Thứ sáu, 29/03/2024 13:28 (GMT+7)

Lãnh đạo Lâm Đồng: Cần nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai - Kỳ 5

Minh Yến - Thế Bôn -  Thứ hai, 07/05/2018 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tạp chí Môi trường và Đô thị điện tử tiếp tục thông tin về vụ việc "Chủ rừng kêu cứu"

Tổng cục Lâm nghiệp trả lời về căn nhà cấp 4 đất trồng giàn chanh dây không phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Trịnh Lương Hy (chủ rừng), UBND tỉnh Lâm Đồng và cơ quan chức năng, đã làm việc, đối thoại nhưng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết dứt điểm. Vì vậy, ngày 4/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức đối thoại với chủ rừng, cùng dự có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện các Sở, ngành. Đây là vụ việc được dư luận người dân tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm.


Các công trịnh bị nâng...khống diện tích.
Tại buổi đối thoại, chủ rừng Trịnh Lương Hy đã nêu nhiền nội dung phản bác các quyết định trái luật của UBND huyện Đức Trọng, đó là: Quyết định 147/2007/TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đã được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng tối đa là 20%.
Tháng 5/2009, do nhu cầu quản lý, phát triển rừng, ông Hy nộp đơn cho UBND xã, UBND huyện xin xây dựng căn nhà cấp 4 tọa lạc trên đất rừng, được UBND huyện Đức Trọng hướng dẫn phải xin chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất sang đất xây dựng. Mặc dù hướng dẫn này không đúng với chính sách nhưng để được việc, chủ rừng vẫn làm đơn gửi Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT), UBND huyện xin chuyển mục đích sử dụng đất, nộp hồ sơ thiết kế ngôi nhà gừi Đội Xây dựng, UBND huyện ngày 8/5/2009. Hơn 2 năm sau không nhận được kết quả trả lời, chủ rừng khởi công xây dựng nhà ở, nhà để xe ô tô và hoàn thành vào tháng 11/2011.
Ngày 26/11/2012, UBND huyện Đức Trọng ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, có đại diện Sở TNMT, Sở Xây dựng. Đoàn tiến hành kiểm tra vào ngày 2,3/1/2013 nhưng không lập Biên bản !? Đến ngày 26/4/2013 (sau 4 tháng), Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Phạm Thanh Quan ký Kết luận kiểm tra số 45/KL-UBND về tình hình sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất, trong đó các công trình đều được nâng khống diện tích: Nhà trông coi rừng diện tích thực tế 183m2 nâng thành 240m2; Nền nhà lót gạch loại 2 nhãn hiệu Mỹ Ý- Đồng Nai, thành lót đá granit. Nhà để xe ô tô 24m2 nâng thành 46m2; Nhà nghỉ chân để thăm bia tưởng niệm Liệt sĩ 40m2 nâng thành 55,25m2; Con đường đấu nối nâng cấp ra đường cao tốc chiều dài 135m nâng thành 335m. Bia tưởng niệm Liệt sĩ là công trình tín ngưỡng...Vậy, ai đã chỉ đạo việc nâng khống và nhằm mục đích gì !?


Quyết định mang tính áp đặt.
Do nhu cầu vận chuyển cây trồng, vật tư xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ, chủ rừng xin phép và được chấp thuận của UBND xã Hiệp An, Công ty 7/5 đang thi công đường cao tốc, mở tạm 8m lưới B40, thời gian 1 tháng, sau đó rào trả lại nguyên trạng. Không hiểu sao, 8 tháng sau, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định xử phạt VPHC đối với chủ rừng. Việc làm của UBND huyện trái với Điều 3, Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Được biết, dọc 2 bên đường cao tốc Liên Khương- Prend, hiện có 18 con đường ô tô được đấu nối với đường cao tốc, chỉ có 2 con đường được cấp phép nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý trường hợp nào. Từ tháng 12/2012, chủ rừng đã 9 lần gửi đơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị xem xét, giải quyết việc làm sai trái của UBND huyện Đức Trọng, không được giải quyết thỏa đáng, buộc lòng chủ rừng phải gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra làm rõ vụ việc, không biết có khuất tất gì mà TTCP không ra Kết luận thanh tra theo Luật định. Ngày 20/9/2014, TTCP đối phó bằng cách lách luật- chuyển sang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra các nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Trịnh Lương Hy, kiến nghị giao Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Gần 1 năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng mới thực hiện ý kiến của Thủ tướng, ngày 6/10/2015, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng mời chủ rừng làm việc, giải thích căn cứ pháp lý liên quan đến việc xử lý phản ánh, kiến nghị. Chủ rừng không đồng ý với giải thích trái khoáy, không đủ cơ sở pháp luật. Đến ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức đối thoại, do Phó Chủ tịch Trần Ngọc Liêm chủ trì, ghi nhận ý kiến của chủ rừng và giao các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Sau đó, chủ rừng nhận được văn bản số 172/UBND-TD ngày 12/1/2016 có nội dung trả lời đơn kiến nghị, phản ánh của ông Hy nhưng văn bản này, UBND tỉnh làm theo quy trình ngược, không đúng bản chất, mang tính áp đặt.
Hơn 3 năm qua, huyện Đức Trọng huy động gần như cả bộ máy chính quyền và một bộ phận trong chính quyền tỉnh, làm theo ý chí của người ra chủ trương kiểm tra. Công văn số 12/TTr-P2 ngày 14/1/2014 của Thanh tra Bộ TNMT gửi TTCP có tính pháp lý, cho phép chủ rừng sử dụng 30% đất trống tại Mục 3 Điều 14 Quyết định 147/ QĐ-TTg không phải chuyển mục đích sử dụng đất nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng không đồng ý. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏi Bộ TNMT về chuyển mục đích sử dụng đất ở một lĩnh vực khác, là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Trong khi UBND tỉnh có liên quan đến vụ việc bị thanh tra nhưng UBND tỉnh lại gửi công văn trong thời điểm đang thanh tra là vi phạm Điều 13 Luật Thanh tra.
Đáng chú ý là ngày 25/1/2016, Tổng cục Lâm nghiệp- Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn có văn bản số 99/TCLN-QLSXLN khẳng định: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Quyết định 147/2007/ QĐ-TTg thì diện tích căn nhà cấp 4 (180m2) sử dụng để ở trông coi rừng, không phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp (đất xây đựng) và diện tích trồng giàn chanh dây 250m2 không phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp.
Điều này chứng tỏ, UBND tỉnh Lâm Đồng không làm theo lý trí nên đã sử dụng quyền lực của nhân dân theo lối tiểu xảo mang tính điêu trác đối với chủ rừng.


Chưa nhìn thẳng vào sự thật.
Với lập luận và đưa ra chứng cứ thuyết phục, chủ rừng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ 4 vấn đề:
1- Chủ rừng sai phạm gì mà UBND huyện Đức Trọng ra quyết định 441/ QĐ-UBND, yêu cầu phải tháo dỡ nhà ở, nhà xe trên đất rừng sản xuất, sau 10 ngày không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.
2- Theo chủ trương của tỉnh Lâm Đồng, Nhà nước cho thuê đất lâm nghiệp 50 năm trồng rừng, chủ rừng được và không được phép làm gì trên đất ?
3- Việc lập biên bản VPHC và xử phạt 25 triệu đồng của UBND huyện Đức Trọng có phải vì mục đích cá nhân, có đúng với Luật XLVPHC !?
4- Tỉnh Lâm Đồng có nhiều chủ rừng thuê đất lâm nghiệp 50 năm để trồng rừng sản xuất, có trường hợp nào phải chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất xây dựng, đất nông nghiệp ?
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, kết luận; Chủ rừng triển khai đạt trên 98% diện tích trồng rừng. Khi triển khai một số hạng mục xây dựng, mở đường đấu nối, chủ rừng có báo cáo, có đơn gửi các cấp chính quyền. Thời gian qua, chính quyền đã xử lý nhưng còn tồn tại một số vấn đề, thời gian kéo dài, có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh trong việc tập trung giải quyết vụ việc.
Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận Quyết định số 43/QĐ-UBND-ĐT của UBND huyện Đức Trọng về giải quyết khiếu nại của ông Trịnh Lương Hy là sai, huyện đã có quyết định thu hồi. Đối với Quyết định số 440/ QĐ- XPVPHC ngày 5/9/2013 của UBND huyện Đức Trọng XPVPHC lĩnh vực giao thông. Mặc dù Quyết định này đã hết thời hiệu, UBND tỉnh xem lại quy trình, cơ sở pháp lý, thực tế thời điểm đó với Luật XLVPHC, cân nhắc xử lý trường hợp này.
Quyết định 441/QĐ-KPHQ ngày 5/9/2013 của UBND huyện Đức Trọng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định XPVPHC về lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, quan điểm của tỉnh vẫn kế thừa các văn bản có liên quan của các Bộ, ngành Trung ương, tức là tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích, xây dựng một số hạng mục.
Về vấn đề này, văn bản của Thanh tra Bộ TNMT, của Tổng cục Lâm nghiệp đều khẳng định khi xây dựng công trình, chủ rừng không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vẫn không hiểu hay cố tình không hiểu. Theo quy định tại Mục 2 Điều 62 Luật Xây dựng 2003, nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung...thì không phải xin Giấy phép xây dựng (GPXD). Rõ ràng, trường hợp của ông Hy không phải xin GPXD nhưng không hiểu sao, tỉnh Lâm Đồng vẫn cố tình áp đặt là có vi phạm. Phải chăng, Lâm Đồng muốn đề ra 1 luật riêng !?
Ông Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, diện tích các hạng mục không đúng, sẽ rà soát lại trên cơ sở thực tế, giải quyết có trước, có sau, có lý, có tình. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận ý kiến của chủ rừng về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý còn hạn chế, cần rút kinh nghiệm. là bài học cho công tác quản lý. sẽ khắc phục trong thời gian tới.

Theo luật sư Trần Thế Vinh, Quyết định 441/QĐ-KPHQ của UBND huyện Đức Trọng, là trái với Quyết định 147/QĐ-TTg và văn bản của Thanh tra Bộ TNMT, của Tổng cục Lâm nghiệp. Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến nhìn nhận, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng của tỉnh phải rút kinh nghiệm, việc xử lý phải đồng bộ, công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng người này bị xử lý còn người khác thì không. Chúng ta phải thượng tôn pháp luật, không đúng pháp luật thì không làm và không được làm, UBND tỉnh nên khẩn trương chỉ đạo, xem xét lại. Văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục nghiên cứu thêm, Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ, hỗ trợ UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc, với tinh thần cầu thị.

Chúng tôi hy vọng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy, các phản ánh, kiến nghị của chủ rừng- nguyên Đại đội trưởng trinh sát bộ binh, Trung tướng An ninh- Bộ Công an, sẽ được giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật, thấy sai thì phải sửa sai.

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo Lâm Đồng: Cần nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai - Kỳ 5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới