Kon Tum xảy ra nhiều trận động đất: Đã được xác định do động đất kích thích từ các hồ thủy điện
Những trận động đất diễn ra liên tục, trong đó có trận với cường độ mạnh 5.0 độ richter đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn huyện Kon Plông đã xác định do động đất kích thích từ các hồ thủy điện.
Trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay
Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, riêng ngày 29/7 (tính đến 16 giờ 00 phút) tỉnh Kon Tum đã xảy ra 24 trận động đất. Tất cả các trận động đất đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông với độ lớn từ 2.5 đến 3.7 độ richter.
Trước đó, ngày 28/7, tỉnh Kon Tum xảy ra 21 trận động đất. Đặc biệt, lúc 11 giờ 35 phút đã xảy ra trận động đất có độ lớn 5.0 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận tại Kon Tum.
Ngoài Kon Tum, người dân ở nhiều tỉnh thành khác như Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng đã cảm nhận được rung lắc mạnh do trận động đất 5.0 độ gây ra. Tuy chưa ghi nhận về thiệt hại nhưng nhiều người đều có chung cảm giác hoang mang.
Để tìm hiểu rõ hơn về các trận động đất, phóng viên đã ghi nhận thực tế tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) nơi có thể được xem là vùng tâm chấn của động đất. Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên vách núi của hàng trăm hộ dân nơi đây đang phải hứng chịu nhiều đợt động đất với mức độ ngày một nhiều hơn, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Nhớ lại trận động đất có cường độ mạnh 5.0 độ richter xảy ra vào trưa ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Lai vẫn không khỏi bất an về những gì đã xảy ra. Ông Lai cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở thôn Vi Ring hơn 12 năm, cũng đã đối diện với nhiều trận động đất, nhưng có lẽ trận động đất vào trưa ngày 28/7 được xem là lớn nhất. “Trưa hôm đó, gia đình đang ăn cơm thì nghe tiếng rung lắc mạnh, người chao đảo, bàn ghế, ly chén lắc qua lắc lại như muốn đổ vỡ. Rất may, động đất chỉ diễn ra thời gian ngắn và gia đình không bị ảnh hưởng gì”.
Việc xảy ra nhiều trận động đất trong thời gian qua có thể do thủy điện Thượng Kon Tum (cách làng Vi Ring khoảng 2,5km) thực hiện việc tích nước. Bởi trước đó, khi thủy điện chưa xây dựng và thực hiện việc tích nước thì gần như không có trận động đất nào xảy ra, ông Lai chia sẻ.
Cách lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum chừng vài trăm mét là Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 (thuộc Công ty TNHH một thành viên Kon Rẫy). Trận động đất mạnh 5.0 đội richter trưa ngày 28/7 đã khiến ngôi nhà xây kiên cố bị rạn nứt nhiều nơi, kéo dài cả mét.
Anh Trịnh Xuân Hùng, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 bàng hoàng nhắc lại: “Trưa hôm đó, mình đang nằm nghỉ ngơi trên giường thì nghe rung lắc mạnh, cảm giác ngôi nhà như bị nghiêng ngả. Lúc đó, hoảng sợ quá chỉ biết nhắm mắt nằm im chịu trận. Một lúc sau mình mới dám chạy ra ngoài gọi điện cho người thân. Trước đó cũng chứng kiến vài trận động đất nhưng chưa khi nào gặp phải trận động đất mạnh và hoảng sợ như vừa qua”.
UBND huyện Kon Plông đã có báo cáo cập nhật thông tin nhanh về tình hình động đất và những thiệt hại. Theo kết quả thống kê cập nhật nhanh từ UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại nào về người. Tuy nhiên đã có những thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng tác động của động đất gây ra.
Cần đánh giá mức độ ảnh hưởng
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 5 độ Richter. Theo các chuyên gia, động đất xảy ra tại huyện Kon Plông là động đất kích thích. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động tích, xả nước của các thủy điện trên địa bàn làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực, dẫn đến động đất.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông sau động đất.
Huyện Kon Plông là nơi được quy hoạch nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ. Cụ thể, trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa. Đó là thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re. Hiện các công trình thủy điện, thủy lợi vẫn hoạt động bình thường, chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng gì sau trận động đất có độ lớn 5.0.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, nhà người dân miền núi gần vùng lòng hồ thủy điện đa số làm bằng gỗ. Đáng lo ngại nhất là các loại công trình có kết cấu cứng, khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt bê tông… Nếu cường độ động đất lớn sẽ đổ sập.
Trước tình hình này, huyện Kon Plông đã yêu cầu UBND các xã cử cán bộ khẩn trương xuống địa bàn, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra. Qua đó, phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tình hình, động viên người dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn huyện Kon Plông cho biết, nguyên nhân đã được xác định do động đất kích thích từ các hồ thủy điện. Trước đây, huyện yêu cầu các thủy điện làm các trạm quan trắc để đo các độ rung chấn, còn các thủy điện có các phương án, quy trình vận hành riêng.
“Trước đây cũng đã có trận động đất mạnh 4.7 và nay là 5.0 đội richter, nhưng tâm chấn cách trung tâm thị trấn Măng Đen gần 10km. Để đối phó với động đất, huyện cũng đã tổ chức những lớp tập huấn, kỹ năng ứng phó khi xảy ra động đất, để từ đó người dân phần nào bớt lo lắng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chủ động xây dựng các phương án để ứng phó, khắc phục sau những trận động đất”, ông Bình thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của các trận động đất vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Đặc biệt, UBND tỉnh đề nghị 3 thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh, Đăk Re theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả.