Thứ ba, 23/04/2024 17:10 (GMT+7)

Kỹ sư cơ khí khởi nghiệp từ tre luồng

MTĐT -  Thứ sáu, 22/11/2019 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Tình cờ khi đến dự một hội thảo do VCCI tổ chức, tôi đã ấp ủ ý tưởng phải biến những vật liệu từ tự nhiên như tre, luồng có giá trị hữu ích hơn nữa trong cuộc sống”.

Đó là lời chia sẻ của kỹ sư cơ khí Trương Văn Hùng, người ươm mầm cho Dự án khởi nghiệp sản xuất đèn tre xuất khẩu đang được nhiều người quan tâm.

Sản phẩm đèn tre xuất khẩu của kỹ sư cơ khí Trương Văn Hùng đang thu hút nhiều người quan tâm

Trăn trở với tre, luồng

Xuất thân từ vùng nông thôn, gắn bó với các vật dụng mộc mạc, chân quê nên từ nhỏ, Trương Văn Hùng (SN 1987) không còn xa lạ với tre, nứa, luồng… được chế tác thủ công để làm vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như những chiếc ống tre đựng đũa, thìa, bát… bằng tre, dừa, nứa, luồng đã gắn bó với tuổi thơ của không ít thế hệ trẻ vùng quê nông thôn.

Sau khi tốt nghiệp khoa công nghệ tự động trường Đại học sư phạm kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh, chàng trai trẻ Trương Văn Hùng quê xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vẫn không thể dứt ra được hình ảnh tre, luồng khi tình cơ “bén duyên” với dự án khởi nghiệp của mình qua một sự kiện do VCCI tổ chức.

Là Phó bí thư Đoàn thanh niên trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc tham gia hội nghị “Thúc đẩy mô hình kinh doanh toàn diện và các giải pháp phát triển thị trường trong chuỗi giá trị tre luồng Nghệ An, Trương Văn Hùng đã bắt đầu nung nấu ý tưởng phải làm sao phát huy được hết giá trị của cây tre, luồng - loại cây quen thuộc nhưng đang bỏ phí.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ… khi cần sản xuất số lượng lớn sản phẩm từ tre, luồng chế tác kỹ xảo, tinh vi thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được đơn hàng. Đây cũng là điểm yếu khiến tính thương mại của sản phẩm tre, luồng Việt Nam chưa phát huy hết giá trị khi đến với các nước trên thế giới.

“Tại sao không áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để chế tác, thổi hồn cho những cây tre, luồng mộc mạc, giản dị có thêm giá trị? Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi và triển khai dự án sản xuất đèn tre xuất khẩu” – Trương Văn Hùng tâm sự.

Đưa công nghệ cao “thổi hồn” vào tre Việt

Theo thống kê của Oxfam, sản lượng và giá trị mang lại từ tre, luồng khi xuất khẩu còn rất hạn chế. Chính vì vậy, để phát huy hết giá trị các sản phẩm được làm từ những nguyên liệu này, nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có vấn đề ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào chế tác, sản xuất cần được sớm triển khai.

Nắm bắt được xu thế này, kỹ sư Trương Văn Hùng cho rằng, dự án starup sản xuất đèn tre xuất khẩu áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chế biến tre nguyên khối sẽ cho ra các sản phẩm đèn trang trí có hình thức đẹp.

Đặc biệt, mô hình sản xuất của Hùng sẽ giải quyết bài toán chi phí vận chuyển, bảo quản trong quá trình vận chuyển cao, giải quyết vấn đề mẫu mã, thiết kế, và tính thương mại hóa.

Ưu điểm nữa của việc đưa công nghệ cao “thổi hồn” vào tre Việt còn đáp ứng khi có nhu cầu số lượng lớn cũng như chất lượng cao từ các đơn vị đối tác trong và ngoài nước.

“Khi dự án được triển khai thành công, sẽ thay đổi hoàn toàn về cách thức sản xuất, tư duy sản xuất của ngành tre Việt Nam. Bởi các bài toán về công nghệ, mẫu mã, tư duy về ngành nghề thủ công sẽ thay đổi, để đưa nhiều hơn các sản phẩm sẽ gần gũi với thiên nhiên đến với người tiêu dùng” – kỹ sư Trương Văn Hùng khẳng định.

Theo DĐDN

Bạn đang đọc bài viết Kỹ sư cơ khí khởi nghiệp từ tre luồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới