Thứ ba, 16/04/2024 19:24 (GMT+7)

Lũ đi qua, nhà 'an toàn' ở lại

MTĐT -  Thứ ba, 20/10/2020 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà chống lũ là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong thời điểm hiện tại, khi lũ dữ đang hoành hành ở miền Trung, có nhiều tin mất mát đau thương, tuy nhiên có một niềm vui nhỏ là những ngôi nhà tại địa bàn Nhà chống lũ đã thực hiện từ 2013 – 2020, người dân đều an toàn.

Những căn nhà phao trong dự án Nhà chống lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình

Tại Quảng Nam, Phó chủ tịch xã Đại Lãnh cho biết mức lũ cao đến 1m, các ngôi nhà thiết kế có gác tránh lũ nên tài sản, tính mạng đều được an toàn. Tại Điện Ngọc, người dân có nhà an toàn nên không bị ảnh hưởng gì nhiều...

Ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) nước lên vượt lũ lịch sử năm 1999, cao tới 3m nhưng nhà phao đã phát huy được tác dụng của nó khi cứ nước lên là nhà nổi lên theo. Từ những ngôi nhà phao đầu tiên mà dự án làm thì nay người dân cũng học hỏi và tự làm nhà an toàn cho mình.

Nhà an toàn cho dân nghèo vùng lũ

Bắt đầu từ năm 2013, Nhà chống lũ là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Tính đến tháng 9. 2020, Nhà chống lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang xây dựng và cải tạo nhà. Bên cạnh đó, dự án đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông, và một số loại lũ đặc biệt.

Chia sẻ về việc khởi nguồn ý tưởng xây dựng các ngôi nhà chống lũ, chị Jang Kều, Chủ tịch Quỹ Sống, người sáng lập dự án Nhà chống lũ,chia sẻ: "Với hầu hết người dân, họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi một nơi khác. Vậy nên chúng tôi sẽ xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống lũ, chống bão". 

Nước lên, nhà cũng lên theo

Nhà chống lũ có bảy tiêu chí để lựa chọn hộ gia đình được hưởng lợi, cụ thể: nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu; hộ dân có nhu cầu và có động lực để xây nhà an toàn; hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ; phần đất xây dựng có sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời. Dự án sẽ hỗ trợ thiết kế xây dựng, hộ dân cần tham gia vào quá trình thiết kế và tuân thủ các yêu cầu của dự án; dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20-35 triệu cho nhà cải tạo và từ 30-45 triệu cho nhà xây mới.

Trong vòng 7 năm qua, dự án đã xây dựng 795 căn nhà an toàn cho bà con, ngoài ra còn hai ngôi làng hạnh phúc với 120 ngôi nhà. Như vậy, con số nhà chống lũ xây dựng đã lên tới hơn 900. Chủ tịch Quỹ Sống tâm sự: “Con số này nghe có vẻ to tát, nhưng sẽ chìm nghỉm so với 150.000 căn nhà bị lũ cuốn trôi và đổ sập, so với số hộ nghèo mong muốn có nhà an toàn”.

Người dân cùng chung tay “vì ngôi nhà của mình”

Mức giá thành hoàn thiện từng căn nhà chống lũ an toàn nằm trong khoảng từ 80 - 180 triệu đồng. Trong đó, Nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực của riêng mình, người thân, các nguồn tài chính khác, hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được.

Những người nghèo hưởng lợi không chỉ có ngôi nhà an toàn của chính mình, mà họ sẽ còn tự tin hơn, thậm chí sẵn sàng cho những sự thay đổi trong tương lai. "Sau khi cùng chúng tôi đóng góp tài chính, thiết kế ngôi nhà nói lên mong muốn của bản thân, cùng xây dựng và giám sát, người dân sẽ trở nên tự tin hơn trong lập kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Từ đó, họ nỗ lực hơn cho tương lai tốt đẹp", chị Jang Kều chia sẻ.

Ngoài nhà phao nổi biệt lập mang tính đặc thù có diện tích 16m2 (4x4), các mẫu nhà khác của dự án đều có yêu cầu phần gác tránh lũ tối thiểu 10m2. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế và khả năng đối ứng của các hộ gia đình, tổng diện tích xây dựng sẽ dao động từ 35m2 - 50m2, với nhà hai tầng có thể có diện tích sàn đến 100m2.

Trong năm 2020, dự án đã hoàn thành 80/93 căn nhà tại các vùng miền khác nhau. Từ việc hỗ trợ đó, người dân xung quanh có thể học hỏi, nhân rộng và phát triển mô hình nhà an toàn trước tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai. Với ý tưởng cộng đồng hỗ trợ để người thụ hưởng tự xây ngôi nhà của mình, Quỹ Sống muốn vươn tới điều xa hơn: tạo được một mô hình cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau, hướng đến cuộc sống bền vững.

Hiện nay, Nhà chống lũ đang bám sát tình hình và sẽ khảo sát để lên kế hoạch hỗ trợ, lên kế hoạch bổ sung và tiếp tục triển khai xây nhà an toàn ở Huế, Quảng Trị và Quảng Nam - là ba địa bàn chịu thiệt hại nghiêm trọng trong đợt mưa lũ vừa rồi.

9 mô hình Nhà chống lũ an toàn

Nhà chống lũ hiện nay có ba loại chính, nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác, tổng cộng 9 mô hình.

1. Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, mô hình sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này được tính toán dựa theo thực tế để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn nhà dễ dàng mà không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà.

2. Nhà kê nền cao với nền nhà được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.

3. Nhà kê nền linh hoạt là mô hình có thể tách rời liên kết giữa khối nhà và móng để nâng nhà khi cần mà không phải phá huỷ kết cấu. Mô hình nhà linh hoạt là một lõi an toàn, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai (bão, lụt).

4. Nhà phao gồm nhà phao biệt lập được hình thành với mẫu thiết kế là khung nhà bằng thép để giảm trọng lượng khung nhà, có mặt bằng hình vuông, sàn lát ván gỗ, vách thưng ván gỗ hoặc tôn kẽm, mái 4 dốc lợp tôn kẽm, có hành lang ngoài để nâng cao tính cân bằng chống dao động và sử dụng cửa ray trượt để dễ sử dụng khi gió lùa mạnh. Dưới gầm sàn nhà được bố trí các thùng phuy sắt làm hệ phao nổi giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ và được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo.

5. Mô hình nhà phao gắn liền nhà xây là một gian nhà phao trên gác ngôi nhà xây. Gian nhà này có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi tối đa trên 10m so với sàn tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà.

6. Nhà có gác gồm mô hình nhà hai gác chỉ người ở được xây dựng trên cơ sở thiết kế với cấu trúc móng, trụ, khung dầm, sàn bê tông và tường xây gạch nung hoặc gạch không nung. Độ cao của gác hoặc sàn tầng một thường được thiết kế cao hơn mức ngập tối thiểu cao 2,85m, có cầu thang trong nhà để người dân lưu trú trong thời gian có lũ, bão.

7. Mô hình Nhà hai gác có chỗ cho gia súc có cầu thang phía ngoài cho người và gia súc di chuyển lên tầng trên khi có lũ. Độ cao tầng hai được tính toán vượt trên mức đỉnh lũ lịch sử của khu vực để đảm bảo cho người dân và gia súc có thể lưu trú trong thời gian ngâm lũ.

Sử dụng phần chiếu nghỉ trước khi lên sàn làm nơi cho gia súc, gia cầm tránh lũ. Thiết kế bản thang rộng 1,2m - 1,5m, bậc cầu thang có độ cao 10cm - 12cm đảm bảo cho trâu, bò, dê dễ dàng di chuyển lên trên. Phần chiếu nghỉ này có thể căng bạt hoặc lợp mái che mưa và đảm bảo diện tích đủ cho trâu, bò, dê trú ngụ.

Mô hình nhà có cầu thang ngoài còn có tác dụng khi nhà bị lũ ngập, việc di chuyển, sinh hoạt, cứu trợ của người dân và lực lượng cứu hộ bằng thuyền sẽ cập mạn cầu thang ngoài để vào nhà thuận lợi. Toàn bộ gian phía sau để chứa cỏ, rơm, và nông sản; gian trước dành cho người.

8. Nhà 3 gian có gác xép, trong đó 1 gian lồi bằng với phần hiên nhà, ba gian được bố trí công năng sử dụng như ba gian truyền thống, bếp và công trình phụ xây dựng thêm tùy nhu cầu và điều kiện của chủ nhà. Gian dưới sàn gác bê tông cốt thép là nơi tránh bão an toàn cho người và tài sản. Gác là nơi người dân trú và bão quản tài sản khi có bão, lũ dâng cao.

9. Nhà ống có gác xép, người dân lưu trú ở gác xếp trong thời gian có bão hoặc lũ ngâm, độ cao gác xếp được tính toán phù hợp luôn cao hơn đỉnh lũ lịch sử của khu vực. Khi thiết kế nhà ống có gác xép có thể đổ sàn bê tông truyền thống hoặc các vật liệu xây dựng mới có tính kháng nước. Độ cao của gác xép tối thiểu 2,1m. Tùy theo địa bàn để chú trọng các yếu tố kĩ thuật ưu tiên cho vùng bão, lũ thấp hoặc vùng lũ chịu tác động bởi bão suy yếu. Cửa thoát hiểm của gác xép tránh lũ vô cùng quan trọng, trong trường hợp lũ vượt mức lịch sử, vượt qua cả sàn gác thì cửa thoát hiểm là nơi tiếp cận của các phương tiện cứu trợ.

Theo Thanh Thủy/Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Lũ đi qua, nhà 'an toàn' ở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.