Thứ năm, 25/04/2024 06:46 (GMT+7)

Liệu có thể trở lại “trạng thái bình thường” cũ?

MTĐT -  Thứ sáu, 29/05/2020 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhớ lại thời chiến tranh, dù bom đạn nổ, chết chóc thê lương đâu đó thì cuộc sống ở những nơi khác vẫn diễn ra gần như bình thường. Đàng này, cuộc sống thời đại dịch có vẻ còn thê lương hơn thời chiến

Một ngày giữa tháng 4.2020, chúng tôi có việc phải đi từ Nha Trang về Sài Gòn trong thời gian “cách ly toàn xã hội” vì đại dịch COVID-19. Không phải bằng xe khách vốn đã bị cấm chạy mà bằng chiếc xe nhà của người bạn chạy từ Sài Gòn ra chỉ để chở chúng tôi về vì chỉ có xe nhà còn được chạy. Suốt chặng đường 400km, quang cảnh thật thê lương: trên quốc lộ lác đác vài bóng người, ai nấy đều khẩu trang bịt mặt, hàng quán hai bên đường đóng cửa im ỉm, suốt 400km chỉ thấy một cái xe bán cháo dinh dưỡng bên lề đường với 3-4 người có lẽ đang đói lắm, chờ mua.

Có điều gì rờn rợn trong không khí. Nhớ lại thời chiến tranh, dù bom đạn nổ ra đâu đó, chết chóc thê lương đâu đó thì cuộc sống ở những nơi khác vẫn diễn ra gần như bình thường. Đàng này, cuộc sống thời đại dịch có vẻ còn thê lương hơn thời chiến…

Những gì chúng tôi trải qua thật ra cũng chỉ phản ánh một phần nhỏ những gì mà hàng tỉ tỉ người trên Trái đất đang trải qua trong thời gian ấy: khoảng 60% nhân loại bị “giam lỏng” trong nhà, tránh giao tiếp xã hội, người lớn phải làm việc từ xa, trẻ em nghỉ học không đến trường, công nhân nghỉ việc, nhà hàng, tụ điểm giải trí đóng cửa, mọi sự kiện văn hóa, thể thao, kể cả nghi lễ tôn giáo… hoặc bị hoãn hoặc phải cử hành trực tuyến, bệnh viện chật cứng, người chết được nhanh chóng chôn cất không lễ nghi. Một nỗi sợ bao trùm…

Tất cả là vì con virus quái ác kia, con virus mà bằng mắt thường chúng ta không thấy được nó. Nhưng cái con virus sống trong bóng tối, xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) và được đặt tên 19-nCoV hay SARS-CoV-2 ấy lại có quyền năng, sức mạnh làm cho gần như cả nhân loại đảo điên, tê liệt. Nền kinh tế toàn cầu như một cỗ máy khổng lồ phải đứng khựng lại như đoàn tàu lửa thắng gấp, gần như đóng băng. Giao thương, du lịch gián đoạn.

Trước giờ, chẳng chính phủ nào ra lệnh được cho dân “Stay at home”, trừ ở những quốc gia có chiến tranh, đảo chính, áp đặt lệnh giới nghiêm, nhưng con virus corona chủng mới đã làm được, kích hoạt được tình trạng như giới nghiêm. Mọi người, dù khó chịu đến mấy, cũng phải ở nhà bởi đây là chuyện sống chết. Quyền năng của con virus “bé xíu” thật là kinh khủng.

Nhưng vì sao con virus lại có quyền năng, sức mạnh đó? Là sản phẩm của sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, và là sự cảnh báo khi con người qua hoạt động kinh tế, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, phá rừng, xây dựng đường sá, xây dựng nơi cư ngụ, và cả qua hoạt động tiêu dùng… đã tấn công hung bạo và tham lam vào thiên nhiên, phá vỡ môi trường sinh thái chung, tàn sát và hủy hoại môi trường ngụ cư của các giống loài khác, từ đó mang lấy họa khi những tác nhân gây bệnh từ các giống loài khác truyền qua cho con người.

Đó là sự trả thù của thiên nhiên.

Các nhà nghiên cứu về sinh thái, về “sức khỏe hành tinh” đã cảnh báo rằng COVID-19 chỉ mới là phần nổi của tảng băng, nếu các hoạt động tấn công, hủy diệt thiên nhiên không có điểm dừng.

Mới đây trên báo Le Monde của Pháp, 200 nhân vật bao gồm nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel trong nhiều lĩnh vực và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã ra một lời kêu gọi và mở một diễn đàn “Không thể trở lại trạng thái bình thường” (cũ), báo động về sự hủy diệt sự sống qua hoạt động của con người. 

“Chủ nghĩa tiêu thụ đã dẫn dắt chúng ta đến chỗ khước từ chính sự sống: sự sống của thực vật, động vật và của một số lớn con người. Nạn ô nhiễm, khí hậu nóng lên và sự tàn phá cảnh quan tự nhiên đã đưa thế giới đến đỉnh điểm của sự tan vỡ”

Có thể kể tên một số nhân vật nhiều người biết như: Pedro Almodóvar, đạo diễn; Isabelle Adjani, nữ diễn viên; Emmanuelle Béart, diễn viên; Mikhail Baryshnikov, diễn viên, biên đạo múa; Monica Bellucci, nữ diễn viên; Penelope Cruz, nữ diễn viên; Madonna, ca sĩ; Robert de Niro, diễn viên; Béatrice Dalle, nữ diễn viên; Willem Dafoe, diễn viên; Vanessa Paradis, ca sĩ, diễn viên; Cate Blanchet, diễn viên; Sting, ca sĩ; Nana Mouskouri, ca sĩ; Barbra Streisand, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn; Isabella Rossellini, ca sĩ; Jeremy Irons, diễn viên; Trần Anh Hùng, đạo diễn; Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn; Muhammad Yunus, nhà kinh tế, giải Nobel Hòa bình…

Lời kêu gọi viết:

“Đại dịch COVID-19 là một thảm kịch. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này có ưu điểm kêu gọi chúng ta đối mặt với những vấn đề trọng yếu.

Bảng tổng kết thật đơn giản: Những “điều chỉnh” là không đủ, bởi vấn đề mang tính hệ thống.

Thảm họa sinh thái đang diễn ra bắt nguồn từ một “siêu khủng hoảng”: sự hủy diệt hàng loạt sự sống trên Trái đất là điều không còn nghi ngờ gì nữa và tất cả các chỉ báo cho thấy mối đe dọa trực tiếp đối với sự sống. Khác với một đại dịch, dù là nghiêm trọng, đây là một sự sụp đổ toàn diện mà hậu quả sẽ vượt ngoài mọi thước đo thông thường.

Do đó, chúng tôi trịnh trọng kêu gọi các nhà lãnh đạo và công dân hãy từ bỏ cái logic không thể chịu đựng nổi nhưng hiện vẫn còn chiếm ưu thế, để xây dựng lại tận nền tảng các mục tiêu, giá trị và nền kinh tế của chúng ta.

Chủ nghĩa tiêu thụ đã dẫn dắt chúng ta đến chỗ khước từ chính sự sống: sự sống của thực vật, động vật và của một số lớn con người. Nạn ô nhiễm, khí hậu nóng lên và sự tàn phá cảnh quan tự nhiên đã đưa thế giới đến đỉnh điểm của sự tan vỡ.

Vì những lý do đó, cộng thêm với những bất công xã hội ngày càng gia tăng, việc “trở lại với sự bình thường” là điều bất khả.

Thực hiện một sự biến đổi triệt để - ở tất cả các cấp độ - đòi hỏi sự táo bạo và lòng dũng cảm. Biến đổi này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự dấn thân đông đảo và đầy quyết tâm của mọi người. Bao giờ thì hành động? Đây là vấn đề của sự sống còn cũng như của phẩm giá và tính nhất quán”.

Các nhà khoa học vốn nắm vững hơn người bình thường quy luật vận động của tự nhiên, các nhà hoạt động nghệ thuật vốn nhạy cảm hơn ai hết trước mọi biến động của cuộc sống, đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Lẽ nào chúng ta có thể vẫn tiếp tục sống theo “trạng thái bình thường” cũ mà không soát xét lại mọi hoạt động của con người sau đại dịch cả đời người mới trải qua một lần? 

Theo Đoàn Khắc Xuyên/Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Liệu có thể trở lại “trạng thái bình thường” cũ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành