Thứ sáu, 29/03/2024 21:06 (GMT+7)

'Mời Bộ trưởng ra ngã tư xem vi phạm giao thông'

Na Vũ -  Thứ hai, 04/06/2018 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Chỉ khoảng 20% trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý, còn lại được bỏ qua hoặc chung chi", Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Điểm nóng BOT

Tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời các vấn đề thuộc ngành giao thông, có 36 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Điểm nóng dư luận vẫn xoay quanh các vấn đề liên quan đến các trạm BOT.

Trong 5 phút báo cáo về vấn đề chung của ngành đang được dư luận quan tâm, Bộ trưởng Thể cho rằng để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay ta đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT, là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao. Việc thực hiện triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác các dự án BOT còn bất cập và được xã hội quan tâm.

Đồng thời, Bộ GTVT cùng nhiều Bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, đã chỉ đạo rà soát và trình Chính phủ thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng tên mới phù hợp yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng làm rõ chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả KTNN công bố? Việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng, nâng cấp đường QL 1 sắp tới sẽ khắc phục thế nào? 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ làm rõ sự chênh lệch giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng bộ GTVT cũng khẳng định, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.

Thời gian qua, với 56 trạm BOT thì Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai. Việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.

Số liệu của Kiểm toán nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GTVT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán nhà nước. Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, chúng tôi rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2- 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng.

Cũng liên quan đến sự minh bạch tại các trạm BOT theo chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) Bộ trưởng Thể cho biết, “Thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn. Thủ tướng đã ban hành quyết định 07, trong đó nêu rõ đến cuối 2018, toàn bộ dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành thu phí tự động, toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường còn lại phải hoàn thành cuối năm 2019”.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, hiện nay việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai minh bạch, đảm bảo giám sát nguồn thu tốt nhất nên đang được triển khai quyết liệt để hoàn thành kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ Tướng.

Bên cạnh những vấn đề chính sách liên quan đến BOT, các ĐBQH cũng mang tới tâm tư của cử tri ở các điểm BOT cụ thể khiến vấn đề tiếp tục gây nóng nghị trường. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải nhắc nhở rằng các đại biểu nên quan tâm thêm đến các vấn đề khác vì đang tập trung quá nhiều về BOT. 

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 4/6

“Mời Bộ trưởng ra ngã tư xem vi phạm giao thông”

Ở phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lên vấn đề về công tác kiểm soát an toàn giao thông, theo đó đại biểu Cương cho rằng cần thiết phải xem xứt vai trò của lực lượng kiểm soát giao thông như CSGT, Thanh tra Giao thông.. Cụ thể, đại biểu cho rằng công tác xử lý chưa được triệt để dù tình trạng vi phạm vẫn diễn ra vô cùng nhiều, chỉ 20% bị xử phạt, còn lại là bỏ qua và chung chi. 

Sự việc cụ thể được đại biểu Cương đưa ra là vụ cây “quái thú” khiến dư luận bức xúc trong thời gian trước đó. Đại biểu Cương cho rằng có tình trạng lãnh đạo lực lượng CSGT chỉ đạo cán bộ bỏ qua, nhưng khi sự việc bị phát hiện thì phủi bỏ, để cấp dưới chịu trách nhiệm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận mức độ vi phạm đúng là đang phổ biến trên các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, tỉ lệ 15-20% là không thể xác định được. “Con số thống kê có thể là dựa vào dư luận và báo chí phản ánh. Bộ cùng Ủy ban tiếp thu, chỉ đạo quyết liệt để lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử lý”, Bộ Trưởng bộ GTVT nói.

Sau khi nghe câu trả lời này của Bộ Trưởng Thể, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị được mời bộ trưởng Thể đứng tại 1 ngã 4 để xem thực trạng vi phạm luật giao thông và con số 15-20% là có đúng hay không. 

Trả lời đề nghị theo dõi thực tế của đại biểu, Bộ trưởng Thể nói “Bản thân tôi cũng thấy rồi, vi phạm ở thành phố lớn còn rất phức tạp, lực lượng chức năng cũng bỏ qua và không xử lý. Tôi cho rằng khi mà lưu lượng giao thông lớn lại không phù hợp để xử lý, tôi không đồng tình với việc bỏ qua. Cảm ơn đại biểu đã mời tôi ra thực tế, nhưng tôi cũng thấy rồi”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Ùn tắc kéo dài do quy hoạch đô thị

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại nêu ra vấn đề tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài gây thiệt hại về đời sống xã hội, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra như hạn chế nhà cao tầng, triển khai hạ tầng... Đại biểu Cường cho rằng đã có sự thiếu rõ ràng, thiếu phân công trong giải quyết thực trạng nhức nhối kéo dài nêu trên.

Bộ trưởng bộ GTVT cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, có lưu lượng người tham gia giao thông lớn. “Các đô thị lớn của chúng ta tồn tại hàng trăm năm, đã điều chỉnh rất nhiều lần nhưng không thay đổi được. Một số đường đô thị là bình thường nhưng do phát triển nên đã nhỏ hẹp”, bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời. 

Cũng theo Bộ trưởng Thể, mặc dù đã rất rất quyết tâm, đã có nhiều cơ quan chuyên ngành như UBATGT Quốc gia nhưng vẫn không hiệu quả. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành và có các lộ trình quy hoạch cụ thể, hợp lý hơn ở các thành phố lớn để có căn cơ giảm ùn tắc giao thông.

11h30 Quốc hội nghỉ buổi sáng, chiều nay (6/4) Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nội dung chất vấn, trả lời chất vấn là một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp Quốc hội, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung và chất vấn nói riêng có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt trong điều hành của Chính phủ và địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển KT-XH, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần này Quốc hội đã chọn ra 4 nhóm vấn đề chính để chất vấn.

Thứ nhất là Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Thứ hai là Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba là Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Cuối cùng là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Gắn với 4 nhóm vấn đề trên là 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Ngoài ra, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan nếu cần thiết sẽ cùng trả lời và giải trình thêm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những nhóm vấn đề được cử tri cả nước quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu mỗi ĐBQH nêu câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung, bảo đảm đúng thời gian quy định. Bộ trưởng trả lời đi thẳng vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục và lộ trình thực hiện.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai thực hiện; các cơ quan Quốc hội và nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa.

Bạn đang đọc bài viết 'Mời Bộ trưởng ra ngã tư xem vi phạm giao thông'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới