Thứ sáu, 29/03/2024 21:57 (GMT+7)

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ hai, 19/12/2022 12:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là tỉnh tiên phong ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển điện gió ven biển, toàn bộ chiều dài 56 km bờ biển của Bạc Liêu hầu như đã phủ kín các dự án điện gió gần bờ.

Là tỉnh tiên phong ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển điện gió ven biển, toàn bộ chiều dài 56 km bờ biển của Bạc Liêu hầu như đã phủ kín các dự án điện gió gần bờ. Tuy nhiên thực tế cho thấy điện gió gần bờ không chỉ đang thu hẹp ngư trường của ngư dân đánh bắt gần bờ mà còn có nguy cơ tác động xấu tới hệ sinh thái ven bờ, sinh kế người dân phụ thuộc biển…

“Chúng tôi đang bị mất dần ngư trường”, chỉ tay về phía kênh Cái Cùng thông ra biển, nơi ghe tàu nằm dọc dài kênh ngay vào mùa đánh bắt, ngư dân Mai Thanh Bình (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) mệt mỏi nói. Cũng như nhiều ngư dân khác ở Vĩnh Thịnh, hai năm nay, tàu đánh bắt gần bờ của ông Bình có thời gian nằm bờ nhiều hơn đi khai thác.

Tác động xấu tới nguồn hải sản ven bờ

Theo các ngư dân, nghề đánh bắt gần bờ đã khó khăn hơn sau khi vùng biển Bạc Liêu trở thành nơi nhiều ghe tàu sử dụng các loại ngư cụ tận diệt thủy hải sản (như lưới lọp bát quái, ghe cào...) của các tỉnh bạn tụ về. Lý do là các địa phương đó đã bắt đầu nghiêm cấm các loại hình đánh bắt tận diệt trên biển.

Tình trạng này càng bi đát hơn sau khi hàng loạt cột điện gió gần bờ vươn mình ra biển. Theo ông Bình, trước đây bà con sống rất thoải mái, một năm ra biển đánh bắt được 6 tháng theo mùa, sáng ra biển chiều vô bờ cũng có thể được 1 - 3 triệu đồng. Còn bây giờ, thời gian được ra biển đánh bắt giảm một nửa, có người chỉ được 1 - 2 tháng/năm, có khi được 200 - 300 ngàn đồng, có khi lỗ tiền dầu.

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngư dân Vương Văn Quang ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, bên tàu đánh cá gần bờ của mình. Từ đầu năm tới nay ông mới chỉ ra biển được một tháng và không biết bao giờ tiếp tục được đi biển. Ảnh: Lê Quỳnh

Thực tế cho thấy ngư trường của nghề đánh bắt gần bờ không chỉ bị thu hẹp bởi điện gió gần bờ mà nó còn gây ra nhiều mối lo ngại đối với hệ sinh thái ven biển. Ông Huỳnh Chương, tổ trưởng tổ lưới nổi xã Vĩnh Thịnh cho biết nghề lưới của bà con ở Bạc Liêu đa số làm mắt lưới theo quy định của Nhà nước và là dạng lưới đi theo nước. Vì vậy khi ngư trường bị thu hẹp, họ gần như phải bỏ nghề.

Người dân nơi đây đánh bắt theo mùa, bắt đầu từ tháng 11 qua tháng Chạp âm lịch, và khoảng từ nửa đầu tháng 5 tới tháng 8 âm lịch. Qua mùa Tết, tức vào tháng 2, 3, 4 âm lịch, và mùa tháng 8, 9, 10 âm lịch, khi gió nam sắp chuyển qua gió chướng, gió đổi hướng nên biển êm sẽ là mùa cá vào mé bờ sinh đẻ. “Lúc này chúng tôi không đi đánh bắt nữa mà để cá sinh trưởng”, ông Chương nói.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, những ngư dân lâu nghề như ông Chương nói rằng ông lo lắng điện gió đã làm dòng chảy bị thay đổi khiến cá tôm không còn vào trong mé sinh sản. Bằng chứng là từ ngày có điện gió, bao gồm cả nguyên nhân từ lọp bát quái, ghe cào, nhiều loại hải sản ít hẳn đi, như loài mực nhỏ đã không còn thấy nữa.

Tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, khu vực điện gió gần bờ Bạc Liêu và rừng ngập mặn, là nơi sinh sống bao đời của bà con người Khmer. Bắt đầu vận hành từ tháng 5.2013, điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1, 2 là nhà máy điện gió ven biển đầu tiên của Việt Nam với quy mô 62 trụ turbine gió và tổng công suất 99,2 MW. Từ khi vận hành đến tháng 3.2020, cánh đồng điện gió này đã đóng góp cho mạng lưới điện quốc gia 1 tỷ kWh. Du lịch điện gió cũng theo đó mà ra đời, đón khoảng 200.000 lượt khách tham quan mỗi năm (số liệu năm 2019). Nhưng mưu sinh của những người dân Khmer đang phụ thuộc vào sinh kế ven biển lại bấp bênh hơn trước.

Ông Eng Đô, 53 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Biển Đông A nói rằng từ ngày có điện gió, con giống cá kèo nhỏ trong rừng ngập mặn ít dần đi. Phần lớn thu nhập của ông Đô là từ việc đi bắt cá kèo nhỏ hoặc trứng cá đem bán cho các trại ươm giống. Hồi chưa có điện gió, một ngày ông Đô có thể kiếm được 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Sau gần 10 năm, thu nhập đã giảm hơn một nửa. Ông Đô giải thích không phải vì dân bắt tận diệt mà do không còn nhiều cá như trước.

Trao đổi với Người Đô Thị, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái miền Nam, cho biết vùng ven biển Bạc Liêu là nơi có nguồn lợi rất trù phú của thiên nhiên, tập trung trứng cá bột của nhiều loài. Bà con nghèo sống ven biển thường vớt chúng đem bán cho những vùng ươm con giống. Đây là nguồn thu nhập khá cao của bà con người Khmer. Tuy nhiên lượng trứng và cá bột nay đã giảm nhiều, mà theo TS. Long, điện gió cũng là một trong những nguyên nhân.

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trang trại điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và 2 ở phường Nhà Mát và xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu nằm sát rừng ngập mặn. Dự án điện gió này đã vận hành được 10 năm. Ảnh: Chí Quốc

TS. Long giải thích, về mặt quy luật sinh thái và các tác động, khi xây công trình điện gió xuống dưới các vùng cát mềm/bờ mềm/vùng biển nông của ĐBSCL, chắc chắn nó sẽ thay đổi dòng chảy, thay đổi sự tích tụ phù sa và mùn/bùn. Sinh vật phù du thường đi theo dòng chảy nóng ấm nhiều hơn để lấy thức ăn từ bên trong bờ. Khi dòng chảy thay đổi, lượng phù du cũng ít đi, trứng cá bột, trứng các loài, con giống cũng bị giảm kéo theo lượng cá nhỏ giảm.

Thực tế này không chỉ đúng với Bạc Liêu. Theo TS. Long, sinh kế ven bờ, như nguồn trứng, cá bột, nghêu giống, cá kèo giống, động vật giáp xác nhỏ tôm, ghẹ, nhuyễn thể… là nguồn thu nhập lớn của người dân các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... Ở thềm ven biển ĐBSCL, bãi bồi di động kéo theo các nguồn thủy sinh trôi dạt theo phù sa của các con sông chảy ra. Cho nên các con giống sẽ xuất hiện ở mỗi tỉnh ven biển lần lượt theo từng mùa, không giống nhau. Bà con có kinh nghiệm theo đó mà mưu sinh, ăn theo con nước.

“Tuy nhiên vì điện gió gần bờ làm thay đổi quy luật tự nhiên ven bờ, làm độ mặn, dòng chảy thay đổi, nguồn giống các loài ven bờ, ven rừng ngập mặn giảm dần, hoặc không có nhiều tập trung nữa, nên nó không chỉ tác động rất lớn đến sinh kế cộng đồng ven bờ vốn đa số là người nghèo, mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn các loài thủy hải sản trên biển”, TS. Long nhận định.

Nguy cơ với rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng của vùng ven biển. Theo Ban quản lý Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có 4.560 ha rừng đặc dụng và phòng hộ đều nằm bên ngoài tuyến đê biển của tỉnh. Quy hoạch diện tích đất rừng Bạc Liêu đến năm 2030 là khoảng 7.500 ha, theo đó gần 3.000 ha rừng được bổ sung trong tương lai sẽ là diện tích bãi bồi ven biển cho việc trồng và phát triển rừng.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của ban quản lý rừng cho biết theo ghi nhận thực tế vài tháng gần đây đã có khu vực vốn trước đây bị lở, nay bắt đầu bồi lại sau khi có điện gió, như khu vực xã Điền Hải, huyện Đông Hải. Ông hy vọng đây là tín hiệu tốt cho khả năng có thể trồng thêm rừng ở khu vực này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhận định ban đầu, cần phải theo dõi khoảng 5 năm thì mới có thể thấy rõ rệt khả năng bãi bồi ổn định hay không.

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long

TS. Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng việc quan trắc sự ổn định của nền trầm tích ở khu vực điện gió là cần thiết trước khi đề xuất trồng rừng. Những bãi bồi có xu hướng ổn định tích cực thì có thể có những giải pháp trồng rừng phù hợp. Cái thiếu hiện nay là sự liên kết đa ngành, cần kết hợp quan trắc địa chất và khí tượng để có đầy đủ thông tin cho việc trồng rừng hiệu quả, đặc biệt trong thực tế có điện gió gần bờ hiện nay.

TS. Vũ Ngọc Long khuyến cáo, điện gió gần bờ có thể tạo bồi một khu vực, nhưng sẽ gây sạt lở khu vực khác theo quy luật tự nhiên (nếu có một chỗ bồi thì sẽ có chỗ khác bị lở). Cũng cần lưu ý chưa hẳn tình trạng bồi ven rừng ngập mặn là mãi mãi. TS. Long cho rằng điện gió không tạo bồi mãi được, nó chỉ làm thay đổi vào một khoảng thời gian nhưng thời gian sau lại mất, vì toàn bộ vùng ven Biển Đông, ĐBSCL đều là biển động, mềm (di chuyển, ngày nay có thể nổi, ngày sau chìm), không cố định.

Tình trạng sạt lở ở vùng Biển Đông của ĐBSCL hiện nay là một trong những nguy cơ rất nghiêm trọng trên toàn vùng. Bãi bồi mất đi, rừng ngập mặn cũng trôi ra biển, chúng ta mất đi cái áo choàng bảo hộ của thiên nhiên. “Chưa kể, điện gió gần bờ còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các loài chim di cư vì vùng ven biển của ĐBSCL cũng là bãi chim di cư về kiếm ăn nhiều”, TS. Long nói.

Có nên phát triển điện gió gần bờ?

Mạnh dạn từ chối xây dựng cụm nhà máy nhiệt điện than tại Cái Cùng (huyện Đông Hải) với tổng quy mô công suất lên đến 3.600 MW theo Quy hoạch Điện 7 trước đây, Bạc Liêu chọn hướng phát triển thành trung tâm năng lượng sạch, ưu tiên ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Hiện toàn bộ chiều dài bờ biển 56km của Bạc Liêu hầu như đã phủ kín các dự án điện gió gần bờ.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, Bạc Liêu đã lắp đặt được 100 trụ turbine điện gió cả trên biển lẫn đất liền, với tổng công suất 370 MW hòa vào lưới điện quốc gia, gần gấp đôi số trụ turbine và gấp hơn 3 lần công suất điện gió của 10 năm trước cộng lại.

Thông tin từ Sở Công thương Bạc Liêu cho thấy tỉnh hiện có 8 dự án điện gió gần bờ trong tổng 10 dự án điện gió đã và đang được đầu tư toàn tỉnh, chiếm 82% tổng công suất điện gió toàn tỉnh (540,2 MW/660,2 MW). Trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án đang được xây dựng.

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Khai phá vùng bãi bồi ven biển tạo ra năng lượng tái tạo. Nhưng thực tế cho thấy điện gió gần bờ đang có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái và sinh kế ven bờ, vùng biển gần bờ.

Trao đổi với Người Đô Thị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu, đơn vị thời gian qua đã phê duyệt các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh thừa nhận “không lường và chưa đánh giá hết được tác động của điện gió gần bờ tới hệ sinh thái khu vực làm dự án và những khu vực, vấn đề liên quan”. Vị này cho biết, trước đây khi tham khảo các chuyên gia, các đơn vị cấp trên, điện gió còn mới quá, chưa có nhiều nghiên cứu sâu về những tác động của điện gió tới hệ sinh thái.

Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết chủ trương của tỉnh hiện nay là không cấp phép thêm tàu đánh bắt gần bờ và giảm dần đánh bắt gần bờ. Sở đang nghiên cứu đề xuất các phương án chuyển đổi nghề cho những hộ dân đánh bắt ven bờ, điều này cũng nhằm tránh tận diệt nguồn lợi thủy sản do việc khai thác thiếu bền vững. Tuy nhiên, theo ông Phong, nguồn lực của tỉnh đang khó khăn nên không biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương này. Số liệu từ Sở cho thấy có tới gần 60% tàu đánh bắt của tỉnh là đánh bắt gần bờ. Có nghĩa tỷ lệ cao sinh kế của người dân đánh bắt của địa phương sẽ phải chịu tác động bởi điện gió.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã sớm thiết lập một danh sách các dự án điện gió gần bờ, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, phía nam TP.HCM. Những dự án này được coi là bước đệm giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Tuy nhiên Báo cáo “Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 6.2021 khuyến cáo việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ có nguy cơ cao gây ra các tác động xấu đến môi trường và xã hội. Một số lý do bao gồm: sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; các khu vực này gần với môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển; tác động tiềm tàng đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là với sinh kế của những người đánh bắt tận thu.

“Tốt nhất không làm điện gió ven bờ. Phải tránh những dòng chảy, đặc biệt là phải tránh xa các vùng cửa sông vì cản trở dòng chảy từ phía trong ra, đó là sự giao lưu của đất liền với biển. Thay vào đó là làm điện gió ngoài khơi”, TS. Vũ Ngọc Long đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Xuân Huy, chuyên gia năng lượng, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung nên tập trung phát triển điện gió ngoài khơi sẽ hữu dụng hơn vì giảm thiểu được độ ồn và tần số rung tác động đến thói quen sinh trưởng của động, thực vật. Ưu điểm của các trang trại điện gió ngoài khơi là tốc độ gió lớn, không gian sẵn có, ít tác động đến môi trường sinh thái và nhất là tránh các xung đột lợi ích với các cộng đồng dân cư ven biển và các chủ thể sử dụng biển hiện tại, chẳng hạn như lĩnh vực quân sự, vận tải biển, đánh cá và du lịch biển đảo. Ngoài ra, các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ là tấm lá chắn an ninh quốc phòng cho phía trong vùng biển Việt Nam.

Tại hội thảo điện gió ngoài khơi Việt Nam do Viện Năng lượng và Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu tổ chức vào tháng 6 năm nay, ông Bernard Casey, Giám đốc điều hành APAC cho biết ông lo ngại việc lắp đặt nhiều dự án điện gió (gần bờ - PV) ở ĐBSCL với khoảng cách quá gần như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến công suất dự án. Sẽ có những dự án bị nhận ít năng lượng hơn so với thiết kế. “Ở Anh, chúng tôi đã xây dựng những dự án cách nhau ít nhất 50 km. Đây là bài học quy hoạch quan trọng”, ông Bernard nói.

PGS-TS. Nguyễn Xuân Huy cho rằng việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình cụ thể để chuyển đổi một cách hợp lý và hài hòa nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

_____________

(Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews)

Thận trọng trong định hướng phát triển của địa phương

Trong năm 2020 và 2021, ngành năng lượng ở ĐBSCL nổi lên như một điểm sáng, tuy chiếm chưa tới 10% số dự án, song lại tiếp nhận tới hơn 60% tổng vốn FDI toàn vùng. Song, trong công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 mới đây, TS. Vũ Thành Tự Anh cảnh báo nếu tỉnh nào cũng định hướng là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng như hiện nay thì sẽ thất bại. Các địa phương cần “duy lý” với các kế hoạch và dự án phát triển năng lượng, không nên chạy theo thành tích thu hút FDI, không chạy theo dự án viển vông, tạo bánh vẽ ngân sách tỉnh…

Uyên Lam

___________________

Điện gió ngoài khơi: còn nhiều việc phải làm

Theo dự thảo Quy hoạch Điện 8, sẽ có khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi được ưu tiên phát triển đến năm 2030, trong đó có khoảng 4.000 MW ở vịnh Bắc bộ và khoảng 3.000 MW dọc trên thềm lục địa phía Nam.

Báo cáo “Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” của WB công bố tháng 6.2021 cho rằng hệ quả của việc tăng trưởng cao hơn là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội cao hơn. Điều này càng đặt ra tầm quan trọng lớn hơn đối với nhu cầu xây dựng quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường trước khi ban hành hợp đồng thuê biển. Chính phủ cần phát triển một quy hoạch không gian biển toàn diện và có nguồn tài nguyên tốt cho điện gió ngoài khơi để định hướng đầu tư. Quy hoạch không gian biển sẽ phải cân nhắc đầy đủ các vấn đề về môi trường, xã hội và cần thu hút sự tham gia của những đối tượng sử dụng biển khác.

Theo nhiều chuyên gia, dự án điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn, chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với điện gió trên bờ và gần bờ, vì thế cần có nguồn tài chính quốc tế lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay chỉ có 3 dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam được chính thức cấp phép: (1) Trang trại điện gió ngoài khơi Kê Gà (Bình Thuận) của Enterprize Energy (Anh) với quy mô 3.400 MW, tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD; (2) Trang trại điện gió ngoài khơi Mainstream - Phú Cường (Sóc Trăng) với quy mô 1.400 MW, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD; (3) Trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) của Liên doanh Asia Petro (Việt Nam), Novasia (Pháp) và COP (Đan Mạch) với quy mô công suất 3.500 GW, vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỷ USD. Trong đó, 2 dự án Kê Gà và Phú Cường được cho phép lắp đặt phao nổi FLIDAR để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…) tại khu vực khảo sát vào giữa năm 2021. Các công tác khảo sát địa chất - địa chấn đáy biển cũng đang được tiến hành song song.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới cuối tháng 8 năm nay đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước (65,5%). Ngoài ra có 19 đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển đã được Bộ đưa ra lấy ý kiến, với tổng công suất đề xuất là hơn 100 GW và tổng diện tích khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km2.

Theo thống kê từ các địa phương, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi 100% của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh…

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Mối nguy tiềm ẩn của điện gió gần bờ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lê Quỳnh/nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới