Thứ ba, 16/04/2024 12:21 (GMT+7)

Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2019 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

So với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”.

Ngày 12/9 tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD - VCCI), Ngân hàng Thế giới và các bộ ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019.

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. Mục tiêu của hội nghị nhằm cung cấp thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các bộ ban ngành, địa phương, và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

So với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”. Tuy nhiên, để phát triển bền vững toàn diện, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thu hút nhiều hơn các nguồn lực tư nhân.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững & Nâng cao năng lực cạnh tranh trước Hội nghị Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.

Trước thềm Hội nghị Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, được tổ chức vào hôm nay (12/9), tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về  Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết hội nghị này có mục tiêu hướng tới một chương trình hành động cho một thập niên phát triển bền vững hơn ở Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Toàn cảnh phiên hội thảo chuyên đề về quan hệ đối tác công tư. Ảnh: Khắc Kiên.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ kỳ vọng, sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị hoặc Quyết định về việc tiếp tục triển khai chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững hơn cho thập niên sắp tới.

Chủ tịch VCCI cũng dự kiến đưa ra một số đề xuất cụ thể.

Trước tiên, cần chuyển từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đại diện VCCI đề nghị đề nghị đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”, Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Chủ tịch VCCI khẳng định, sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Thứ hai, về năng cao chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất, VCCI đánh giá cao sự phối hợp giữa Ngân hàng Thế giới với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan xây dựng báo cáo về tương lai việc làm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách cần thiết. Nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm thoả đáng, bền vững chính là yêu cầu xuyên suốt quan trọng hàng đầu của việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam. Dự thảo Bộ luật Lao động đã mở rộng phạm vi điều chỉnh từ đối tượng lao động có hợp đồng lao động trong khu vực chính thức (khoảng 20 triệu người) sang toàn bộ lực lượng động (55 triệu người trong độ tuổi lao động) ở nước ta. Đồng thời Luật Doanh nghiệp mở rộng phạm vi, đưa các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đó là những bước tiến quan trọng theo hướng minh bạch hoá, chính thức hoá, bảo đảm nâng cấp và kết nối được hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác và kết nối được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng ta đang rất cần sự cộng hưởng của các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà minh bạch hoá là chuẩn mực quan trọng nhất cho sự tương tác và cộng hưởng”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Thứ ba, về chất lượng của nguồn nhân lực ở Việt Nam, một thách thức quan trọng là Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học. 80% - 85% doanh nghiệp phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật.

Vì vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh, đối tác công - tư và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt. Về nội dung đào tạo, cần đẩy mạnh phương thức giáo dục đào tạo nghề kép “ gắn xưởng với trường” và rút ngắn thời gian đào tạo đại học chuyên ngành (ví dụ chỉ cần 2 năm) để bắt kịp xu thế thay đổi của công nghệ và đáp ứng nhanh yêu cầu về nguồn cung lao động chất lượng cao, chú trọng các chương trình ưu tiên STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào năng suất quốc gia, VCCI sẽ thúc đẩy triển khai mạnh mẽ phong trào này trong cộng đồng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, phong trào năng suất quốc gia cần được xác định là phong trào thi đua yêu nước có sức lan toả sâu rộng nhất trong tình hình mới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!