Thứ năm, 25/04/2024 12:13 (GMT+7)

Mọi chỉ số vĩ mô công bố đều tốt mà sao các ngân hàng ngoại quốc lại bỏ đi?

MTĐT -  Thứ hai, 10/07/2017 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay.

Được biết, CBA Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB.

Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB. Như vậy, sau gần chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CBA đã bắt đầu có động thái chuyển giao.

Theo một số chuyên gia, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng. Sau khi hoàn tất việc chuyển giao, các khách hàng của CBA - chi nhánh TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được VIB phục vụ thông qua 160 chi nhánh và phòng giao dịch VIB, hơn 400 ATM của VIB và 17.000 ATM của các ngân hàng nội địa trên toàn quốc. CBA sẽ vẫn duy trì văn phòng đại diện tại Hà Nội (được thành lập năm 1994) đóng vai trò làm cầu nối với các cơ quan chức năng của chính phủ, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp tại Việt Nam.

ANZ cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam. Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu AUD dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu AUD dư nợ tiền gửi.

Ngân hàng này cho hay khoản chênh lệch thương mại của thương vụ này so với giá trị sổ sách là không đáng kể. Phụ thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, ANZ dự kiến cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh quốc tế ANZ, cho biết: “Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, nơi mà chúng tôi là một trong bốn ngân hàng hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ thương mại và vốn tại khu vực này”. “Ngành ngân hàng Việt Nam trước đây từng là một địa chỉ hấp dẫn.

Cách đây hơn 20 năm khi tôi mới về Việt Nam, có một làn sóng ngân hàng nước ngoài đổ về Việt Nam hoạt động dưới hình thức các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các văn phòng đại diện, sau đó thì có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được mở.

Nhưng khoảng hơn 5 năm trở lại đây đã có hiện tượng ngân hàng nước ngoài dần dần rút vốn đầu tư khỏi các ngân hàng trong nước, nhường lại cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn quốc, Singapore, Nhật Bản.

Có lẽ các ngân hàng phương Tây đang dần thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam có quá nhiều rủi ro và không tạo lợi nhuận trong khi có rất nhiều thị trường béo bở khác thu hút dòng vốn của họ”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đến, ở rồi lại rút lui khỏi một thị trường âu cũng là lẽ thường tình trong “thế giới phẳng” ngày nay. Nhưng để cho một loạt tên tuổi lớn trong ngành tài chính thế giới lần lượt rời bỏ thị trường, thật ra cũng chẳng phải là điều gì hay...

Thảo Vy

Bạn đang đọc bài viết Mọi chỉ số vĩ mô công bố đều tốt mà sao các ngân hàng ngoại quốc lại bỏ đi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới