Thứ bảy, 20/04/2024 16:41 (GMT+7)

“Lợi bất cập hại” từ chỉ thị cấm viết, vẽ vào SGK

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ năm, 27/09/2018 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua Bộ GD-ĐT đã công bố chỉ thị về việc nghiêm cấm học sinh vẽ, viết vào sách giáo khoa.

Điều này xuất phát từ thực tế của việc khan hiếm sách giáo khoa (SGK), từ những bất hợp lý về một số bộ môn ghi câu hỏi có đáp án trả lời trược tiếp vào sách, từ việc lãng phí của sách cũ và tiết kiệm... Trong chỉ thị, Bộ GD-ĐT cho biết, việc sử dụng lại sách giáo khoa hiện mới đạt 35%, mặc dù Bộ này đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở các em có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sách được sử dụng lâu bền.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách giáo khoa.

Ảnh minh họa.

Thiện chí của chỉ thị trên là tốt, tuy nhiên nhiều người, nhất là GV, rất phân vân về tính hợp lý và bất cập của nó. Hợp lý vì như thế sẽ tiết kiệm được tài chính, có điều kiện giúp ích cho nhiều học sinh nghèo, khó khăn. Nhưng nếu chỉ thị này áp dụng quyết liệt, máy móc, khắc khe, chúng tôi e rằng đó không phải là điều hay, bởi nhiều bất cập mà nó mang lại.

Thời chúng tôi đi học, trong những năm thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy, hẳn nhiều người còn nhớ, SGK rất hiếm, giấy đen, bìa nát, thiếu trang vì HS chuyền nhau sử dụng nhiều năm. Mỗi đầu năm học, chúng tôi được GV chủ nhiệm cho ký tên để mượn sách, và dĩ nhiên phải có cam kết: không được làm rách; không viết, vẽ vào sách; nếu không sẽ phải đền tiền! Vì vậy chúng tôi giữ gìn rất kỹ. Và cũng vì vậy, dường như kỹ năng sử dụng SGK của chúng tôi bị hạn chế rất nhiều, hiệu quả không phát huy được hết. Đó là câu chuyện của thế kỷ trước. Còn bây giờ, với nhiều HS, giá mỗi cuốn sách chỉ bằng… một bữa ăn sáng. Thì việc đặt ra vấn đề: Tiết kiệm nhưng bị gò bó khi sử dụng và tính hiệu quả cho việc học, cái nào cần hơn?

Khi dạy, nhiều GV vẫn coi SGK của các em như một tài liệu học tập. Và yêu cầu các em sử dụng nó với những kỹ năng thiết yếu. Chẳng hạn, nhiều GV có thói quen khi kiểm tra SGK của HS thường kèm theo yêu cầu: phải có “sự làm việc” của các em vào trong ấy. Ngoài việc vẽ, ghi bậy - điều này dĩ nhiên GV nào cũng cấm HS, theo quan sát của chúng tôi, những HS có “sự làm việc” tích cực vào sách như gạch chân, ghi chú thêm… đều có kết quả tốt hơn những em SGK để trắng. Hơn nữa, chỉ thị này có phần gây khó cho việc dạy và học. Đơn cử như môn văn lớp 12, nhiều bài học có văn bản rất dài, trong khi thời gian thì quá ít. Nếu GV không buộc HS gạch chân những dẫn chứng tiêu biểu trong SGK thì không tài nào ghi ra cho kịp! Chưa nói đến việc, theo nhiều người là “phạm luật”. Vì SGK là tài sản riêng của các em HS.

Vì vậy, theo chúng tôi, chỉ thị này của Bộ chỉ nên dừng lại ở khuyến khích. Bộ cần điều chỉnh kịp thời những cuốn sách có đáp án trả lời trực tiếp vào sách. Bộ nên chú trọng bàn nhiều hơn đến những giải pháp cụ thể như thế nào để quyên góp sách cũ từ học sinh, nhà trường, phụ huynh và xã hội. Có như thế mới giải tỏa bài toán “khát” SGK như thời gian qua. Ví dụ ở trường phổ thông, hàng năm nhân viên thư viện nên có các đợt phát động HS quyên góp SGK cũ và hỗ trợ số sách ấy cho HS khó khăn đầu mỗi năm học…

Bạn đang đọc bài viết “Lợi bất cập hại” từ chỉ thị cấm viết, vẽ vào SGK. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ