho việc đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và chủ trì việc nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, thông qua mạng lưới khuyến nông, sẽ thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất xanh...

"Triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu, sẽ giảm 1,76 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 4,88 triệu tấn CO2 vào năm 2030 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp...", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh./.

          PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Tài liệu tham khảo

  1. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”.
  2. Đức Huy, “Thành công nhờ sản xuất nông sản sạch”, Báo Thanh niên ngày 3/9/2020.
Bạn đang đọc bài viết Uy tín và chất lượng là 2 yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.