Thứ bảy, 20/04/2024 04:22 (GMT+7)

Lâm Đồng: Đào núi khai thác đất, đá trái phép hay san gạt để làm vườn?

MTĐT -  Thứ tư, 17/11/2021 08:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngược dòng đoàn xe, nhóm phóng viên phát hiện ngọn núi phía trong đã bị khoét hết ruột, chỉ còn phần vỏ bên ngoài, nếu đứng từ ngoài đường nhìn vào sẽ khó phát hiện.

Lam Dong: Dao nui khai thac dat, da trai phep hay san gat de lam vuon? hinh anh 1
Toàn cảnh mỏ khoáng sản khai thác trái phép ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)

Trên địa bàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang xảy ra tình trạng đáng báo động, khi doanh nghiệp ngang nhiên đào đồi núi trái phép để khai thác đất, đá xây dựng đi bán.

Những đoàn “xe vua” chạy rầm rập cả đêm lẫn ngày, gây hư hỏng đường và mất an toàn giao thông. Trong khi đó, chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã đều nói không hay biết, cho là bà con san gạt đất để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Có mặt tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) chiều 15/11, nhóm phóng viên TTXVN chứng kiến đoàn xe tải chở đất, đá có gắn logo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch Vụ Quốc Khánh (gọi tắt là Công ty Quốc Khánh) nối đuôi nhau chạy trên đường.

Ngược dòng đoàn xe, nhóm phóng viên phát hiện ngọn núi phía trong đã bị khoét hết ruột, chỉ còn phần vỏ bên ngoài, nếu đứng từ ngoài đường nhìn vào sẽ khó phát hiện.

Tại khu vực khai thác rộng khoảng 3.000m2 là 2 chiếc máy múc đang cần mẫn làm việc. Những chiếc xe ben nối tiếp nhau vào ra, chở đất và đá chẻ đi về hướng các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương... phục vụ nhu cầu đổ đất, xây dựng công trình.

Vào khu vực khai thác, nhóm phóng viên choáng ngợp trước quy mô hoạt động ở đây. Từ bên ngoài đi vào qua một khe nhỏ do đào núi mà có, phía bên trong mở ra một bãi đất rộng hàng ngàn m2, xung quanh bao bởi những vách lớn bị đào nham nhở.

Ngọn núi đã bị khoét rỗng ruột có thể đã từ nhiều năm nay, để lại những vách núi bao quanh cao từ 15-20m. Nhiều đống đá xanh chất lượng cao được tách ra từ lòng núi nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Theo ước tính, lượng đất đá bị khai thác trái phép và đưa ra khỏi khu vực này lên tới hàng vạn, có khi hàng chục vạn m3.

Tại bậc khai thác bên ngoài đã san phẳng thành mặt bằng rộng gần 1ha, những cây dã quỳ mọc bên bờ đất đá, cao hơn 1m và nở hoa rực rỡ như khẳng định mỏ khoáng sản này đã được khai thác cách đây nhiều năm.

Anh Đ.T.H, một người dân sống ngay bên cạnh khu vực này cho biết, anh làm vườn ở đây đã lâu. Cách đây khoảng 2 năm, nhiều người đem máy múc, máy khoan và xe vận tải vào đây khai thác đất đá.

Có những ngày có tới hàng trăm lượt xe chở đất đá nối đuôi nhau chạy ra. Xe chạy cả ngày đêm, gây hư hỏng đường và ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân ở đây đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng không có ai xử lý...

Để tìm hiểu thông tin chính thức, nhóm phóng viên tìm đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tu Tra.

Ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết: Trên địa bàn, xã không cấp phép cho đơn vị nào khai thác khoáng sản. Nơi đó là của người dân được huyện cấp phép cho san, gạt đất để làm nông nghiệp công nghệ cao, có thể còn có dôi dư chút đất đá nên họ chở đi đổ.

Lam Dong: Dao nui khai thac dat, da trai phep hay san gat de lam vuon? hinh anh 2
Bên trong lòng núi đã bị khoét hết đất đá. (Ảnh: TTXVN)

Trước đây, Ủy ban Nhân dân xã cũng đã phát hiện có Công ty Quốc Khánh chở đất, đá ra khỏi khu vực, Ủy ban Nhân dân xã đã lập biên bản xử phạt vài lần. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa bàn nữa.

Khi được yêu cầu cung cấp giấy phép san gạt, hồ sơ xử phạt những người vi phạm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tu Tra cung cấp cho nhóm phóng viên một quyết định và biên bản xử phạt ông L.Th.B về hành vi tự ý làm biến dạng diện tích 156m2, nhưng địa điểm vi phạm này lại ở thôn Đa Hoa chứ không phải thôn Cầu Sắt, nơi có mỏ đất đá đang hoạt động.

Do ông Trương Văn Hùng khẳng định vị trí phóng viên nói đến chỉ là san gạt, cải tạo vườn, nên phóng viên đề nghị ông cùng ra hiện trường. Song ông Hùng đã từ chối với lý do xã có 2 cán bộ địa chính; trong đó một người đang đi cách ly vì dịch COVID-19, một nghỉ để giải quyết việc gia đình; còn các cán bộ khác phải trực cơ quan.

Để làm rõ thêm thông tin về vụ việc, chiều 15/11, nhóm phóng viên tìm đến Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương. Tại đây, ông Nguyễn Trung, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện cho biết: Hiện tại, toàn bộ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đều đang phải cách ly vì dịch COVID-19, nên không ai có thể phát ngôn.

Những người của các phòng, ban chuyên môn đi cách ly gần hết. Phóng viên cần thông tin gì thì để lại nội dung, khi nào cán bộ chuyên môn cách ly xong sẽ trả lời.

Tuy nhiên, theo ông Chánh Văn phòng, vị trí mà phóng viên nói tới đã được Ủy ban Nhân dân huyện cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng để làm nông nghiệp công nghệ cao, chứ không hề có chuyện khai thác đất đá...

Theo thông tin của phóng viên, mỏ khoáng sản trái phép trên địa bàn thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra cũng như nhiều mỏ trái phép khác trên địa bàn huyện Đơn Dương đã hoạt động từ nhiều năm nay.

Những người khai thác khoáng sản tại các địa điểm này cho máy móc hoạt động công khai ngày đêm. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe vận tải lớn chở đất, đá chạy nhộn nhịp, tung bụi mù trên đường, làm các tuyến đường trên địa bàn hư hỏng nghiêm trọng.

Phương thức hoạt động của các doanh nghiệp này là chọn các ngọn núi, quả đồi đất xấu, không có người làm vườn, để múc đất, đào đá đem bán. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép từ nhiều năm nay mà chính quyền địa phương không biết, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đó là chưa kể đến nguồn kinh phí hàng năm nhà nước phải bỏ ra sửa chữa cầu đường bị hư hỏng, do các đoàn “xe vua” này chạy qua.

Mặt khác, đây cũng là nguồn đất đá để nhiều người sử dụng, đổ xuống xâm lấn trái phép lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi tại địa phương mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng... Uy tín của lãnh đạo chính quyền địa phương cũng bị ảnh hưởng, khi người dân bức xúc phản ánh nhiều lần mà không hề nhận được hồi âm./.

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Đào núi khai thác đất, đá trái phép hay san gạt để làm vườn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...