Thứ ba, 23/04/2024 21:44 (GMT+7)

Lời giải cho môi trường nông thôn

MTĐT -  Thứ năm, 26/08/2021 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ngoài đồng ruộng… sẽ “bức tử” các vùng nông thôn nếu ngay từ bây giờ không có những giải pháp xử lý bài bản.

“Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng ruộng”… là mục tiêu cứng trong chiến lược xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao của tỉnh, nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, dần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định. Mục tiêu ấy đang gần cán đích khi hàng loạt các giải pháp xử lý môi trường thông minh được triển khai, áp dụng bài bản.

Bài I: Chủ trương đúng, hành động quyết liệt

Rác thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ngoài đồng ruộng… sẽ “bức tử” các vùng nông thôn nếu ngay từ bây giờ không có những giải pháp xử lý bài bản. Chính vì vậy, trong chiến lược “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, môi trường nông thôn được quan tâm đặc biệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ hệ thống xử lý rác thải, đã và đang từng bước kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, tiến tới giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Lương Tài.

Thực trạng môi trường nông thôn

Nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung diễn biến phức tạp, nhiều điểm tập kết rác đã tràn đầy, rác thải đổ bừa bãi dọc các trục đường giao thông, kênh mương nội đồng… không chỉ làm giảm mỹ quan, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhất là các khu vực ven khu, cụm công nghiệp có lượng công nhân thuê trọ lớn. Tình trạng xả chất thải sản xuất và chăn nuôi không qua xử lý, việc xả bao bì các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến gây ô nhiễm môi trường.
Khảo sát thực tế tại một số xã đông công nhân thuê trọ như ở địa bàn huyện Yên Phong, hay tại các xã Đại Đồng, Hoàn Sơn (Tiên Du)..., rác đổ tràn lan ven đường giao thông, kênh mương nội đồng, thậm chí ngay cả hành lang giao thông tuyến Quốc lộ, gây bức xúc trong dư luận. Theo thống kê của ngành chức năng, tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 900 tấn/ngày, đêm và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%. Hiện chất thải rắn sinh hoạt còn tồn đọng tại các điểm tập kết ở một số địa phương chưa có khu xử lý chất thải tập trung. Tổng lượng rác tồn đọng ước tính khoảng gần 150.000 tấn, trong đó, huyện Yên Phong khoảng 60.000 tấn, Lương Tài khoảng 20.000 tấn, Tiên Du khoảng 40.000 tấn, thị xã Từ Sơn khoảng 30.000 tấn. Các địa phương đang thực hiện bằng các biện pháp cơ học như phun chế phẩm sinh học và đánh đống để giảm bớt mùi, tăng diện tích sử dụng. Trong khi đó, nguồn nước cũng có nguy cơ ô nhiễm lớn từ nước thải sinh hoạt, trong sản xuất tại các làng nghề do diện tích ao hồ ngày càng bị thu hẹp; ô nhiễm không khí xảy ra cục bộ ở một số nơi; tình trạng xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý, lạm dụng các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp... là nguồn gây ô nhiễm phổ biến. Đó chính là những bức xúc cần phải giải quyết hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Mục tiêu cao nhất trong chiến lược làm sạch môi trường của tỉnh là tập trung vào các vấn đề môi trường cấp bách; khắc phục và tiến tới giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt. Để thực hiện thành công mục tiêu này thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư được đặt lên hàng đầu, nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Đẩy mạnh năng lực xử lý rác thải tại các khu xử lý chất thải tập trung.

Triển khai đồng bộ hệ thống xử lý chất thải

Làm sạch môi trường, trong đó có môi trường nông thôn đã trở thành quyết tâm chính trị song hành với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 khẳng định: Đến năm 2025, 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, chất thải trong chăn nuôi, chất thải ngoài đồng ruộng và nước thải sinh hoạt được xử lý triệt để. Mục tiêu ấy đã, đang trở thành hiện thực khi tỉnh quyết tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, hiện đại. 3 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, Thuận Thành, Lương Tài đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời chỉ đạo các địa phương chưa có khu xử lý chất thải tập trung như huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn nhanh chóng xây dựng các lò đốt rác công suất nhỏ tại các xã, phường, thị trấn, nhằm giải quyết trước mắt chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các địa phương, kiên quyết không để rác tồn đọng ngoài môi trường.

Hiện tại, Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long, tại xã Phù Lãng (Quế Võ), công suất 500 tấn/ngày, đêm, tổng diện tích 4,8 ha, dự kiến cuối năm nay đi vào hoạt động đã cơ bản xây dựng xong phần hạ tầng, đang triển khai thực hiện lắp đặt một số thiết bị như: hệ thống cầu, bồn chứa, bồn áp lực và một số thiết bị phụ trợ để thực hiện quá trình lắp máy. Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành) gấp rút hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng. Dự án do Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành và JFE Engineering Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, công suất 500 tấn/ngày đêm, tổng diện tích 4,8 ha, dự kiến đến năm 2023 sẽ đi vào hoạt động. Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành khẳng định: Đơn vị đầu tư cam kết với tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt nguồn vốn để nhanh chóng triển khai xây dựng Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng đúng tiến độ. Đề nghị các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục pháp lý, quy hoạch đất đai... để dự án sớm được triển khai xây dựng.

Quyết tâm không để rác tồn đọng ngoài môi trường như thế này.

Riêng Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” tại xã An Thịnh (Lương Tài) do Công ty Cổ phần xử lý rác thải, năng lượng EU và China Couch Venture Holdings (HK) Limited làm chủ đầu tư, công suất 300 tấn/ngày, đêm, tổng diện tích 8,7 ha đang tích cực triển khai các hạng mục. Hiện đã hoàn thành 80% khối lượng xây dựng công trình, lắp đặt 20% thiết bị; đang hoàn thiện nội thất nhà ký túc xá, dự kiến tháng 10 năm nay sẽ đưa vào sử dụng để đón các chuyên gia đến chuyển giao công nghệ. Đơn vị chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến tháng 4-2022 tiếp nhận rác vận hành thử nghiệm và đến tháng 5-2022 đi vào hoạt động chính thức. Ông Nguyễn Thành Công, Quản lý nhân sự và công trường xây dựng cho biết: Nhà thầu đang chuẩn bị đón lô máy móc thiết bị thứ 3 để tiến hành lắp ráp, thực hiện đúng cam kết với tỉnh, quyết tâm đưa Nhà máy đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5- 2022. Trên công trường xây dựng Nhà máy luôn duy trì hơn 200 công nhân thi công, với phương châm ăn, ngủ, làm việc tại công trường, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm phòng dịch COVID-19 một cách tốt nhất và đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình. Công ty cũng triển khai trồng thảm cây xanh xung quanh nhà máy, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Trước mắt, ngành Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương phát huy tối đa công suất của 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại huyện Quế Võ, Gia Bình, Thuận Thành và một số lò đốt rác công suất nhỏ tại các địa bàn huyện Yên Phong, Tiên Du, thị xã Từ Sơn. Về lượng rác thải còn tồn đọng, thường xuyên áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi, vệ sinh thường xuyên không để rác thải tràn ra môi trường. Tỉnh cho phép các huyện Tiên Du, Yên Phong, Lương Tài và thị xã Từ Sơn vận chuyển lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng đang gây bức xúc trong nhân dân về khu xử lý chất thải tập trung, nhằm bảo đảm môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp.
(Còn nữa)

Theo Thái Uyên - Hoài Lan/Báo Bắc Ninh

Bạn đang đọc bài viết Lời giải cho môi trường nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới