Thứ năm, 25/04/2024 13:39 (GMT+7)

Lễ hội Katê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

An Hạ -  Thứ hai, 04/04/2022 15:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 4/4, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội diễn ra vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) và là một trong sáu lễ hội tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận lựa chọn để phát triển du lịch.

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận, tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Mặc dù cộng đồng người Chăm chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hoá Ấn Độ song lễ hội Katê lại biểu hiện một lối đi riêng, một thái độ tiếp thu văn hoá gắn với truyền thống văn hóa bản địa. Vì vậy mà các tháp Chăm - nơi hành lễ Katê đều gắn liền với tên của một ông vua có nhiều công lao với thần dân và được mọi người phong thành Thần như tháp: Pô Klong Garai, Pôrômê, Po Inư Nagar...

Lễ hội Katê diễn ra theo trình tự các bước đã có truyền thống từ xa xưa bao gồm các lễ: rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần và sau cùng là đại lễ. Lễ hội tại đền tháp do Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi - hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar), bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả.

Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh…

Ngoài lễ hội Katê, người Chăm ở Bình Thuận còn có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan…

Lễ hội Katê ở các làng Chăm diễn ra 1 hoặc vài ngày sau khi kết thúc lễ hội ở các tháp. Tại ngày hội Katê làng, khi đã chuẩn bị xong lễ vật, vào buổi sáng, người dân làm lễ cúng Katê ở Nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng bình an, khoẻ mạnh và làm ăn phát đạt.

Khi lễ Katê làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được bắt đầu. Mỗi gia đình, tuỳ theo điều kiện của mình mà mua sắm các vật phẩm và ăn mặc như Tết nguyên đán của người Kinh. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu nhớ ơn công lao sinh thành, giáo dưỡng của ông bà, tổ tiên...

Lễ hội Katê là hình thức sinh hoạt đặc sắc nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, thu hút tất cả mọi thành viên trong thôn làng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, không một người nào bị lãng quên. Mọi người tham gia với khả năng của mình vào các hoạt động của cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội Katê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới