Thứ sáu, 26/04/2024 00:32 (GMT+7)

Lâm Hà - Lâm Đồng: Cần xem lại việc thu hồi đất đối với một gia đình có công với cách mạng

HV -  Thứ ba, 21/06/2022 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều bất công trong việc thu hồi đất tại huyện Lâm Hà đã dẫn đến bao hệ lụy, khiến cho một gia đình có công với cách mạng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực. Mặc dù đã trôi qua gần ba thập kỷ, hộ dân bị thu hồi đất cho tới nay vẫn tiếp tục khiếu nại.

tm-img-alt

Hình ảnh và bằng khen gia đình có công với cách mạng. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1956, quê ở thôn Cửu Việt, xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ông được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, ngày 21/6/1997. Em trai ông là liệt sỹ Nguyễn Đức Dũng, gia đình ông Hùng được công nhận là gia đình có công với đất nước.

Năm 1980 ông Nguyễn Đức Hùng cùng vợ là Lê Thị Thiều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đã đưa cả gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới, thường trú tại thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Từ ngày 27/3/1980 Hội đồng chính phủ đã ban hành Quyết định số 95 – CP, trong đó quy định về khuyến khích người lao động và gia đình đi xây dựng các vùng kinh tế mới làm kinh tế gia đình như sau: Tùy theo khả năng đất đai của từng vùng và quy hoạch của từng đơn vị cơ sở, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc nông trường, lâm trường giao cho mỗi gia đình xã viên 1.500 m2, mỗi gia đình công nhân viên lâm trường từ 300 đến 1.000m2 đất để làm chỗ ở và trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Hùng Cường con trai ông Nguyễn Đức Hùng với thửa đất 3.469 m2 của gia đình bị thu hồi để xây Trường THCS Gia Lâm (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mà không được bồi thường đất. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Nhưng gia đình ông Nguyễn Đức Hùng không được như vậy.

Ba lần được giao đất, thì ba lần bị thu hồi

Theo đơn trình bày ngày 02/7/2010 và đơn xin giao đất làm nhà ở và đất sản xuất ngày 25/8/2010 của anh Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Nguyễn Đức Hùng, đại diện của gia đình) thì việc giao đất cho hộ gia đình xã viên Nguyễn Đức Hùng không như chính sách, pháp luật Nhà nước quy định, cụ thể như sau:

Năm 1980 gia đình ông Hùng được UBND xã Gia Lâm giao 05 sào đất, gia đình ông Hùng được làm 02 năm đến năm 1982 thì UBND xã thu hồi lại, giao cho người khác.

tm-img-alt

Đơn xin giao đất làm nhà ở và đất sản xuất. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Năm 1983 Hợp tác xã lại giao cho gia đình ông Hùng 03 hécta đất, nhưng gia đình ông Hùng chỉ được làm 01 năm, đến năm 1984 Hợp tác xã lại thu hồi giao cho người khác.

Năm 1985 Hợp tác xã lại giao cho gia đình ông Hùng 1.500 m2 đất, nhưng gia đình ông Hùng cũng chỉ được làm 02 năm, đến năm 1987 chính quyền lại thu hồi để giao cho người khác.

tm-img-alt

Công văn của tỉnh Lâm đồng gửi xuống huyện Lâm Hà nhưng huyện Lâm Hà không thực hiện. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Trong khi đó Luật Đất đai năm 1993 quy định tại điều 20: “Việc giao đất cho hộ gia đình nông dân trồng cây hàng năm là 20 năm, đối với trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng….”

Chính sách, pháp luật Nhà nước hợp lòng dân là vậy. Nhưng đã hơn 30 năm trôi qua, mặc dù gia đình ông Nguyễn Đức Hùng (sau này anh Nguyễn Hùng Cường đại diện) đã nhiều lần đề nghị, khiếu nại lên UBND xã Gia Lâm, UBND huyện Lâm Hà và UBND tỉnh Lâm Đồng nhưng không ai giải quyết giao cho gia đình ông Nguyễn Đức Hùng 1.500 m2 đất theo tiêu chuẩn đất ở và sản xuất ổn định lâu dài? Đó là sự bất công đối với một cựu chiến binh, một gia đình có công với nước

Đủ điều kiện để được bồi thường và cấp giấy CNQSD đất

Gia đình ông Nguyễn Đức Hùng đủ điều kiện để được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi thửa đất của gia đình ông, nhưng không được bồi thường; đủ điều kiện để cấp giấy CNQSD đất, nhưng không được cấp.

Do không được giao đất mới để sản xuất, ngày 29/12/1992 gia đình ông Nguyễn Đức Hùng phải mua lại thửa đất 3.469 m2 thuộc một phần thửa đất số 48, tờ bản đồ số 03, có một ngôi nhà gắn liền trên đất tại thôn 3 xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà của ông Đinh Văn Hòa. Việc chuyển nhượng thửa đất này bằng giấy viết tay, có chữ ký của hai bên người chuyển nhượng Đinh Văn Hòa và người nhận chuyển nhượng Nguyễn Đức Hùng. Nguồn gốc thửa đất ông Hòa ghi trong giấy chuyển nhượng là “Gia đình tôi có nhận một xuất đất của Uỷ ban giao để sản xuất trong thời kỳ 78 (1978) đến 92 (1992)”. Như vậy hộ ông Hòa đã sử dụng thửa đất này trồng cà phê ổn định trong 14 năm.

tm-img-alt

Đơn xác nhận có chữ ký của bà con hàng xóm ở cùng dải đất, dọc theo mặt đường Quốc lộ 725 đều đã được cấp sổ. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Ông Đinh Văn Hòa cũng nêu rõ lý do việc nhượng đất là: Vì hoàn cảnh gia đình tôi không có đủ sinh kế để sản xuất. Điều đó phù hợp với Khoản 1, Điều 75, Luật Đất đai năm 1993 quy định “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để trồng rừng được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp: Chuyển sang làm nghề khác và không còn khả năng trực tiếp lao động”.

Về thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước trong thời gian sử dụng thửa đất 3.469 m2 ở thôn 3 xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, ông Hòa cũng nêu rõ trong giấy nhượng đất: Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thuế đối với uỷ ban. Còn từ năm 1993 trở đi anh chị Hùng, Thiều chịu trách nhiệm giao nộp thuế cho uỷ ban.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hùng đã thực hiện nghĩa vụ đối với UBND xã đầy đủ theo giấy chuyển nhượng, thể hiện trên phiếu thu ngày 18/2/1994 (quyển số 1)…

Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đinh Văn Hòa và ông Nguyễn Đức Hùng đã được Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm Nguyễn Văn Lộc ký và đóng dấu xác nhận là đúng sự thật trong đơn xin giao đất làm nhà ở và đất sản xuất của anh Nguyễn Hùng Cường ngày 25/8/2010.

tm-img-alt

Văn bản 405/BTCDTW-XLĐ của Ban tiếp công dân Trung ương về việc chuyển đơn của công dân. (Hình ảnh: Huy Vũ)

Luật sư Vũ Long – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Căn cứ Điều 50, Luật Đất đai 2003 quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất và quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 197 ngày 03/12/2004 và Nghị định 84/2007/NĐ CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và thực tế sử dụng đất 3.469 m2 ổn định 14 năm (từ đầu năm 1993 – trước 15/10/1993) không có tranh chấp đến năm 2007 của gia đình ông Nguyễn Đức Hùng. Khẳng định: Gia đình ông Nguyễn Đức Hùng đủ điều kiện để được bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất và đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSD đất!

Nhưng sự thật là những gia đình hàng xóm xung quanh nhà ông Hùng đều đã được cấp giấy CNQSD đất, nhà ông Hùng lại không được cấp. Ngày 16/8/2007 gia đình ông Hùng bị thu hồi thửa đất 3.469 m2, không được bồi thường đất và nhà ở trên đất mà chỉ được bồi thường thiệt hại về cây trồng trên thửa đất 24.500.000đ theo Quyết định số 1708/QĐ-UBND của UBND huyện Lâm Hà.

Đó lại là một sự bất công lớn đối với một cựu chiến binh, một gia đình có công với nước.

Kính đề nghị UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xem xét lại việc không giao đất ổn định, lâu dài cho gia đình ông Nguyễn Đức Hùng (nay anh Nguyễn Hùng Cường là đại diện) và việc không bồi thường đất và nhà ở gắn liền với thửa đất 3.469 m2 của gia đình ông Nguyễn Đức Hùng để đảm bảo công bằng xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Hùng, nay anh Nguyễn Hùng Cường là đại diện.

Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Lâm Hà - Lâm Đồng: Cần xem lại việc thu hồi đất đối với một gia đình có công với cách mạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.