Thứ sáu, 29/03/2024 20:32 (GMT+7)

Kỳ lạ sức sống loài cây được kỳ vọng cứu Tây Nguyên

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 22:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáu tháng nay chưa có một giọt mưa, Tây Nguyên loang lổ sắc trắng xen vàng những vùng đồi trọc cỏ tranh chết khô.

Nhưng lối vào những xã Ea Nuôl và Krông Ana (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), trong nhiều khu vườn hai bên đường, vẫn thấy sắc xanh rờn một loài cây rất lạ, lá non mơn mởn chen những chùm quả màu nâu ánh tím.

Ai cũng bất ngờ khi biết đó là cây đàn hương. Loài cây quý từng xuất hiện trong truyền thuyết thuở Vua Hùng dựng nước; có nguồn gốc từ đất Phật Ấn Độ; là cảm hứng để nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn viết nên tiểu thuyết “Đàn hương hình”… không ngờ đã bén rễ, khẳng định sức sống và tính hữu ích trên đất Tây Nguyên.

Vườn đàn hương nhập giống từ chính gốc Ấn Độ.

Loài cây quý du nhập từ đất Phật

Một trong những tài liệu học thuật về đàn hương được một Hiệp hội trồng cây nước ngoài công bố như sau: “Giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường vô cùng lớn, thuộc họ Santalaceae, xanh quanh năm, hương thơm đặc trưng, là thành phần không thể thiếu của ngành công nghiệp dược phẩm cải thiện sức khỏe, sản xuất nước hoa, gỗ rất cứng được ưa chuộng trong thủ công mỹ nghệ”. Đặc biệt, loài cây này “chỉ sống ở Ấn Độ, các quần đảo Thái Bình Dương, châu Úc”.

Bốn năm trước, đó cũng là tất cả những kiến thức về cây đàn hương của ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971), người đầu tiên đưa đàn hương về Tây Nguyên.

Ông Tòa bên một trong những cây đàn hương đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

Sinh ra tại vùng rừng cọ đồi chè Phú Thọ, vào Tây Nguyên lập nghiệp với nghề buôn bán vật liệu xây dựng, gọi là nông dân cũng đúng, mà gọi doanh nhân cũng chẳng sai, ông Tòa kể trước đây không nghĩ sẽ chuyển sang nghề trồng cây gây rừng. Nhiều năm tháng đi khắp Tây Nguyên, nhìn trùng trùng những cánh rừng bị triệt hạ để lại trơ trọi đất trống đồi trọc, thấy mình như có lỗi.

Cơ duyên đến khi ông tình cờ gặp một tài liệu về đàn hương trên mạng. Ký ức thuở ấu thơ lại lóe lên câu chuyện ở đất Tổ ngày xưa có truyền thuyết về loài cây cây chiên đàn xanh lá quanh năm, hương thơm ngào ngạt, có đôi hạc trắng sống trên cây nên người ta gọi đấy là đất Bạch Hạc. Hỏi chuyện nhiều nhà thực vật học, sử học, ông xúc động lặng người khi biết chiên đàn chính là đàn hương.

Lại thêm lần cơ duyên nữa, khi ông biết được ở Việt Nam cũng mới thành lập “Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm” thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Ông nông dân Tây Nguyên lặn lội ra tận Hà Nội, nằn nì đòi gặp vị Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện, Tiến sỹ Vũ Văn Thoại, vỡ lẽ đàn hương không chỉ “cứu” môi trường khi xanh quanh năm, cung cấp lượng oxy lớn gấp 5-6 lần các giống cây khác; mà còn được gọi là “vàng xanh”, khi lá dùng làm trà, hạt và rễ cho tinh dầu, thân cho gỗ quý, chứa nhiều thành phần y học có đặc tính sát khuẩn và an thần, ứng dụng điều chế thuốc giúp tĩnh tâm và cải thiện sức khỏe… Tin buồn, là đàn hương chưa từng được thử nghiệm ở Tây Nguyên, vùng đất có tiếng khắc nghiệt, khô hạn.

Ông Tòa kể lại: “Xưa nay tôi tâm đắc một quan điểm sống: “Cuộc đời mỗi người ai cũng cần thực hiện 3 việc quan trọng: Trồng một cái cây, sinh một đứa con và viết một cuốn sách”. Đại ý câu nói đó khuyên người ta phải biết sống có trách nhiệm với cuộc đời, thể hiện qua việc chăm cây, nuôi con và truyền kinh nghiệm sống. Có cơ duyên với đàn hương, nên tôi phải thực hiện trách nhiệm với Tây Nguyên theo đúng quan điểm sống đó”.

Những cây “ký chủ” đều ra hoa kết trái, cho sản lượng và chất lượng không đổi. 

Ông Tòa quyết định đóng cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, chuyển nghề trồng đàn hương, bất chấp sự can ngăn của gia đình, bạn bè.
Lớn nhanh như thổi trên sỏi đá Tây Nguyên

Nghe ông Tòa say mê kể về đàn hương, nhìn cách ông hướng dẫn chăm cây, cảm tưởng như ông nói chuyện về những đứa con; bởi chỉ có cha mới biết con mình tính nết ra sao, quen miếng ăn đồ uống nào rành rọt đến vậy.

Chuyển nghề trồng cây khi kinh nghiệm thực tế và kiến thức nông học gần như bằng không, nhiều năm ông ngày ngày ăn ngủ cùng đàn hương. Đầu tiên ông trồng xen đàn hương vào khu rẫy trồng cam quýt của gia đình, chấp nhận “canh bạc” có thể mất tiền tỷ nếu có sự cố xảy ra.

Không ai ngờ đàn hương lớn nhanh như thổi trên sỏi đá Tây Nguyên. Theo tài liệu và kinh nghiệm thế giới, phải từ 10 năm trở lên cây mới trưởng thành, chiều cao mới đạt 12-15m, chu vi gốc khoảng 0,9-2,4m.

Nhưng ở đây, sau 8 tháng cây đã lúp xúp xanh um lá cho hái lấy trà, sau hơn một năm đã ra hoa kết trái cho lấy hạt ép tinh dầu. Điều đặc biệt, hơn hai năm tuổi, cây đã bắt đầu hình thành lõi gỗ. Điều này đến các chuyên gia thực vật cũng không ngờ, vì thực tế trên thế giới phải từ 8 năm trở lên cây mới bắt đầu có lõi.

Ông Tòa cho hay, nói về loài cây này, gần như không có khuyết điểm nào. Về đặc tính tự nhiên, cây xanh lá quanh năm giúp bảo vệ môi trường; chịu hạn thuộc hàng “vô địch”, chỉ cần một lần bón phân hữu cơ dưới hố khi trồng, sau đó “bỏ mặc” gần như không cần tưới tắm; cây kỵ các loại chất hóa học, suốt vòng đời nói không với hóa chất độc hại.

Ở Tây Nguyên, đàn hương đã chứng minh điều “thần kỳ” khi hơn hai năm đã cho lõi gỗ.

Về hiệu quả kinh tế, chỉ sau chưa đầy năm đã cho lá làm trà, cho trái lấy hạt ép tinh dầu (giá búp tươi trên thị trường hiện khoảng 200 ngàn đồng/kg; giá hạt khoảng 400 ngàn đồng/kg), tới khi khai thác lấy gỗ thì lịch sử hơn 4000 năm nay đã chứng minh thế giới luôn “khát” gỗ đàn hương, “có bao nhiêu xuất khẩu cũng không đủ”, ông Tòa cho hay.

Chỉ có duy nhất một điều trước đây ông băn khoăn, đó là loài cây này dù là cây gỗ nhưng lại có một vài rễ “bán ký sinh”. Chiếc rễ này có một số giác mút, sẽ “lân la” sang một cây nào trồng cạnh nó (gọi là cây ký chủ - NV) để hút một vài vi chất cần thiết.

Nhiều năm nay, ông Tòa đã khảo nghiệm trồng ở nhiều khu vườn, bên cạnh nhiều loài “ký chủ” để xem đàn hương có “hút máu” cây khác? Kết quả cho thấy những cây “ký chủ” hầu như không ảnh hưởng, từ cà phê đến các cây ăn quả đều ra hoa kết trái, cho sản lượng, chất lượng không đổi.

“Nhưng “đẹp” nhất, là nên trồng đàn hương ở những khu rừng trồng cây lấy gỗ, rừng tái sinh. Lúc đó đàn hương không phải là loài “bán ký sinh” nữa, mà phải gọi là loài “cộng sinh”. Đàn hương và cây “ký chủ” sẽ cùng “dìu” nhau lớn nhanh, tỏa bóng cho những loài cây bụi khác phát triển.

Không chỉ ở Tây Nguyên, theo thực nghiệm của tôi, cây cũng sinh trưởng rất tốt trên những vùng đất cát như Ninh Thuận, Bình Thuận”, ông Tòa nói.

Theo đúc kết của ông Tòa, đàn hương sẽ là cây cứu môi trường Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Gian nan chuyện nông dân khởi nghiệp

Ông nông dân Nguyễn Quang Tòa ngày nào nay đã là Giám đốc Công ty CP phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên, trụ sở tại số 143, đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Công ty đã có hẳn website:danhuongtaynguyen.vn, có hàng chục nhân viên “cứng” chuyên trách kỹ thuật và kinh doanh, số lượng lao động thời vụ “đếm không hết”. Tuy nhiên vẫn không ít gian nan.

Theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, khởi nghiệp trong nông nghiệp được ưu đãi khuyến khích hỗ trợ đặc biệt… Thế nhưng trong câu chuyện của ông Tòa, người ta chỉ thấy một ông nông dân – doanh nhân đam mê trồng cây, cặm cụi tự học, tự làm, tự nghiên cứu, tự chịu trách nhiệm… Có những lúc gia tài nhiều tỷ đổ hết vào vườn ươm, rồi bị đối tượng xấu bơm hóa chất phá hoại, sau một đêm trắng tay mà đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Một kg hạt để ép tinh dầu hiện có giá 400 ngàn đồng

Ông Tòa cười buồn: “Ươm cây đàn hương rất kỳ công. Phải là loại hạt của cây nhiều năm tuổi, chọn 10 hạt chỉ lấy được 3, mới đạt tiêu chuẩn hạt nhân giống. Chúng tôi nhập giống từ Ấn Độ về ươm, trong khi một số người biết đàn hương là cây “hot”, nên “ăn xổi” ươm bằng chính hạt của cây non trồng ở Việt Nam, rồi phá vườn chúng tôi để độc chiếm thị trường, tung ra giống cây kém chất lượng”.

Những khó khăn ấy ông Tòa cũng gắng gượng vượt qua. Hiện điều trăn trở nhất ông không thể thực hiện một mình, mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước, là mong mỏi cơ quan chức năng sớm có những nghiên cứu kết luận và công bố pháp lý về đàn hương; để bà con nông dân yên tâm hơn với công việc phủ xanh Tây Nguyên; để những người đam mê với nghề nông có thêm động lực, cống hiến.

Những khát vọng như của ông Tòa là hoàn toàn chính đáng, hợp lý; vậy cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm và KHCN Việt Nam) nói gì trước vấn đề này? PLVN sẽ phản ánh trong các số báo sau.

Theo Pháp luật VN

Bạn đang đọc bài viết Kỳ lạ sức sống loài cây được kỳ vọng cứu Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới