Thứ sáu, 29/03/2024 03:19 (GMT+7)

Lễ ký kết hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) – TVET

Hồng Anh -  Thứ tư, 25/10/2017 15:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 25/10, tại Hà Nội diễn ra Lễ Ký kết hợp tác đào tạo giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam với Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” (TVET).

Tham dự có ông Cao Lại Quang, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Lĩnh vực thoát và xử lý nước thải là một trong những lĩnh vực được định hướng phát triển xanh của Việt Nam. Hiện nay, chỉ có khoảng 10% tổng lượng nước thải trên toàn quốc được xử lý. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam cần hơn 8000 công nhân kỹ thuật để vận hành và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng trong ngành thoát và xử lý nước thải. Có thể thấy nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nước thải hiện tại và tương lai còn rất lớn, để có thể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2020 tăng lượng nước thải được xử lý lên 60%.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết

 Trong hơn 4 năm qua, GIZ – TVET và Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã có rất nhiều hoạt động hợp tác nhằm đảm bảo công tác giáo dục nghề nghiệp thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
+Về đào tạo thí điểm “Kỹ thuật viên ngành xử lý nước thải”: phối hợp với Dự án TVET tuyển sinh học viên cho khóa đào tạo, triển khai bởi Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Chương trình có sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường với các công ty thoát nước và XLNT, các sinh viên được thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp. Dự kiến năm 2018, nhóm sinh viên này sẽ tốt nghiệp và sẽ làm việc tại các công ty thoát nước và XLNT.
+Về chuẩn bị đội ngũ giảng viên: Từ năm 2014, trong khuôn khổ dự án TVET-GIZ, 11 cán bộ đào tạo doanh nghiệp đã tham gia vào 10 khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên ngành XLNT được tổ chức tại Việt Nam và Đức. Thông qua các khóa đào tạo này, các cán bộ đào tạo được bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức chuyên môn và trang bị thêm phương pháp sư phạm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Đức cũng như Việt Nam. Cuối năm 2015, 11 giảng viên này đã chính thức được công nhận là giảng viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
+Về xây dựng chương trình đào tạo: Trong thời gian qua, GIZ-TVET đã hỗ trợ cho VWSA và các đơn vị thành viên phát triển bộ tiêu chuẩn nghề “Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải” định hướng theo tiêu chuẩn Đức và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Từ bộ tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo chính quy cho nghề này với 30 đơn vị học trình đã được hoàn thiện và đến nay, nghề Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải đã được đưa vào danh mục các ngành nghề đào tạo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.

TS. Horst Sommer - Lãnh đạo Chương trình TVET phát biểu tại Lễ ký kết

 Cuối năm 2015, VWSA phối hợp với Chương trình GIZ – TVET biên tập Sách giáo khoa Kỹ thuật nước thải. Đầu năm 2016, hai bên cùng thực hiện Khảo sát Nhu cầu đào tạo ngắn hạn cho công nhân trong lĩnh vực nước thải , từ đó xây dựng và hoàn thiện chương trình, tài liệu cho các khóa đào tạo ngắn hạn dành cho kỹ thuật viên đang làm việc trong lĩnh vực nước thải phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp thoát nước thải.

Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch VWSA và TS. Horst Sommer - Lãnh đạo TVET ký kết hợp tác

 + Về tổ chức các chương trình đào tạo: Từ 11/2016 – 10/2017, 5 lớp thí điểm về các chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải đã được tổ chức với sự tham gia của 181 học viên đến từ các đơn vị khu vực miền Trung và miền Nam. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức thí điểm một số khóa đào tạo nâng cao năng lực với sự hỗ trợ của dự án ‘Đào tạo Nghề trong lĩnh vực Nước thải’.

Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch VWSA tặng Kỷ niệm chương cho TS. Horst Sommer - Lãnh đạo TVET vì những cống hiến quan trọng của ông đối với sự nghiệp phát triển ngành cấp thoát nước Việt Nam

+ Về tổ chức thi đánh giá kỹ năng nghề: GIZ-TVET đang hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội Cấp thoát nước Việt Nam đội ngũ cán bộ đào tạo về chuyên môn, kỹ năng sư phạm cũng như phương pháp phát triển đề thi và cách chấm thi nghề. Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tham gia trong quá trình tổ chức 2 đợt thi tay nghề cuối tháng 6/2017 và đầu tháng 10/2017 để khép lại quá trình đào tạo giảng viên nghề Kỹ thuật Thoát nước và Xử lí nước thải nhằm đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ cho giảng viên theo tiêu chuẩn Đức.

Trong thời gian tới, Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tiếp tục được GIZ –TVET hỗ trợ để thực hiện được các chức năng chủ chốt trong hệ thống thi nghề và cấp bằng./.

Bạn đang đọc bài viết Lễ ký kết hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) – TVET. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.