Thứ sáu, 29/03/2024 19:33 (GMT+7)

Lãnh đạo Alibaba bị bắt, khách hàng “ngồi trên đống lửa”

MTĐT -  Thứ năm, 19/09/2019 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thông tin lãnh đạo Alibaba bị bắt, nhiều khách hàng đã đứng ngồi không yên và ngay trong tối 18/9, một vài khách hàng đã đến trụ sở công ty tìm cách lấy lại tiền.

Sáng 19/9, sau khi Cơ quan CSĐT Bộ công an cùng Công an TP.HCM thực hiện xong lệnh khám xét, khởi tố, bắt giam 4 tháng đối với hai bị can Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, tổng giám đốc công ty này) để điều tra về hành vi lừa đảo, nhiều khách hàng của Công ty Alibaba đã lo lắng tìm đến trụ sở công ty này tại số 120 -122 đường Kha Vạn Cân (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), tìm cách đòi lại tiền.

Cảnh sát bao vây trụ sở Cty Alibaba trong chiều 18/9. 

Trước thông tin lãnh đạo Alibaba bị bắt, nhiều khách hàng đã đứng ngồi không yên và ngay trong tối 18/9, trong lúc Công an TP.HCM đang khám xét trụ sở và tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với lãnh đạo công ty CP Địa ốc Alibaba, một vài khách hàng đã đến trụ sở công ty để cập nhật tình hình.

Một thanh niên quê ở Phú Yên, hiện đang làm công nhân kỹ thuật tại một công ty sản xuất cà phê cho biết, anh đã ký hợp đồng với công ty Alibaba để đầu tư hơn 200 triệu đồng cho 2 lô đất nền ở Bình Thuận, một lô hơn 163 triệu đồng và một lô gần 40 triệu đồng.

Người này cho biết thêm, với 2 lô đất này, anh đầu tư lấy lợi nhuận, trong vòng 12 tháng sẽ có lãi suất là 35%. Tuy nhiên, anh hoàn toàn không biết vị trí lô đất, chưa hề xuống xem đất thuộc sở hữu của mình.

“Khi biết lãnh đạo công ty xảy ra chuyện, tôi chỉ mong lấy lại tiền đã đầu tư, không dám nghĩ đến lợi nhuận. Tôi sẽ mang hợp đồng lợi nhuận và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã ký với công ty này đến làm việc với cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất”, người này cho hay.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, có mặt trước cổng Công ty Alibaba từ sáng sớm 19/9, chị K. (nhà tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đứng trước cổng Công ty Alibaba từ rất sớm, cho biết cách đây 4 tháng, qua sự giới thiệu của người quen, chị đã đóng gần 200 triệu mua đất nền dự án của Công ty Alibaba tại Bình Thuận. Theo chị K., sau khi nghe tin Nguyễn Thái Luyện bị bắt, chị lo lắng gọi cho nhân viên Alibaba (người môi giới bán đất cho chị) để hỏi tình hình. Nhân viên này nói "đang đi Đà Lạt" và trấn an chị K. "sẽ không sao".

Nhân viên Công ty Alibaba liên tục trấn an khách hàng trong sáng 19/9. Ảnh: Báo Thanh niên.

“Tiền tích góp của tôi để nuôi con, thấy lợi nhuận hấp dẫn nên đầu tư thử vài tháng. Giờ thì lãnh đạo công ty bị bắt, nhân viên bán đất thì hứa, chưa biết khi nào trả lại tiền. Tôi chỉ cần lấy lại tiền gốc đã đóng, không cần lời lãi gì nữa hết”, chị K. hoang mang.

Công ty CP Địa ốc Alibaba được thành lập từ tháng 5/2016, có trụ sở chính tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Alibaba là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Công ty Alibaba đăng ký thêm 24 ngành kinh doanh bao gồm trồng các loại cây ăn quả, cây lâu năm hay hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Khi vừa thành lập, Công ty Alibaba có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2016, công ty này tăng vốn lên 20 tỷ đồng. Ở lần thay đổi thứ 2 vào tháng 9/2017, Công ty Alibaba tuyên bố thay đổi vốn điều lệ thành 1.600 tỷ đồng.

Công ty có 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ và ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ, là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Alibaba. Trong đó, ông Nguyễn Thái Luyện là anh ruột của ông Nguyễn Thái Lĩnh.

Ông Nguyễn Thái Luyện sinh năm 1985, đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông từng học tại Đại học Mở.

Trước khi trở thành CEO của Alibaba, ông Luyện là nhân viên môi giới đất nền trên địa bàn các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào giữa năm 2016, CEO 8X bắt đầu lấn sân vào thị trường địa ốc.

Bên cạnh Công ty Alibaba, ông Nguyễn Thái Luyện còn được biết đến là cổ đông lớn nhất tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali. Công ty này có ngành kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng. Theo đó, ông Luyện là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Alibaba.

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali có vốn điều lệ 100 triệu đồng. Nhưng đến giữa năm 2017, vốn điều lệ của công ty thay đổi, lên mức 100 tỷ đồng.

Trên website của Địa ốc Alibaba, ông Nguyễn Thái Luyện được xem như “thuyền trưởng” đưa tập đoàn này phát triển nhanh cả về nhân sự lẫn vốn điều lệ. Website này đưa ra số liệu sau hơn 3 năm, Tập đoàn Địa ốc Alibaba từ 4 nhân sự ban đầu đã lên 2.600 người, vốn điều lệ từ khoảng 100 triệu đồng lên đến 5.600 tỷ đồng.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Alibaba đã rao bán vô số các “dự án ma” tại nhiều địa phương, kêu gọi khách hàng đầu tư khi chưa được chính quyền cấp phép. Trong đó sai phạm nghiêm trọng nhất là ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù cho đến nay cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn chưa cấp phép cho bất cứ dự án khu dân cư nào của Alibaba nhưng công ty này vẫn rao bán rầm rộ trên mạng. Mới nhất là dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, được quảng cáo là “Một siêu dự án mang đẳng cấp Nhật Bản”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ: Huyện chưa cấp phép dự án KDC nào cho công ty này.

Tiếp đến, tại huyện Long Thành (Đồng Nai), nơi có dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Alibaba đang rao bán hàng loạt dự án khu dân cư: Alibaba Long Thành, Alibaba An Phước, Alibaba Long Phước, Alibaba Bàu Cạn… Trong khi đó, lãnh đạo huyện này khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ dự án nào của Alibaba.

Theo thống kê mới nhất của Đồng Nai, Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án.

Đối với dự án ảo mới nhất tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), lãnh đạo UBND huyện cũng quả quyết là không có dự án nào của Công ty Alibaba được phê duyệt. Khi phát hiện công ty này đang rao bán đất nền tại xã Xuân Lộc, UBND huyện đã cho lực lượng tháo dỡ tất cả biển quảng cáo và tường bao xung quanh khu đất, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phải tăng cường quản lý, không để tái diễn tình trạng rao bán đất nền trái phép.

Tại TP.HCM, Công ty Alibaba rao bán dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) do Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM làm chủ đầu tư. Sau khi bị UBND TP.HCM cấm tham gia các dự án này, Công ty Alibaba đã phải trả lại tiền cọc và tiền đặt chỗ cho khách hàng.

Ngày 22/7, một khách hàng bị nhân viên an ninh của Công ty Alibaba tên Trần Quang Khải đánh phải nhập viện khi đến trụ sở công ty để đòi lại tiền mua nền đất trong một dự án đã bị cưỡng chế. Ngày 30/8, ông Trần Quang Khải bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo Alibaba bị bắt, khách hàng “ngồi trên đống lửa”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới