Lục Ngạn: Nỗ lực cung ứng điện phục vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều
Thời điểm này, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào vụ thu hoạch vải thiều. Do thời tiết nắng nóng, khô hạn khiến phụ tải tăng cao, nguồn cung điện giảm nên một số địa bàn bị cắt điện luân phiên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ vải.
Tại Lục Ngạn hiện có 47 cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá cây, rổ nhựa. Mỗi ngày, các cơ sở này sản xuất 300 nghìn thùng xốp; 70 nghìn cây đá và hàng chục nghìn rổ nhựa.
Tìm hiểu tại cơ sở sản xuất nước đá cây của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Lân Huệ, khu Trần Phú, thị trấn Chũ, ông Vũ Mạnh Lân, Giám đốc Công ty cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp (DN) sản xuất từ 5-6 nghìn cây đá, tiêu thụ khoảng 35 nghìn kWh điện. Từ ngày 5/6 đến nay, cơ sở của ông đã bị ngừng cung cấp điện 2 lần kéo dài, mỗi lần khoảng 4 tiếng (không kể lúc điện chợp chờn, mất xong lại có ngay), gây thiệt hại khoảng 2 nghìn cây đá, tương ứng với khoảng 40 triệu đồng.
Lục Ngạn hiện có điểm 157 điểm thu mua vải thiều cố định. Trong đó có hàng chục điểm đóng gói vận chuyển vải đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Văn Đoàn, chủ cơ sở thu mua, đóng gói vải thiều tại phố Kim, xã Phượng Sơn cho biết, hiện mỗi ngày ông thu mua, đóng gói khoảng 10 tấn vải thiều. Những ngày gần đây, cơ sở liên tục bị mất điện đột ngột nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu mua, nhất là khâu đóng gói vải.
“Xác định thời điểm mùa hè thường bị thiếu điện nên nhiều năm qua tôi đã mua và sử dụng máy phát điện. Dù phải tăng thêm chi phí nhưng bù lại vẫn bảo đảm công việc thu mua, đóng gói vải thiều”, ông Đoàn cho hay.
Việc thiếu nguồn điện không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vải thiều mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống, lưu trú cho thương nhân, người lao động đến Lục Ngạn tham gia tiêu thụ vải.
Qua thống kê, Lục Ngạn hiện có 37 khách sạn, nhà nghỉ với 418 phòng; 112 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ bếp ăn tập thể). Trong mùa thu hoạch vải thiều, thường các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống đều kín khách. Tuy nhiên, vào những thời điểm mất điện, các dịch vụ này đều vắng khách.
Chủ nhà hàng ăn uống và Khách sạn Sơn The, khu Lê Duẩn, thị trấn Chũ thông tin, cơ sở kinh doanh này có 25 phòng nghỉ. Mỗi ngày khách sạn phục vụ từ 20-30 mâm cơm cho khách. Mặc dù đã chuẩn bị máy phát điện nhưng chủ yếu dùng để thắp sáng, không thể chạy được máy điều hòa nhiệt độ. Lượng khách đến ăn uống, lưu trú sụt giảm một nửa. Nếu thời gian mất điện kéo dài, khách sẽ không lưu trú tại khách sạn này.
Theo Điện lực Lục Ngạn, sản lượng điện tiêu thụ toàn huyện khoảng 700 nghìn kWh/ngày. Các cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp, rổ nhựa tiêu thụ khoảng 235 nghìn kWh/ngày. Những ngày qua, Điện lực Lục Ngạn vẫn thực hiện lịch tạm ngừng cấp điện luân phiên trên địa bàn, thời gian từ 7-17 giờ trong ngày.
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Điện lực Lục Ngạn cho biết, để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất hàng phụ trợ tiêu thụ vải thiều (bao gồm cả cung ứng cho nhà hàng, cơ sở lưu trú), đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh (tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/6 vừa qua) và cấp trên, theo phương án: Ban ngày cấp điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên cấp điện cho sinh hoạt.
Điện lực Lục Ngạn đã đề xuất Công ty Điện lực Bắc Giang ưu tiên phân bổ công suất điện và thời gian cấp điện cho địa phương trong những ngày cao điểm thu hoạch vải. Từ ngày 8/6, đối với các tuyến đường dây trung áp có cả khách hàng sản xuất và sinh hoạt, Điện lực Lục Ngạn đã làm việc với khách hàng (sản xuất đá cây, xốp, rổ nhựa,…) để nắm lịch trình sản xuất. Theo đó, các khách hàng nhất trí ngừng cấp điện 4 giờ/ngày (từ 20-24 giờ hằng ngày) để vẫn bảo đảm sản xuất, nhất là nước đá.
Đối với các tuyến đường dây trung áp cấp điện cho Bệnh viện Đa Khoa huyện sẽ ưu tiên cấp điện 24/24 giờ. Các trạm biến áp cấp điện cho sinh hoạt trên tuyến đường dây này sẽ ngừng cấp điện từ 8-16 giờ hằng ngày.
Được biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lại thiếu nguồn cung điện nên người dân trong tỉnh, nhất là Lục Ngạn đổ xô đi mua các loại máy phát và quạt tích điện, quạt dùng pin năng lượng mặt trời.
Ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Giang cho biết đơn vị đã cử lực lượng phối hợp các ngành liên quan kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh máy phát và quạt tích điện.
Bước đầu kiểm tra cho thấy, do thiếu nguồn cung nên giá các mặt hàng này tăng cao hơn so với những thời điểm trước. Tuy nhiên, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo Đại La/baobacgiang.com.vn