Mô hình kiến trúc trạm chờ xe Bus - Thành phố Huế
Phương tiện giao thông đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đời sống hàng ngày của người dân.
Đặt vấn đề
Phương tiện giao thông đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đời sống hàng ngày của người dân. Các phương tiện giao thông công cộng (GTCC), điển hình là xe bus đã góp phần trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của người dân. Đối với các TP, đô thị phát triển thì nhu cầu xe bus càng quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, giảm khí thải ô nhiễm môi trường, góp phần trong sự phát triển văn minh đô thị.
Trong những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Huế ngày một tăng trong khi việc sử dụng hệ thống GTCC vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự phát triển đô thị thì hệ thống GTCC, trong đó có xe bus sẽ là một thành phần không thể thiếu trong tương lai. Ở TP Huế, việc sử dụng phương tiện xe bus vẫn còn hạn chế do một số nguyên nhân như thói quen của người dân, mức độ tiện nghi của hệ thống xe bus, hình thức trạm chờ xe bus, hệ thống phân bố tuyến xe bus,… [4]. Bài viết này tập trung vào phân tích thực trạng và đề xuất mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus, qua đó góp phần vào sự phát triển tiện ích công cộng cho TP Huế.
Nhóm tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp khảo sát thực địa nhằm tìm hiểu thực trạng hệ thống xe bus trên TP Huế, đồng thời phỏng vấn cộng đồng về tình hình, tần suất sử dụng xe bus và quan điểm về mô hình trạm chờ xe bus. Từ đó, nhóm đề xuất mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus tại một số địa điểm cụ thể trong TP Huế.
Thực trạng trạm chờ xe bus tại TP Huế
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 tuyến xe bus chính, đó là (1) Tuyến bến xe phía Nam – Bến xe phía Bắc; (2) Tuyến bến xe phía Bắc – KCN Phú Bài; (3) Tuyến bến xe phía Nam – Vinh Thanh; (4) Tuyến bến xe phía Nam – TT Phong Điền; (5) Tuyến bến xe thị trấn phong Điền – Ủy ban xã Phong Hòa; và (6) Tuyến bến xe phía Bắc- Bến xe phía Nam. Trong phạm vi từ bến xe phía Bắc đến bến xe phía Nam có khoảng 29 trạm chờ trên các tuyến đường.
Các trạm chờ xe bus có thể chia làm 2 loại chủ yếu dựa vào quy mô kích thước. Loại 1 có kích thước mái 10m x 2,7m, cao 2,7m (hình 2 và 3) và loại 2 có kích thước mái 5,26m x 2,78m, cao 2,7m. Nhìn chung hình thức kiến trúc các trạm chờ xe bus hiện tại nhẹ nhàng, đơn giản và tiện dụng. Vật liệu chủ yếu bằng khung thép, mái và vách kính, ghế ngồi bằng khung inox. Công năng trạm chờ ngoài vị trí ghế ngồi cho người chờ thì còn có vách kính phía sau có thể sử dụng để treo các quảng cáo, sơ đồ tuyến xe bus. Bên cạnh đó, trên mặt bằng có đánh dấu vị trí dành cho người tàn tật khi ngồi chờ xe bus.
Nhìn chung, các trạm chờ hiện hữu trên địa bàn TP Huế chủ yếu được sử dụng với mục đích cơ bản là ngồi chờ đón xe bus và có thể là dùng quảng cáo một số thông tin. Nhiều trạm chưa có tính thích dụng khi vị trí ngồi không phù hợp và người dân phải chèn thêm thanh gỗ để thuận tiện khi ngồi. Bên cạnh đó, các trạm chờ xe bus hiện tại tương đối nhếch nhác và bị lạm dụng gây mất mỹ quan đô thị. Vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và số lượng người dân tham gia phương tiện xe bus công cộng [6]. Nhiều trạm chờ bị dán các áp phích, giấy quảng cáo nham nhở, trong khi một số trạm chờ xe bus khác bị người dân xâm lấn làm nơi buôn bán, để đồ đạc…
Qua khảo sát phỏng vấn 110 người dân, khách chờ xe bus tại TP Huế, 36% người được phỏng vấn cho rằng hình thức trạm chờ xe bus chưa đẹp và bố trí công năng không hợp lý (hình 8). Một số ý kiến khác cho rằng trạm chờ thiếu các thông tin cần thiết liên quan đến tuyến xe bus, nhà vệ sinh… Quan điểm của các người dân, các trạm chờ xe bus cần tích hợp nhiều chức năng khác nhau như thông tin tuyến xe, biển quảng cáo, vệ sinh công cộng…
Về hình thức kiến trúc, 68% người được phỏng vấn muốn mô hình trạm chờ có phong cách hiện đại, trong khi phong cách kiến trúc truyền thống được đề xuất bởi 16% người dân.
Đối với các tiện ích cần tích hợp ở trạm chờ xe bus, 48% người dân mong muốn tích hợp màn hình kỹ thuật số, 27% mong có nhà vệ sinh, 15% muốn có tủ sách mở, và 10% muốn có máy bán nước tự động. Liên quan đến vật liệu, đa số người được phỏng vấn thiên về vật liệu hiện đại như thép, kính với gam màu sáng.
Đề xuất mô hình trạm chờ xe bus
Nhìn chung, trạm chờ xe bus được xây dựng hay lắp đặt cần dựa theo các điều khoản quy định tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT và Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ([1], [2] và [3]). Theo đó, các trạm chờ xe bus được xây dựng trong đô thị đới với bề rộng hè đường từ 5m trở lên, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan và thuận lợi đi lại của nhân dân. Các quy định về điểm đầu, điểm cuối, vị trí, phạm vi lộ giới cũng được quy định rõ ràng ở các văn bản nói trên.
Trên thế giới, hình thức kiến trúc trạm chờ xe bus rất đa dạng và tùy thuộc đặc trưng văn hóa địa phương. Trạm xe bus hình cassette ở Hàn Quốc là một ví dụ khi lấy ý tưởng hình cassette là hình tượng thân thuộc một thời trong đời sống người dân Hàn Quốc để lưu giữ nét văn hóa xưa. Trạm chờ xe bus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ lấy ý tưởng thư viện sách để tạo thư viện mở cho người dân nâng cao văn hóa đọc trong lúc chờ xe bus. Một số trạm chờ xe bus ở Nhật Bản tích hợp vệ sinh công cộng trong khi ở Dubai, nhiều trạm chờ xe bus có điều hòa để giúp người dân tránh thời tiết nắng nóng địa phương trong thời gian chờ. Ở Anh Quốc, trạm chờ xe bus xanh tại TP Cornwall được thiết kế hòa lẫn với cảnh quan, cây xanh tạo nên sự lãng mạn, ấm cúng cho người dân khi chờ xe bus. Trong khi đó, trạm xe bus hình trái cây ở Nagasaki, Nhật Bản như là hình tượng dễ thương, đại diện cho địa phương là nơi nổi tiếng trồng những loại hoa quả ngon ngọt.
Trên cơ sở kết quả phỏng vấn người dân và tham khảo các mô hình trạm chờ xe bus trong nước và trên thế giới, nhóm tác giả đề xuất mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus tại TP Huế với các tiêu chí như sau:
- Kiến trúc và quy mô cần phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành;
- Hình thức kiến trúc trạm chờ xe bus phù hợp với bản sắc văn hóa người Huế, phù hợp với đặc trưng khí hậu địa phương;
- Công năng trạm chờ, ngoài chức năng cơ bản thì có sự tích hợp các tiện ích công cộng khác. Việc tích hợp này cũng đã được một số đề tài trước đây nghiên cứu và kiến nghị như tích hợp ATM, vệ sinh công cộng… [5].
Đối với Huế, sông Hương đóng vai trò chia TP thành 2 khu vực Nam và Bắc. Bờ Bắc với những công trình thấp tầng, kiến trúc truyền thống, trong khi bờ Nam với các công trình hiện đại, cao tầng. Chính vì vậy, nhóm tác giả đề xuất 2 mô hình trạm chờ xe bus: Mô hình truyền thống áp dụng cho khu vực bờ Bắc sông Hương và mô hình hiện đại áp dụng cho khu vực bờ Nam sông Hương.
Mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus áp dụng cho khu vực bờ Bắc sông Hương
Đối với khu vực Bắc sông Hương, vật liệu khung trạm chờ xe bus là gỗ, mái ngói liệt hoặc âm dương. Liên kết đỡ mái được sử dụng hình thức giao nguyên trụ đội. Về công năng, mô hình chia làm 2 mô đun tùy vào từ vị trí cụ thể. Với điểm chờ nhỏ, chỉ cần bố trí trạm chờ với chức năng cơ bản là ngồi chờ, tích hợp giá để sách báo và bảng thông tin quảng cáo (mô đun 1TT trạm chờ). Đối với những điểm chờ lớn, khu vực đông dân thì có thể lắp dựng thêm mô đun với máy ATM và máy bán nước tự động (mô đun 2TT tiện ích). Một số vị trí có thể thay 2 máy trên bằng vệ sinh công cộng với cửa ở phía sau và phía trước có thể lắp màn hình kỹ thuật số thông minh, giúp người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin các tuyến xe bus trong TP.
Mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus áp dụng cho khu vực bờ Nam sông Hương
Đối với khu vực Nam sông Hương, vật liệu khung trạm chờ xe bus là thép, mái kính, gam màu sáng. Về công năng, mô hình chia làm 2 mô đun tương tự như ở bờ Bắc.
Kết luận
Với định hướng xây dựng TP Huế trực thuộc Trung ương, TP Văn hóa, Du lịch, Festival, phát triển hệ thống GTCC trong đó có trạm chờ xe bus là điều cần thiết. Qua khảo sát phỏng vấn 110 người dân và tham khảo các mô hình trạm chờ xe bus trên thế giới, 2 mẫu mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus áp dụng cho TP Huế được đề xuất với tiêu chí phù hợp với văn hóa, bản sắc Huế, kiến trúc địa phương và phù hợp với điều kiện cụ thể của 2 khu vực bờ Bắc và bờ Nam sông Hương. Các mô hình kiến trúc này góp phần nhỏ trong bộ dữ liệu về mô hình kiến trúc trạm chờ xe bus, giúp các nhà thiết kế, nhà quản lý tham khảo và áp dụng.
Nguyễn Ngọc Tùng(1)
Nguyễn Hoàng Nhật Quyên(2), Trương Văn Dương(2),
Thái Trần Nhật Minh(2)
(1)Giảng viên, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
(2)Sinh viên, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Giao thông Vận tải (2013), Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6/8/2013 của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
[2] Bộ Giao thông Vận tải (2020), Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải về việc Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
[3] Bộ Giao thông Vận tải (2014), Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
[4] Đặng Hoàng Duy (2017) – “Nghiên cứu phát triển mạng lưới GTCC bằng xe bus thường trong khu vực TP Huế” – Mã số 60.58.02.05. Luận văn thạc sĩ ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Trường ĐH Bách Khoa.
[5] Nguyễn Quốc Hoàng (2018), “Đề tài nghiên cứu thiết kế điển hình công trình tiện ích đô thị, không gian công cộng”. Viện Kiến trúc Quốc gia. Truy cập ngày 01/4/2024. Web: https://vienkientrucquocgia.gov.vn/thiet-ke-dien-hinh-cong-trinh-tien-ich-do-thi/.
[6] Hoàng Hùng, Trần Văn Hòa (2018), “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ xe bus tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 1 (51) -2018, tr. 3-11.
[7] Hà Giang Nguyễn (2017), “Những trạm xe bus ấn tượng và độc đáo nhất trên thế giới”. Trang thông tin điện tử tổng hợp GENK. Truy cập ngày 01/4/2024. Web: https://genk.vn/nhung-tram-xe-bus-an-tuong-va-doc-dao-nhat-tren-the-gioi-20170210114455276.chn.
Theo Tạp chí Kiến trúc