Thứ bảy, 20/04/2024 21:21 (GMT+7)

Kon Tum tìm cách "giữ chân" nhân lực ngành y tế

MTĐT -  Thứ sáu, 22/07/2022 12:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 96 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc; trong đó có 42 bác sỹ, 19 điều dưỡng, 4 dược sỹ còn lại là kỹ thuật và viên chức y tế khác.

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, nhất là khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nâng từ bệnh viện hạng II lên hạng I quy mô 750 giường bệnh.

Bác sỹ Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân cán bộ y tế nghỉ việc đều thể hiện rõ trong đơn là vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chỉ một số ít bác sỹ nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, còn chủ yếu do thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn tại các bệnh viện tư hoặc ở những tỉnh kinh tế - xã hội phát triển, có chính sách thu hút, đãi ngộ hấp dẫn. Đáng báo động, số nhân viên y tế thôi việc, chuyển công tác tiếp tục tăng lên và rất khó để tìm nguồn thay thế.

Việc thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là bác sỹ đa khoa, bác sỹ có trình độ chuyên môn sâu khiến ngành Y tế khó khăn hơn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại một số địa phương trong tỉnh, cũng như triển khai chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, việc này cũng làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ của ngành Y tế và khó thực hiện việc luân chuyển cán bộ cho tuyến dưới, làm gia tăng áp lực công việc đối với đội ngũ y, bác sỹ hiện có, bác sỹ Võ Văn Thanh cho biết thêm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Để “giữ chân” nhân lực ngành Y tế, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 2933/KH-SYT triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, Sở đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ để phát triển nguồn nhân lực y tế như: Từng bước xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý và có trình độ, năng lực theo vị trí việc làm; thực hiện chính sách khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và trong lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong...; tăng cường công tác đào tạo nhằm từng bước hình thành đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và quản lý giỏi, bảo đảm tính đồng bộ trên các lĩnh vực chuyên khoa…

Sở Y tế cũng chỉ đạo thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế theo đúng quy định tại các Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, 120/2020/NĐ-CP, 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới, tăng nguồn thu từ công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các hoạt động dịch vụ khác để cải thiện từng bước đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách để "giữ chân" nhân lực ngành Y tế của tỉnh vẫn chưa được triển khai hiệu quả và thiếu đồng bộ nên còn xảy ra tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin chuyển việc, nghỉ việc, rời xa cơ sở y tế công lập.

“Để giữ chân đội ngũ y, bác sỹ, phải cải thiện, nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sỹ đang công tác trong cơ sở y tế công lập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo nơi làm việc cho đội ngũ này tốt hơn; có chế độ đãi ngộ, chính sách đưa đi đào tạo và tăng quyền tự chủ rộng hơn cho các cơ sở y tế công lập, tạo điều kiện tăng thu nhập cho đội ngũ y, bác sỹ đang công tác trong ngành”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu.

Bên cạnh những giải pháp được ngành Y tế đưa ra, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Võ Văn Thanh cũng đề nghị Bộ Y tế sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học đối với công chức, viên chức ngành Y tế tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức./.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum tìm cách "giữ chân" nhân lực ngành y tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất