Thứ ba, 23/04/2024 15:32 (GMT+7)

Mối lo xử lý nước thải tại các khu công nghiệp Thái Bình

MTĐT -  Thứ ba, 05/01/2016 08:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Thái Bình có 136/154 dự án đi vào hoạt động SXKD tại 6 KCN trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường còn đáng lo ngại khi chỉ mới có 5 trạm xử lý nước thải tập trung cho 3 KCN.

50% khu công nghiệp "trắng" trạm xử lý nước thải

Thái Bình hiện có 6 khu công nghiệp, diện tích quy hoạch trên 980 ha. Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án được cấp mới, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh lên 154 với số vốn đăng ký trên 20.300 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 16.220 tỷ đồng (đạt 80% so với số vốn đăng ký).

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, tổng lượng nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp ước tính khoảng 11.870 m3/ngày đêm. Trong đó, 2 khu công nghiệp Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh nằm trong lòng thành phố, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống nhân dân.

Ông Khúc Văn Lượng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3/6 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 13.860 m3/ngày đêm. Trong đó khu công nghiệp Phúc Khánh có 3 trạm (1 trạm tập trung công suất 2.000 m3/ngày đêm, trạm xử lý của Công ty Nienhsing công suất 6.000 m3/ngày đêm và trạm xử lý của Công ty Shengfang công suất 800 m3/ngày đêm); trạm xử lý nước thải tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh công suất 4.560 m3/ngày đêm và trạm xử lý nước thải tại khu công nghiệp Gia Lễ công suất 500 m3/ngày đêm. Các công trình này đều vận hành ổn định, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường và đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

Còn trong số 3 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu công nghiệp Cầu Nghìn và khu công nghiệp Sông Trà có số dự án đầu tư thứ cấp ít (khu công nghiệp Cầu Nghìn có 4 dự án, khu công nghiệp Sông Trà có 5 dự án đang hoạt động). Hầu hết các cơ sở này đã tự xây dựng trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Riêng khu công nghiệp Tiền Hảichưa có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy chưa được xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Chủ yếu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này sản xuất vật liệu xây dựng nên nước thải thường có độ đục cao, hàm lượng cặn lắng lớn, ảnh hưởng tới một số đoạn mương và ruộng canh tác cạnh khu công nghiệp.

Về xử lý chất thải công nghiệp, đến nay tại Thái Bình mới có 1/6 khu công nghiệp là khu công nghiệp Tiền Hải có bãi xử lý chôn lấp. Phần lớn doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị tỉnh ngoài đến thu gom xử lý, một phần được chuyển đi xử lý cùng với rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, đến nay tỉnh vẫn chưa có đơn vị nào có đủ chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại nên các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; nhiều doanh nghiệp vẫn thu gom lưu trữ trong cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp chây ỳ

Để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, từ tháng 9/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản quy định chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí đầu tư và 100% lãi suất tiền vay trung hạn, dài hạn đối với 50% vốn đầu tư trong 2 năm đối với dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Song thực tế vẫn còn doanh nghiệp không “mặn mà” với hoạt động này. Đơn cử, trong 2 năm 2014 và 2015, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã nhiều lần có văn bản đôn đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp TBS Sông Trà và Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng đến nay dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Năm 2015, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra 35 dự án trong đó có 14 dự án chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Hiện, UBND tỉnh Thái Bình giao Trung tâm Dịch vụ khu công nghiệp (trực thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh) quản lý 4 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng bằng vốn ngân sách nhà nước; tự chủ 100% kinh phí hoạt động, nguồn thu từ tiền sử dụng hạ tầng và phí xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm này cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chây ỳ, không đóng phí hoặcchưa đấu nối, ký hợp đồng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mặc dù được các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở. Từ năm 2002 - 2015, tỉnh Thái Bình đã đầu tư trên 794 tỷ đồng cho hạ tầng cho 6 khu công nghiệp trên địa bàn, song việc thu phí sử dụng hạ tầng từ năm 2006 đến nay mới đạt trên 16 tỷ đồng.

Theo đề án quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến năm 2020, tỉnh Thái Bình sẽ có 9 khu công nghiệp với diện tích hơn 1.980 ha và 51 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.600 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng trên 9.580 tỷ đồng, trong đó tỉnh ưu tiên xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải tập trung. Với chính sách ưu đãi, khuyến khích của tỉnh, hy vọng việc xử lý nước thải, rác thải công nghiệp tại các khu công nghiệp ở Thái Bình sẽ sớm được khắc phục, nhằm hướng đến một nền sản xuất xanh, an toàn, thân thiện với môi trường.
Theo Thu Hoài
Tin Môi trường
Bạn đang đọc bài viết Mối lo xử lý nước thải tại các khu công nghiệp Thái Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới