Thứ sáu, 29/03/2024 14:31 (GMT+7)

Long An triển khai nhiều hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt

MTĐT -  Thứ năm, 23/12/2021 15:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP Tân An.

Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện vấn đề này bao gồm: Thí điểm phân loại rác tại nguồn; Thu gom riêng các loại chất thải đã được phân loại; thử nghiệm làm phân hữu cơ từ rác đã phân loại…. Đến nay đã qua thời gian thí điểm, WWF-Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức phân loại rác tại thành phố Tân An nhằm duy trì và mở rộng mô hình trong thời gian tới.

tm-img-alt
Phân loại rác tại nguồn ở TP Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: TL

Trong năm 2020, ước tính trên địa bàn tỉnh khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được khoảng 570 - 590 tấn/ngày. Riêng đối với thành phố Tân An, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 130 – 150 tấn rác, kinh phí thu gom, xử lý khoảng 130 – 150 triệu đồng/ngày. Hiện tại, trên địa bàn Long An, nhà máy Tân Sinh Nghĩa có khả năng xử lý 240 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhiều địa bàn huyện tự đổ rác tại các bãi chứa, hoặc tự đốt hay có địa phương phải chở rác đi xử lý tại nhà máy xử lý rác ở Tp. Hồ Chí Minh. Điều này, cũng đã cho thấy khả năng xử lý chưa đáp ứng được nhu cầu phát thải tại Long An.

Trong thực tế xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn do rác hỗn hợp không được phân loại. Vì vậy, việc phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa có vai trò quyết định và ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại tại nguồn (tại hộ gia đình). Nhìn chung người dân còn chưa nhận thức được lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và tái chế nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh chưa đạt được mức tối đa.

Chìa khoá để thay đổi tình hình này là cải thiện hệ thống quản lý rác thải và áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu, thu gom, phân loại tái chế rác thải. Thông qua các nguồn tài trợ từ Công ty Kaldewei, nhà sản xuất men thép hàng đầu ở Đức và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMU), cũng như sự chấp thuận của UBND tỉnh Long An, WWF-Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án Quản lý rác thải tỉnh Long An trong phạm vi Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Đến nay đã hoàn thành Đề án Quản lý rác thải cho tỉnh, thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn tại Phường 3 (Tân An) với quy mô hơn 4.800 hộ dân.

Dự án đã hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết, bao gồm việc phát gần 10.000 thùng rác cho các hộ gia đình, hỗ trợ mua 2 xe tải thùng để thu gom riêng các loại rác đã được phân loại, tuyên truyền và tập huấn về lợi ích và cách thức phân loại rác tại nguồn cho khoảng 1000 cán bộ và người dân; xoá bỏ hết các đống rác tự phát trên địa bàn triển khai thí điểm. Rác sau khi được các hộ gia đình phân loại sẽ được công nhân công ty Cổ phần Đô thị Tân An thu gom riêng theo từng loại. Bên cạnh đó, rác hữu cơ sau khi phân loại được thu gom riêng và vận chuyển đến nhà máy xử lý Tâm Sinh Nghĩa để sản xuất ra phân bón hữu cơ chất lượng cao. Sau 1 năm thực hiện, mô hình phân loại rác này đã thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao.

Chính vì vậy, vào ngày 19-11-2021, UBND tỉnh Long An đã ban hành văn bản số 11596/UBND-KTTC để ban hành chỉ đạo tiếp tục duy trì mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở phường 3 và có kế hoạch mở rộng mô hình ra toàn TP. Tân An cũng như các huyện, thị xã khác. Việc được các cơ quan chức năng công nhận kết quả và triển khai áp dụng với quy mô lớn hơn chính là một thành công lớn của dự án. Theo đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và Công ty Cổ phần Đô thị Tân An, mô hình phân loại rác tại nguồn sẽ được duy trì thực hiện tại Phường 3 và triển khai nhân rộng trên địa bàn Phường 1,2,4,5,6 thành phố Tân An khi WWF-Việt Nam ngừng hỗ trợ thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng giao nhiệm vụ cho các huyện, thị xã khác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An có trách nhiệm hỗ trợ việc thực hiện và giải quyết mọi vướng mắc, khó khăn cho người dân trong quá trình triển khai mô hình phân loại rác này tại các địa phương.

Từ những thành công trên, cùng với sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương, WWF-Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông hỗ trợ và xúc tiến mở rộng mô hình, bao gồm một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức, khuyến khích hành vi phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa cộng đồng.

Trong chiến dịch này, các thông điệp được truyền tải thông qua các chất liệu văn hóa dân gian nên vừa mới mẻ, vừa thân quen với người dân địa phương. Đó là những bức tranh cổ động mang phong cách truyền thống, với nội dung mở nhằm khơi dậy sự quan tâm của người dân đối với vấn đề rác thải và phân loại rác.

WWF là một trong những tổ chức bảo tồn độc lập lớn và uy tín nhất thế giới, với hơn 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Sứ mệnh của WWF là ngăn chặn sự suy thoái của môi trường tự nhiên Trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên, thông qua bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, và tuyên truyền giảm ô nhiễm và tiêu dùng lãng phí.

Tại Việt Nam, WWF bắt đầu thực hiện chiến lược bảo tồn ở cấp quốc gia từ năm 1985; từ đó phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để tiến hành các hoạt động khác nhau liên quan đến lĩnh vực môi trường trên khắp cả nước.

Nguyễn Vinh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Long An triển khai nhiều hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.