Thứ năm, 28/03/2024 15:27 (GMT+7)

Lý giải bất ngờ về dòng sông nổi bọt trắng xóa như tuyết ở Hà Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 05/01/2018 08:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đại diện xí nghiệp Thủy nông huyện Duy Tiên, Hà Nam, hiện tượng một đoạn sông tại Hà Nam xuất hiện bọt trắng xóa trong những ngày vừa qua là do sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng.

Những ngày vừa qua, một đoạn sông tại khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bất ngờ nổi bọt trắng xóa, dày gần 1m đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Không chỉ nổi bọt trắng xóa, đoạn sông này còn bốc bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dưới lớp bọt, nước sông ngả màu đen kịt.

Theo người dân địa phương, đây không phải là hiện tượng lạ ở đây và nhiều hôm, những bọt bẩn này bay vào tận nhà khiến trẻ con, người già đều phải di chuyển sang nơi khác sống. Thậm chí khi bơm nước vào đồng ruộng để canh tác, nhiều người ra làm việc còn phải bịt mũi vì mùi hôi thối.

Do sông Nhuệ ô nhiễm nặng

Trao đổi với báo chí, ông Kiều Viết Hùng, Giám đốc xí nghiệp Thủy nông huyện Duy Tiên, Hà Nam cho biết: “Xí nghiệp vẫn xả nước tại trạm bơm Chợ Lương (xã Yên Bắc) phục vụ tưới tiêu cho các xã trong huyện từ năm 2001. Những năm đầu hiện tượng nước sủi bọt trắng ít. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nước từ sông Nhuệ chảy về và vẫn bị như thế  này - sủi bọt giống như tuyết”.

Ông cho hay, nguồn nước này được lấy từ sông Nhuệ và sông Châu Giang, 2 con sông đang bị ô nhiễm, trong đó sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng. Do nước bị ô nhiễm, nên khi trạm bơm Chợ Lương hoạt động, nước sủi bọt kết thành tảng lớn, gây mùi tanh nồng khó chịu.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Hùng cho rằng, do nước đầu nguồn ô nhiễm, song theo ông Hùng phía xí nghiệp Thủy nông cũng “lực bất tòng tâm”, chưa có giải pháp xử lý tình trạng này.

Dòng sông nổi bọt trắng xóa như tuyết là do nước từ sông Nhuệ đổ về bị ô nhiễm nặng nề.

“Chúng tôi phục vụ nông nghiệp, đến mùa vụ bắt buộc phải bơm để bà con kịp đổ ải vụ tới. Các trạm bơm đã được đặt cố định ở lòng sông rồi, không có nguồn nào ở đâu khác được. Hiện, công ty cũng đã mở nguồn nước ở Tắc Giang nhưng vẫn không át được nước từ Hà Nội chảy về cho nên bắt buộc phải bơm phục vụ tưới tiêu, dù nước ô nhiễm”, ông Hùng nói.

Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam đã lấy mẫu nước để xét nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy, mẫu nước tại sông Nhuệ được xác định mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng nước nổi bọt trắng xóa đã xuất hiện nhiều năm nhưng năm nay, tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều và kéo dài 2 tuần này.

Đại diện phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Duy Tiên cũng xác nhận, tình trạng ô nhiễm, bọt nổi trắng xóa đầy kênh A48 là do nguồn nước từ sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng. Vị này cũng cho hay: “Phòng Tài nguyên- Môi trường đã kiểm tra, nguồn nước vào kênh A48 không hề bị xả thải của các nhà máy hay cơ sở sản xuất trong huyện Duy Tiên. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, nhưng tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ đến nay vẫn chưa được cải thiện”.

Việc xử lý nước thải của TP Hà Nội đã quá tải nên sông Nhuệ phải...hứng chịu?

Giải thích về hiện tượng này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cũng khẳng định, hiện tượng trên cho thấy nước sông Nhuệ bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Theo ông Nhuệ: “Sông Nhuệ có cống Liên Mạc là cống chỉ mở một số lần để phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp. Vào mùa khô, lượng mưa ít, cống Liên Mạc về cơ bản lại thường xuyên đóng, trong khi dọc bờ sông Nhuệ có rất nhiều cống nước nước thải sinh hoạt cũng như nhà máy đổ dồn vào.

Thực chất nước ở sông Nhuệ sau khi mở cống, bọt sủi trắng là từ các chất tẩy rửa tổng hợp, cộng thêm các loại chất khác nữa. Vì thế, có thể nói nước sông Nhuệ sủi bọt trắng là do ô nhiễm nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm là do nước thải nhiều chỗ không được xử lý hoặc chỉ xử lý một phần rồi lại thải ra sông Nhuệ. Bây giờ cần có sự phân tích khoa học về chất lượng nước ở sông Nhuệ để tìm ra các chất trên gồm những gì”.

 Hiện tượng này còn do sự quá tải trong xử lý nước thải của TP Hà Nội.

Ông cũng phân tích thêm, hiện tượng này còn có nguyên nhân sâu xa từ sự quá tải trong xử lý nước thải của TP Hà Nội.

“Có thể thấy, nước thải đổ ra sông Nhuệ chủ yếu là nước thải của Hà Nội. Hà Nội hiện nay cũng có một số trạm, nhà máy xử lý nước thải, song không đủ phục vụ cho nhu cầu của thành phố".

Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, ngoài việc quá tải trong xả thải, một trong những nguyên nhân khiến sông Nhuệ thành “sông tù” còn do cửa sông hai đầu không mở thường xuyên và không có nguồn nước lưu thông để pha loãng.

Về giải pháp khắc phục, theo ông Nhuệ, cần phải thực hiện đồng bộ hai giải pháp cơ bản là mở thông hai đầu cửa cống của sông Nhuệ cũng như cần phải có sự đầu tư để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của TP Hà Nội.

“Lượng nước của sông Hồng bổ sung cho sông Nhuệ là không đáng kể nên cần phải mở cống này. Ngoài ra, cũng cần phải khơi thông dòng chảy để sông Nhuệ chảy về sông Đáy. Chỉ có như vậy thì sông Nhuệ mới lưu thông được, không xảy ra tình trạng nước tù.

Ngoài ra, cũng cần phải có sự đầu tư để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của TP Hà Nội, hạn chế xả thải ra sông Nhuệ như hiện nay”, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho hay. 

Minh Tuệ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Lý giải bất ngờ về dòng sông nổi bọt trắng xóa như tuyết ở Hà Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.