Thứ sáu, 29/03/2024 04:19 (GMT+7)

Lặng thầm nghề quét rác

Hoàng Việt -  Thứ sáu, 20/07/2018 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong cuộc sống có những con người cống hiến cho xã hội một cách âm thầm, lặng lẽ mà chúng ta nhiều khi không nhận ra và cũng không để ý đến.

Trong cuộc sống có những con người cống hiến cho xã hội một cách âm thầm, lặng lẽ mà chúng ta nhiều khi không nhận ra và cũng không để ý đến. Dù vậy, họ vẫn cống hiến mà không màng tới công danh hay cần mọi người biết ơn. Những việc làm âm thầm của họ giúp cho cuộc sống muôn phần đẹp hơn giống như hàng ngàn ngôi sao nhỏ tuy không sáng chói nhưng góp phần tạo nên bầu trời đêm rực rỡ.

Những con người đó là các công nhân vệ sinh môi trường hay cách gọi thân thuộc hơn là những người quét rác, lao công. Với công việc của mình, họ lặng lẽ làm việc, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, không ngại nhọc nhằn chịu bụi bám, hôi hám để giữ gìn môi trường trong sạch.

Đối với người quét rác ban đêm, giờ làm của họ bắt đầu từ 18h00 hàng ngày nhưng vì rác nhiều nên họ thường phải đến làm sớm hơn. Từ tầm 17h00, mỗi người một cây chổi, một xe đẩy rác lại lao ra đường phố bắt đầu công việc của mình. Cứ vậy từ lúc bắt đầu đến hết ca làm, họ miệt mài với công việc, hết quét lại nhặt lại gom. Kể cả khi màn đêm buông xuống, các con đường ngõ phố đã ngủ yên, chiếc áo phản quang của người công nhân vẫn sáng khắp các con đường. Chị Lê Thị Hiền- nhân viên Công ty CPMT và Công trình đô thị Nghệ An chia sẻ: “Quét rác không phải như những công việc khác là đi về đúng giờ. Cứ lúc nào quét hết rác thì chúng tôi mới nghỉ. Thường thì cứ đến 1h sáng là chúng tôi hoàn thành công việc nhưng nhiều hôm phải chờ đến 5h sáng, xe cẩu rác mới tới rồi chúng tôi mới được về nhà”. Có những hôm nhiều rác, những đôi bàn tay đầy vết chai sạn nhanh thật nhanh dọn vệ sinh để mọi con phố được sạch sẽ trước khi người dân tỉnh giấc. Liệu có mấy ai ra đường mà để ý rằng những túi ni lông, bịch rác mà mình vứt xuống đường hôm trước đã được dọn dẹp sạch sẽ, con đường lại khang trang, trong lành khi ngày mới đến.  

Nhiều người vẫn nghĩ rằng nghề quét rác đơn giản chỉ cần quét rồi bỏ vào thùng mang đi xử lý. Nhưng để đưa được cây chổi dài và nặng quét hàng cây số trên các con đường, vừa quét vừa phải đẩy theo xe nặng chịch rác đâu phải đơn giản. Không chỉ quét, người lao công còn phải đến từng ngóc ngách thu gom các túi rác để bỏ lên xe. Chỉ riêng những công việc ấy thôi đã mất rất nhiều sức lực. Nhưng nghề này đặc biệt nặng nhọc hơn những nghề khác bởi người dọn vệ sinh phải tiếp xúc hàng ngày, tháng này qua năm khác với mùi hôi tanh của rác. Hãy nghĩ mà xem, khi đi ngang một đống rác hay chạy ngang một xe rác, chúng ta đều bịt mũi bởi không chịu được mùi của nó. Vì vậy, phải có sức khỏe tốt, sự kiên trì chịu đựng mới có thể làm được nghề này.

Quét rác là cái nghề mà được ít người coi trọng bởi làm nghề này không được ăn mặc đẹp hay đầu tóc gọn gàng. Lúc nào người quét rác cũng phải khoác lên mình bộ trang phục màu xanh có dạ quang với chiếc mũ cùng đôi giày vải. Bộ trang phục thường trông cũ kỹ bởi họ phải mặc hàng ngày và phải đến những nơi bụi bẩn, hôi hám. Thậm chí có những người còn xa lánh, coi thường công nhân quét rác. Hơn 15 năm gắn bó với nghề lao công ở TP.Vinh, chị Trần Thị Thái buồn bã kể: “Đôi khi làm việc mệt quá, chúng tôi ngồi nghỉ trước nhà một chút thì bị chủ nhà xua đuổi. Lúc chúng tôi rời khỏi thì họ lấy vòi nước xịt rửa chổ đó…”. Đối với cồng nhân dọn vệ sinh, vất vả nhọc nhằn trong công việc cũng không đáng buồn bằng thái độ kỳ thị của mọi người đối với họ. Nhiều người vẫn biện minh cho hành động vứt rác bừa bãi là tạo điều kiện cho người quét rác làm việc. Họ nói đã nhận lương thì phải làm việc. Thử hỏi nếu những con người luôn có thái độ coi thường ấy phải làm công việc của người quét rác thì liệu có làm nổi dù chỉ một ngày?.

Nhưng nghề quét rác đã tôi luyện cho người công nhân vệ sinh môi trường một tinh thần lạc quan và sức mạnh phi thường.Họ bỏ qua những ánh nhìn không mấy thân thiện, thậm chí là những câu mắng, chửi của những người nóng tính. Cứ đều đặn từng ngày từng giờ, họ vẫn lặng thầm hoàn thành công việc của mình.

Đêm lại xuống, thành phố lại chìm trong giấc ngủ tĩnh mịch. Dưới những ánh đèn vàng, bóng những người công nhân môi trường vẫn trải dài trên phố thầm lặng dọn dẹp, làm sạch môi trường. Tiếng chổi tre xoèn xoẹt vọng lúc canh ba. Đêm mai, và nhiều đêm sau nữa cũng thế, trên khắp các con đường vắng vẻ, những lao công quét rác vẫn sẽ cần mẫn làm việc. Một công việc thầm lặng và ý nghĩa. Những con người vĩ đại không ở đâu xa mà họ ở ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta.

Bạn đang đọc bài viết Lặng thầm nghề quét rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.