Thứ bảy, 20/04/2024 21:23 (GMT+7)

'Luật rừng' có hại nhưng một 'rừng luật' chất lượng kém thì thiệt hại còn nhiều hơn!

MTĐT -  Thứ ba, 24/05/2022 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Luật rừng" là có hại nhưng một "rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

LTS: Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, sáng nay (24.5), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), đã đề nghị một nguyên tắc xuyên suốt công tác lập pháp của Quốc hội với nhiều thông tin đáng chú ý. Được sự đồng ý của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Người Đô Thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu này, tựa do tòa soạn đặt.

* * *

'Luật rừng' có hại nhưng một 'rừng luật' chất lượng kém thì thiệt hại còn nhiều hơn!
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội, sáng 24.5. Ảnh: Hoàng Phong/ Vnexpress

Tôi đồng ý với đánh giá của Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội là công tác lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua có nhiều tiến bộ và thành tựu, nhưng xin góp ý một điểm bổ sung vào các đánh giá của UBTV Quốc hội mà đồng chí Nguyễn Khắc Định vừa trình bày. Tôi đề nghị một nguyên tắc xuyên suốt công tác lập pháp của Quốc hội.

Đó là: khi chấp thuận đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào, hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội, tôi đề nghị Quốc hội phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất phải có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá hai cực “phí tổn và lợi ích” của dự án luật đó. Lý do là: khi làm mới hay bổ sung, sửa đổi một đạo luật, có rất nhiều loại phí tổn. Xin nêu ví dụ: (i) phí tổn của quá trình xây dựng đề án luật, (ii) phí tổn của quá trình soạn thảo luật, (iii) phí tổn của quá trình thông qua luật, (iv) phí tổn của quá trình thực hiện luật.

Lấy ví dụ về phí tổn của quá trình thực hiện luật: gồm phí tổn của việc tổ chức thực hiện (ban hành, phổ biến, huấn luyện, giáo dục đạo luật hay quy định mới), phí tổn của việc tuân thủ (ví dụ: luật quy định phải công chứng, phải thị thực, phải bỏ các biểu mẫu cũ, làm các biểu mẫu mới, phải thay chứng nhận cũ làm chứng nhận mới; phí tổn tư vấn của luật sư để hiểu và làm đúng luật mới); phí tổn của việc xử lý tranh chấp, sai phạm phát sinh khi áp dụng luật mới, hay xử lý các chồng chéo, xung đột giữa luật mới và các luật hiện hành đang cản trở các quan hệ kinn tế - xã hội.

Phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực: phí tổn của ngân sách công và của khu vực tư, của xã hội, của người dân (mà loại phí tổn này thường không được quan tâm đầy đủ); phí tổn của ngân sách trung ương và địa phương; phí tổn bằng tiền hay và các loại phí không bằng tiền hay không đo được bằng tiền; phí tổn nhìn thấy được và không nhìn thấy được (ví dụ: tác động tiêu cực về tâm lý xã hội của người dân, của doanh nghiệp cũng gây ra thiệt hại).

Cùng với đánh giá phí tổn là so sánh, phân tích và đánh giá các lợi ích: lợi ích cho đất nước, cho nền kinh tế, cho quản lý nhà nước và cho người dân; lợi ích ngắn, trung và dài hạn; lợi ích chuyên ngành và lợi ích tổng thể; lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng; tác động đến lợi ích trong nước và quốc tế. Ví dụ: có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn, hại về dài hạn; lợi cho quản lý nhà nước, thiệt hại cho quyền tự do, dân chủ hiến định của người dân. Quốc hội cần yêu cầu tổ chức, cơ quan trình sáng kiến lập pháp hay trình dự án luật phải cung cấp các thông tin được lượng hóa, tiêu chí hóa, mô hình hóa, có phân tích, tổng hợp, đánh giá nhiều chiều một cách khách quan, khoa học, để UBTV Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa dự án luật ấy vào chương trình xây dựng luật hay có thông qua dự thảo luật hay không. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần mời các chuyên gia phản biện chuyên môn, chuyên sâu, nhất là về so sánh phí tổn - lợi ích như nêu trên.

Tôi đề nghị như vậy là vì, cho đến nay, khi đề xuất các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động, các thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết, hoặc đánh giá rất chung chung, chủ yếu nói đến cái lợi, mà cũng chỉ nói một chiều, rất khó để các đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên ngành, có thông đủ thông tin để đánh giá hay phản biện. Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa. Có những lĩnh vực cần pháp điển hóa, nghĩa là làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại. Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của nhà nước, của xã hội và của nhân dân.

Có những vấn đề chỉ cần một nghị quyết của Quốc hội, hay một nghị định của Chính phủ là đủ để điều chỉnh, thậm chí hiệu quả điều chỉnh cao hơn, thì không nên làm luật. Khi đầu tư hay làm ăn với Việt Nam, nước ngoài thường thuê chuyên gia nghiên cứu, đánh giá môi trường pháp lý của Việt Nam rất kỹ trước khi quyết định. Môi trường pháp lý của chúng ta (làm luật, thi hành luật và xét xử của tòa án) cũng luôn được quốc tế xếp hạng, và chúng ta không phải thứ hạng cao.

Có chuyên gia nhận xét: chúng ta tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu nhiều, thu hút đầu tư nhiều, qui mô kinh tế lớn hơn nhiều nước ASEAN, thậm chí lớn hơn Singapore là nước phát triển nhất trong ASEAN, nhưng dân ta vẫn nghèo hơn họ rất nhiều. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do nhà nước, doanh nghiệp và người dân chúng ta phải chịu phí tổn quá nhiều, và quá nhiều loại phí tổn, trong đó có phí tổn của công tác lập pháp, lập quy, ban hành chính sách, quy định, hay nói rộng hơn, là phí tổn do công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp. Lê Nin từng nói đại ý: chế độ xã hội này thắng chế độ xã hội kia là do năng suất lao động cao hơn, nghĩa là do hiệu năng cao hơn. Bác Hồ nói: cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh. “Luật rừng” là có hại, nhưng một "rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn.

Tôi đề nghị Quốc hội, UBTV Quốc hội vận dụng các di huấn này khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật. Làm như vậy, công tác lập pháp của Quốc hội sẽ vất vả hơn, nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn, nhân dân ta và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ hài lòng hơn.

Bạn đang đọc bài viết 'Luật rừng' có hại nhưng một 'rừng luật' chất lượng kém thì thiệt hại còn nhiều hơn!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất