Thứ sáu, 29/03/2024 18:36 (GMT+7)

Kỳ Anh - Hà Tĩnh: Nghi vấn thi công ẩu ở con đường tiền tỷ?

ĐẠT THÀNH -  Thứ ba, 04/09/2018 13:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh nhưng nhà thầu đã ngang nhiên thi công sai thiết kế... khiến người dân bất bình và hoài nghi về chất lượng.

Thời gian qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được thông tin phản ánh của những hộ dân xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về chất lượng công trình đường giao thông nông thôn trục xã được nhà thầu thi công một cách gian dối, sai thiết kế... khiến dư luận nơi đây rất bức xúc.

Theo đó, công trình trên do UBND xã Kỳ Phong làm chủ đầu tư có tổng chiều dài gần 1km, điểm bắt đầu được xác định từ QL1A tới UBND xã với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 1,1 tỷ đồng. Hồ sơ kỹ thuật, dự toán công trình này được phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Kỳ Anh kiểm tra và thẩm định. Mục tiêu của công trình khi hoàn thành để đáp ứng nhu cầu đi lại cho bà con nhân dân, phát triển kinh tế xã hội nhân dân trong vùng. Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo phản ánh, công trình có dấu hiệu kém chất lượng, thi công sai thiết kế.

Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường có chiều rộng nền đường Bn=9.0m; chiều rộng mặt đường Bm=5m; chiều rộng lề đường B lề= 2x2m, độ dốc mặt đường I mặt=2%; độ dốc lề đường I lề=4%. Kết cấu áo đường từ trên xuống. Cụ thể: Mặt đường BTXM M250 đá 2x4, dày 18cm; lớp lót bằng bạt xác rắn; cấp phối đá dăm loại 2 dày 15cm. Thời gian bắt đầu thi công từ ngày 2/8/2018 và dự kiến hoàn thành ngày 30/09/2018.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không có năng lực khiến một số hạng mục thi công có dấu hiệu kém chất lượng, phóng viên đã có mặt tại công trình để xác minh sự việc trên.

Theo quan sát của phóng viên, tại sân bóng thuộc UBND xã Kỳ Phong, nơi nhà thầu tập kết nguyên vật liệu để phục vụ cho công trình trên bao gồm 1 chiếc máy xúc đang trộn BTXM theo quán tính của lái máy bởi xung quanh không hề có bảng cấp phối. Theo quy định, để có được bảng cấp phối bê tông người ta phải tiến hành thí nghiệm rất nhiều lần với các tỷ lệ thành phần khác nhau để có được tỷ lệ thích hợp cho từng mác bê tông khác nhau.

Nhà thầu trộn BTXM theo quán tính không hề có bảng cấp phối.

Thực tế cho thấy, nếu ít nước, hồ vữa khô, khó thi công, bê tông không thể phát triển được hết cường độ; nếu nhiều nước quá, hồ vừa nhão, dễ thi công, nhưng mác bê tông sẽ lâu phát triển, dẫn đến việc tốn kém. Thế nhưng, chỉ với 1 chiếc gàu xúc, không hề có bảng cấp phối nhưng nhà thầu vẫn có những thành phẩm bê tông để phục vụ công trình trên.

Mặt khác, tại vị trí mà đơn vị thầu đang thi công đổ BTXM, theo kinh phí dự toán thì mặt nền phải được đắp nền đường bằng đầm cóc, K95 đất C3, thế nhưng không hiểu lý do vì sao mà nhà thầu lại đổ trực tiếp BTXM lên mặt đường như vậy. Bên canh đó, toàn bộ đá 2x4 đã được nhà thầu “mạnh dạn” thay vì đá 4x6 so với thiết kế ban đầu.

Đường thi công sai đá thiết kế, bạt lót 2 bên lề đường.

Ngoài ra, về thiết kế bạt xác rắn, trong quá trình đổ BTXM, nhà thầu chỉ trải bạt hai bên mặt đường còn bỏ trống ở giữa và thay vào đó là những lớp bê tông nhấp nhô bởi đá 4x6 trải phủ phía trên nhằm che khuất và nước xi măng chảy lênh láng khắp nơi. Điều mà dư luận quan tâm và lo lắng nhất đó là khi nhà thầu trộn hỗn hợp và đổ bê tông lại không có một đơn vị tư vấn giám sát nào tại công trình, mặc sức cho nhà thầu "tự biên tự diễn" theo ý mình.

Ông Võ Tiến Thạch, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong khẳng định: “Công trình đường trục xã vào trung tâm hành chính xã do UBND xã làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là HTX Vũ Phong, đại diện là ông Hồ Xuân Tuyết. Phía chủ đầu tư cử ông Võ Văn Tài cán bộ địa chính sát sao kiểm tra, theo dõi thường xuyên để đảm bảo chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công”.

Chỉ khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh liên quan đến chất lượng công trình có dấu hiệu bị "rút ruột", việc trộn BTXM không có bảng cấp phối theo quy định, không có biển bảng cảnh báo, lớp bạt phía dưới không đầy đủ... thì ông Thạch nói tiếp: “Nhà thầu sử dụng đá như thế này là không đúng theo như thiết kế ban đầu, còn việc không có bảng cấp phối hay không lót bạt xác rắn ở giữa tôi sẽ cho anh em kiểm tra ngay”.

Báo cáo kỹ thuật, Dự toán công trình của UBND xã Kỳ Phong.

Bàn về năng lực của nhà thầu thi công, ông chủ tịch xã phân trần: “Theo tôi, tuyến đường này là đường giao thông thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nên không cần thiết nhà thầu phải có năng lực, chỉ cần làm theo thiết kế dự toán. Nên sau khi anh Hồ Xuân Tuyết làm đơn đăng ký nhận thi công công trình trên, chúng tôi đã đồng ý cho đơn vị này làm”.

Đối với đơn vị thẩm định hồ sơ, phóng viên đã liên hệ rất nhiều lần qua điện thoại cũng như tới phòng làm việc của ông Trương Thanh Long, Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Kỳ Anh để lấy ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên câu trả lời chỉ là “Bận họp” hoặc không nhắn tin hồi âm lại.

Thiết nghĩ, đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí hàng đầu cho việc đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, cách làm đường ở xã Kỳ Phong huyện Kỳ Anh đang cho chúng ta thấy những bất cập rất nghiêm trọng và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan liên quan.

Trước vấn đề trên, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, làm rõ vụ việc theo đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ Anh - Hà Tĩnh: Nghi vấn thi công ẩu ở con đường tiền tỷ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới