Thứ năm, 18/04/2024 23:09 (GMT+7)

Lúng túng xử lý vi phạm ô nhiễm tiếng ồn

MTĐT -  Thứ bảy, 19/03/2022 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau gần 1 năm các địa phương tại TPHCM ra quân nhắc nhở, xử lý vi phạm tiếng ồn, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực.

tm-img-alt
Một số quán bar trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thường xuyên mở nhạc âm lượng lớn

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vi phạm gây tiếng ồn vẫn xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ồn ào, bát nháo

Gọi đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng (tập trung chủ yếu ở quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh) phản ánh, cứ tối đến là nhiều quán nhậu, beer club mở nhạc lớn, gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, hai bên đường, các quán đua nhau mở nhạc với âm lượng lớn, vang vọng cả một khu vực, đèn chiếu nhấp nháy lóa mắt ra tận đường. Thậm chí, nhiều beer club còn bố trí dàn âm thanh “khủng” để cạnh tranh. Bên trong các quán tập trung đông khách, phần lớn là giới trẻ, uống bia, hút thuốc lá, reo hò, lắc lư theo nhạc…

Nhiều người khi lưu thông qua khu vực trên lắc đầu ngao ngán trước tình trạng bát nháo, ồn ào. Một số người dân cho biết, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, dư luận nhiều lần phản ánh nhưng đến nay chính quyền các địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để.

Sống cạnh tuyến đường Phạm Văn Đồng, ông Võ Tín Đức (ngụ quận Bình Thạnh) cảm thấy bức bối khi đêm nào cũng phải hứng chịu tiếng nhạc lớn từ các hàng quán.

“Từ sau giãn cách đến nay, các hàng quán ăn nhậu dọc theo tuyến đường này hoạt động nhộn nhịp trở lại. Gia đình tôi dù đóng tất cả cửa vẫn không ngăn được tiếng ồn. Có nhiều hôm, cháu nhỏ học online nhưng không thể tập trung vì tiếng nhạc vọng vào nhà quá lớn”, ông Đức tâm sự.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu (nhà nằm cạnh đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp) rất bức xúc khi đêm nào cũng bị tiếng nhạc “tra tấn” đến gần sáng.

Chị Thu kể: “Từ khi đường Phạm Văn Đồng trở thành khu vực ăn nhậu, hầu như đêm nào gia đình tôi cũng đều ngủ nghỉ không yên, chỉ trừ những ngày thành phố thực hiện giãn cách. Hơn 1 tháng trở lại đây, con trai tôi học thêm online tại nhà, nhưng vì tiếng nhạc quá lớn, cháu không thể tập trung, gia đình phải cho cháu về nhà nội ở quận Tân Bình học tạm một thời gian. Tôi mong chính quyền địa phương sớm khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này, trả lại sự bình yên cho người dân”.

Qua Đường dây nóng Báo SGGP, người dân sống trên tuyến đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp cũng phản ánh ở khu vực này có khá nhiều quán nhậu, quán bar mở nhạc với âm lượng lớn, đến tận đêm khuya. Tình trạng trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, giấc ngủ của những hộ dân sống xung quanh. Bên cạnh đó, “đại nhạc hội” ầm ĩ từ những loa kẹo kéo trên đường phố tái diễn ở nhiều nơi trên địa bàn quận Gò Vấp.

Khó xử lý

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2020) đã có chế tài cụ thể đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình và cá nhân. Nhưng trên thực tế, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư vẫn tồn tại dai dẳng, khó xử lý dứt điểm.

Là địa bàn tập trung khá nhiều quán nhậu, quán bar, từ tháng 10-2020, UBND phường 1, quận Gò Vấp đã thuê đơn vị thứ 3 là Công ty TNHH Khoa học công nghệ và phân tích môi trường Phương Nam lấy mẫu và phân tích tiếng ồn tại các quán bar, quán nhậu trên địa bàn phường. Tuy nhiên, theo đại diện UBND phường 1, quận Gò Vấp, dựa vào kết quả lấy mẫu cũng rất khó xử phạt các hàng quán này. Bởi độ ồn tại một số quán khi giữ nguyên hiện trạng và sau khi tắt nhạc chênh lệch không quá lớn (trung bình chỉ 5dBA). Nguyên nhân là do tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, hàng quán bên cạnh nên không thể xác định được quán nào gây ra tiếng ồn vượt quá quy chuẩn để có căn cứ xử phạt.

Ông Vũ Nam Hưng, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, cho biết: “Hiện phường vẫn đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ các đơn vị cấp trên để có cách xử lý về vi phạm tiếng ồn. Hàng đêm, UBND phường vẫn thường xuyên ra quân kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán cam kết thực hiện nghiêm túc quy định về trật tự lòng lề đường, không mở nhạc quá lớn. Từ sau tết đến nay, UBND phường, công an phường đã ra quyết định xử phạt 8 trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường và ô nhiễm tiếng ồn sau 22 giờ, với số tiền phạt trung bình 750.000 đồng/trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay khung xử phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe, nên sau khi bị xử phạt, các hàng quán này tiếp tục tái phạm”.

Nói về những khó khăn trong công tác xử lý vi phạm tiếng ồn, ông Huỳnh Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh có chung nhận định trên. Hiện UBND phường 11 còn thiếu trang thiết bị chuyên dụng để đo tiếng ồn, và khi đo được cũng rất khó có căn cứ xử phạt các hàng quán này.

“UBND phường vẫn thường xuyên ra quân tuyên truyền, kiểm tra các hàng quán vi phạm trật tự lòng lề đường, nhắc nhở không mở nhạc quá lớn với tần suất 2-3 lần/tuần. Từ 22 giờ trở đi, lực lượng công an phường sẽ ra quân xử lý các hành vi vi phạm tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến người dân. Từ sau tết đến nay, lực lượng công an phường xử phạt 5 trường hợp vi phạm tiếng ồn sau 22 giờ, với tổng số tiền hơn 3 triệu đồng”, ông Công cho biết.

Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Theo đó, thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch hoặc an ninh trật tự.

Bạn đang đọc bài viết Lúng túng xử lý vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo SGGP

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.