Mê hồn với vẻ đẹp hoa Gạo tháng ba ở Yên Dũng, Bắc Giang
Tháng ba lại về, những ngày này, cây Gạo cổ thụ “song sinh” đẹp như tranh vẽ bên triền đê sông Thương thuộc thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang lại nở rộ khoe sắc đỏ rực rỡ, thu hút hàng trăm lượt du khách tấp nập tìm đến mỗi ngày.
Một buổi sáng chủ nhật, giữa trung tuần tháng ba năm 2022, khi ánh nắng mặt trời vừa ló rạng khỏi dãy núi Nham Biền, theo chân anh Tạ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, chúng tôi có mặt tại đê con sông Thương (nơi có 02 cây gạo cổ thụ song sinh ngay sát ngôi miếu Bà Cô tại thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn).
Khoảng 08 giờ 00’ phút, đã có khoảng mấy chục du khách xúm quanh dưới tán cây Gạo đầy hoa đỏ, nở bung khoe sắc rực rỡ một góc trời tựa như hình cầu vồng lửa. Tìm góc đẹp Check-in ghi lại những khoảnh khắc đẹp, khắc dấu ấn tuổi thanh xuân, đọng lại với thời gian.
Cụ Tạ Văn Tảo, 84 tuổi, ở thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn cho biết: “hai cây gạo song sinh này tồn tại đến nay khoảng hơn trăm năm tuổi. Nó gắn liền với sự tích ngôi miếu Bà Cô. Năm tôi lên 13 tuổi, làm nghề chở đò đưa khách qua sông Thương ở bến đò Đông Loan, thuộc xóm Bến, xã Hồng Phong, Tổng Đông Loan, Phủ Lạng Thương (nay là thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tôi đã thấy có cây gạo to ngay cạnh ngôi miếu.
Theo tương truyền kể lại, một nữ tướng của nghĩa quân Nông dân Yên Thế, được Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cử đi dẫn một đội quân kéo xuống bảo vệ vùng Phủ Lạng Thương. Trong một trận chiến đấu với thực dân Pháp không cân sức, khi bị giặc truy đuổi, nữ tướng đã nhảy cầu Bắc Giang gieo mình xuống dòng sông Thương tự vẫn, quyết không chịu rơi vào tay giặc. Thi thể bà bị trôi dạt vào triền đê, nhân dân đem chôn cất và lập ngôi miếu thờ gọi là miếu Bà Cô. Cây Gạo cổ thụ song sinh từ bao đời nay, nhân dân trong vùng coi như một biểu tượng văn hóa lịch sử tôn nghiêm. Về mùa hè, bà con thường lui tới nghỉ hóng mát dưới bóng gốc cây hoặc mỗi khi đi làm đồng rảnh rỗi ngồi giải lao trò chuyện”.
Chị Nguyễn Thị Thu, 37 tuổi, ở huyện Kiến An, TP Hải Phòng cho biết, gia đình chị hôm nay có 04 thành viên lên đây chơi, chụp ảnh. Cả nhà phải thức dậy từ lúc 05 giờ sáng để đi lên Lãng Sơn cho kịp đón ánh nắng, chụp cảnh hoa Gạo bình minh. Chị Thu kể, đã đi nhiều nơi chụp ảnh hoa Gạo, nhưng có lẽ, cây gạo cổ thụ này đẹp nhất miền Bắc mà chị cảm nhận.
Em Dương Ngô Huyền Trang ở Thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) tâm sự, năm nào em cũng đến đây chiêm ngưỡng hoa Gạo và chụp ảnh. Em thích nhất phong cảnh cây Gạo mọc cạnh ngôi miếu, bên bờ dòng sông Thương nên phong cảnh không đơn độc như những cây gạo mọc lẻ cô đơn ở những nơi khác.
Ông Tạ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn thông tin: “Năm 2020, UBND xã đã xây dựng: Đề án phát triển du lịch gắn với miếu Bà Cô, xã Lãng Sơn giai đoạn 2020-2022 và những năm tiếp theo; đồng thời ngày 23/02/2021, Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận cây gạo cạnh miếu Bà Cô, thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - Văn hóa”.
Cây Gạo này có chiều cao khoảng gần 28m, đường kính thân 2,5m, đường kính tán lá rộng tới gần 120m; Cùng với đó, ngày 06/11/2021, UBND huyện Yên Dũng đã đầu tư và khởi công trình đường đê bối bê tông dài 2,6km, chạy dọc trên mặt bờ đê sông Thương, địa phận thôn Tân Mỹ (nơi có cây Gạo cổ thụ và ngôi miếu Bà Cô). Với tổng kinh phí 9,6 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022, nó phát huy tác dụng bảo vệ, giữ đê và giao thông đi lại thuận tiện cho du khách thăm quan”.
Chị Thu Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zing New chia sẻ: “Tôi đã đi rất nhiều nơi có phong cảnh hoa Gạo đẹp, ví như suối Yến ở Chùa Hương, các vùng phía Tây Bắc… Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của cây Gạo song sinh ở Bắc Giang. Nó là cây Gạo cổ thụ đẹp bên dòng sông Thương, gắn liền với di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế từ cuối thế kỳ XIX, đầu thế kỷ XX, giá trị lịch sử của nó cần bảo tồn gìn giữ và trân trọng”.
“Tôi đã nhiều lần đến đây, chụp ảnh dã ngoại theo yêu cầu của khách hàng, rất nhiều người ấn tượng vẻ đẹp của cây Gạo cổ này. Mong sao mùa hoa năm nay sẽ kéo dài lâu tàn để nhiều người được đến đây check-in thỏa mái!” - Nhiếp ảnh gia Hoàng Huy, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự.
Chị Nguyễn Tuyết Mai, ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vui vẻ nói: “Tháng 3 sang năm, chúng tôi lại tiếp tục đến Lãng Sơn lần nữa chụp ảnh với hoa gạo, phong cảnh ở đây đẹp tuyệt vời, cây Gạo ngay sát bờ sông Thương rất thơ mộng. Chúng tôi sẽ rủ nhau tổ chức đi theo Tour, tới Lãng Sơn chụp ảnh buổi sớm đón ánh nắng bình minh, sau đó đi thăm Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng); suối Mỡ (Lục Nam) và Khu du lịch tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động)”./.