Thứ bảy, 20/04/2024 08:04 (GMT+7)

Lộ trình sáp nhập 3 quận để lập thành phố phía Đông TP.HCM

MTĐT -  Thứ sáu, 22/05/2020 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở Nội vụ TP.HCM bổ sung phương án sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính tạm gọi là thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM.

Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021 với một số điều chỉnh trên cơ sở nội dung buổi làm việc của Chính phủ với TP.HCM ngày 8/5.

Cụ thể, Sở Nội vụ giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường và bổ sung phương án sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính tạm gọi là thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM.

Lý do sáp nhập 3 quận ở phía Đông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...

Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam bộ. Theo Sở Nội vụ, việc quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông TPHCM phù hợp với định hướng phát triển không gian “Vùng TPHCM” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2076/2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 950/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Sau khi sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn 1 triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2.

Đối với cấp phường, xã, Sở Nội vụ đề xuất có 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận có thể phải sắp xếp lại. Trong đó, tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An.

Quận 3 sáp nhập phường 6, 7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 2 và 5; phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 2 và 3. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 11 và 12; 13 và 14.

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ giảm từ 24 quận, huyện xuống còn 16 quận, một thành phố và 5 huyện; giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Bộ, ngành Trung ương ủng hộ thành lập phía Đông

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 8/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng cho phép TP xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM (thành phố phía đông) trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trả lời kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập ba quận phía đông của TP.HCM. "Còn tên gọi là gì, sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp" - Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP.HCM thực hiện.

Cũng tại cuộc họp trên, đại diện Bộ Tư pháp nhận định, đây là đề xuất mới nhưng đã có đủ cơ sở pháp lý. Bởi theo Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương, việc thành lập TP thuộc TP trực thuộc trung ương là phù hợp quy định.

Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP.HCM phối hợp các bộ ngành thực hiện chủ trương này theo đúng quy định, song song với việc tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo chủ trương chung.

Bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị lập TP phía đông của UBND TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng nếu đề xuất được Chính phủ đồng ý vẫn cần gắn với chỉ đạo của Bộ Chính trị về sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã, phường.

“Việc lập TP phía đông trực thuộc TP.HCM không trái quy định pháp luật, nhưng cần nghiên cứu sao để đảm bảo gắn kết việc không thực hiện HĐND cấp quận huyện vì nếu thành lập TP phía đông từ 3 quận thì nó cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện” - ông Tuấn nêu ý kiến.

Được biết, ý tưởng thành lập thành phố phía Đông đã được TP.HCM trình lần đầu tiên trong Đề án chính quyền đô thị năm 2013 - thành lập 4 thành phố vệ tinh ở 4 hướng. Tuy nhiên, ý tưởng này không được trung ương chấp thuận.

Đánh giá về ý tưởng này, Bộ Xây dựng, về cơ sở pháp lý, căn cứ Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông thành phố và áp dụng "không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Lộ trình thực hiện

Nói về lộ trình để sáp nhập 3 quận để lập thành phố phía Đông, Sở Nội vụ TP HCM cho biết, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, UBND TP sẽ chỉ đạo UBND quận, huyện xây dựng Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường trên địa bàn phục vụ việc lấy ý kiến cử tri. Nếu có trên 50% tổng cử tri trên địa bàn tán thành, thì UBND cấp xã, cấp huyện tổng hợp, trình HĐND cấp xã, cấp huyện thông qua Phương án.

Trên cơ sở Đề án của các quận, huyện, UBND TP tổng hợp, trình HĐND TP xem xét, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ra, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua Đề án về cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (trong đó có đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính).

Sau khi HĐND TP thông qua Đề án, UBND TP hoàn thiện Hồ sơ Đề án để báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị hành chính mới và giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp; chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân theo quy định, chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lộ trình sáp nhập 3 quận để lập thành phố phía Đông TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...