Thứ năm, 18/04/2024 12:25 (GMT+7)

Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia

TS.Đồng Xuân Thụ -  Thứ hai, 02/04/2018 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khuôn khổ của lễ khai hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã trao quyết định công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia.

Ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức khai hội truyền thống chùa Bổ Đà năm 2018, đồng thời đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mộc bản tại chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia.

Sau khi các đại biểu tổ chức lễ dâng hương tại chùa, ông Lê Ô Pích, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên đã đánh trống khai hội.

Lễ hội chùa Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia diễn ra từ ngày 15 tới ngày 18 tháng 2 Âm lịch.

Trong khuôn khổ của lễ khai hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã trao quyết định công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia.

Chùa Bổ Đà là một ngôi cổ tự có lịch sử từ rất lâu đời và được mở mang phát triển mạnh ở thế kỷ XVII-XVIII với các hạng mục công trình như: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao (chùa Quán Âm, chùa Bổ Đà, chùa Ông Bổ), khu Vườn Tháp, nàh Tổ, nhà khách….

Chùa Bổ Đà hiện nay tọa lạc dưới chân núi Bổ Đà, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn của huyện tỉnh Bắc Giang, một chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở thời Lê Trung Hưng, nơi khắc in và lưu trữ nguồn thư tịch cổ Việt Nam khá phong phú qua các triều đại phong kiến. Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do các vị sư phái Lâm Tế tổ chức san khắc ở thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và nhiều đời cao tăng sau này. Tiêu biểu như các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy…

Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ , điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, nó góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận Phật giáo.

Với những giá trị cơ bản về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cho thấy, kho mộc bản chùa Bổ Đà là bảo vật quý hiếm của quốc gia Việt Nam. Tổng tập “mộc bản kinh, sách Hán Nôm” này chính là những tác phẩm lớn chứa đựng nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Lâm Tế, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hoá giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam.

Việc công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Việt Yên nói riêng.

Du khách đến chùa có thể chiêm ngưỡng các bộ mộc bản cổ kính và tận tay thực nghiệm việc in ấn mộc bản bằng các bản sao. Nếu thành công, đây sẽ là hoạt động thú vị, ý nghĩa mà không làm ảnh hưởng tới bảo vật quốc gia./.

Bạn đang đọc bài viết Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.