Lo ô nhiễm môi trường từ những siêu du thuyền
Thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện của những siêu du thuyền với kích thước siêu lớn, thậm chí gấp nhiều lần so với con tàu Titanic trước đây. Xu hướng này đang gây ra những hệ lụy không tốt tới môi trường.
Tốc độ tăng đáng kinh ngạc
Hãng tin CNN dẫn một nghiên cứu do nhóm Transport and Environment (T&E) - tiến hành cho thấy, những chiếc siêu du thuyền lớn nhất thế giới hiện nay có kích thước gấp đôi những loại tàu tương tự hoạt động những năm 2000.
Cụ thể, chiếc du thuyền lớn nhất thế giới năm 2000 là Voyager of the Seas có tổng trọng lượng là 137.276 tấn. Nhưng tổng trọng lượng trung bình của 10 du thuyền lớn nhất thế giới từ thời điểm đó đến nay đã tăng từ 103.000 tấn lên 205.000 tấn.
Nghiên cứu ước tính, nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, những siêu du thuyền lớn nhất thế giới vào thời điểm năm 2050 có thể lớn gấp 8 lần tàu Titanic - tàu biển chở khách lớn nhất hạ thủy vào năm 1912 với chiều dài 269m.
"Ngày nay, những siêu du thuyền khổng lồ khiến tàu Titanic xưa kia chỉ như một chiếc tàu đánh cá nhỏ bé nếu đỗ bên cạnh. Liệu các siêu du thuyền khổng lồ này còn có thể lớn đến đâu nữa? Khí thải từ các con tàu này sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát", bà Inesa Ulichina, phụ trách lĩnh vực du lịch - du thuyền của T&E cảnh báo.
Tác nhân khiến trái đất nóng lên
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở nếu biết rằng, chiếc du thuyền lớn nhất thế giới hiện nay là Icon of the Seas do tập đoàn Royal Caribbean hạ thủy hồi tháng 1, chiều dài 365m và có thể chở tới 10.000 hành khách. Con tàu được đóng tại Turku, Phần Lan có tới 20 tầng, 40 nhà hàng, 7 bể bơi, một nhà hát và một công viên.
Icon of the Seas chạy bằng nhiên liệu khí hóa lỏng, dù được cho là phát thải khí CO2 ít hơn nhiên liệu hóa thạch truyền thống nhưng lại khiến trái đất nóng lên nhiều hơn do phát thải khí Methane.
Bên cạnh đó, số lượng du khách đi trên các siêu du thuyền trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 35 triệu người, tăng 6% so với mức trước đại dịch. Một nghiên cứu do hãng JP Morgan tiến hành vào tháng 6 cho thấy, nhu cầu đi du lịch trên siêu du thuyền vẫn đang tăng nhanh chóng.
Điều này khiến các hãng điều hành siêu du thuyền có chung một lựa chọn là đóng những chiếc siêu du thuyền lớn nhất có thể, vừa để tiết kiệm chi phí vừa tăng thêm doanh thu lâu dài.
Lo ngại ô nhiễm môi trường
Theo T&E, việc gia tăng số lượng du thuyền trên thế giới gây nhiều hệ lụy tới môi trường. Những chiếc du thuyền phát thải lượng CO2 nhiều hơn 17% trong năm 2022 so với hai năm trước đó và lượng Methane nhiều hơn gấp 5 lần cùng kỳ.
Giáo sư Stefan Gössling của Đại học Linnaeus (Thụy Điển) nhận định, du lịch bằng du thuyền chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mảng du lịch toàn cầu nhưng lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng, kể cả so với ngành hàng không.
Tại nhiều địa điểm du lịch mùa hè hấp dẫn du khách trên khắp thế giới, người dân địa phương phàn nàn rất nhiều về tình trạng ô nhiễm và quá tải khi có quá nhiều du thuyền cập cảng.
Tương tự máy bay, những chiếc du thuyền lớn di chuyển trên biển trong thời gian dài không thể sử dụng điện để vận hành bởi những khối pin điện khi đó sẽ quá nặng.
Thay vì thế, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng những loại năng lượng sạch có thể tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống để có thể đạt mục tiêu phát thải khí CO2 bằng 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng xanh đang thiếu hụt nghiêm trọng, các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của các du thuyền là sự lãng phí xa xỉ và cần phải cấm ngay lập tức.
T&E kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lập những khu vực cấm du thuyền qua lại tại các vùng nước có hệ sinh thái cần được bảo vệ. Ngoài ra, nên đánh thuế trên toàn cầu đối với du thuyền để hỗ trợ các nước nghèo đang nỗ lực làm sạch môi trường.
Mới đây, thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch đánh thuế du thuyền đưa khách cập cảng thành phố trong vài giờ. Trong khi đó, người dân thủ đô Amsterdam, Hà Lan đã bỏ phiếu thông qua việc đóng cửa cảng tiếp nhận tàu du lịch như Barcelona đã làm. Venice, Italy cũng cấm du thuyền cỡ lớn cập cảng để tránh hủy hoại các đầm, phá ven biển.
Theo Trang Trần/Báo Giao thông