Thứ sáu, 26/04/2024 02:51 (GMT+7)

Lập 8 tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ năm, 26/08/2021 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được kiện toàn với 15 thành viên, trong đó có 3 Phó thủ tướng, một Phó chủ tịch Quốc hội.

Theo quyết định ban hành ngày 25/8, Trưởng Ban chỉ đạo là Thủ tướng Phạm Minh Chính; 4 phó Trưởng ban là Phó thủ tướng Lê Minh Khái; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Các thành viên Ban chỉ đạo gồm: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế; ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP

Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo quốc gia gồm có 8 Tiểu ban:

1. Tiểu ban Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19, tiêm chủng… và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

2. Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Trưởng Tiểu ban sẽ chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; tổ chức chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; truy vết, cách ly, khoanh vùng và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Tiểu ban An sinh xã hội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang làm Trưởng Tiểu ban, sẽ chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19…

4. Tiểu ban Tài chính, hậu cần do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc… phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương; đề xuất xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

5. Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Tiểu ban sẽ chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng.

6. Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

7. Tiểu ban Dân vận do Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài làm Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

8. Tiểu ban Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Tiểu ban, sẽ chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, khi ca nhiễm Covid-19 bắt đầu được ghi nhận ở Việt Nam, ngày 30/1/2020, Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng Ban chỉ đạo.

Ngày 24/8, cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban để trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Quyết định này nhằm đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lập 8 tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.