Thứ năm, 28/03/2024 21:25 (GMT+7)

7 tỷ người trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí bị ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 19/04/2018 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo một nghiên cứu mới công bố, có khoảng 7 tỷ người, tương đương với 95% dân số thế giới đang phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Không chỉ vậy, có tới 60% dân số toàn cầu đang sống ở các khu vực không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cơ bản về chất lượng không khí.

Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo tình trạng Không khí toàn cầu năm 2018. Đây là bản đánh giá tác động hàng năm của Viện nghiên cứu Tác động Sức khỏe HEI có trụ sở tại Mỹ công bố hôm 17/4.

Trước đó, trong báo cáo mới nhất từ tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết, ô nhiễm môi trường đã tước đi sinh mạng của hơn 6,1 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.

Ô nhiễm không khí tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đang bị báo động. 

“Tình trạng không khí đã được cải thiện ở một số nước, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều thách thức”, ông Bob O'Keefe, phó chủ tịch viện HEI, nói. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, độc lập với chính phủ và có chuyên môn trong việc nghiên cứu các tác động của không khí ô nhiễm đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí là sự kết hợp của rất nhiều chất khí độc hại mà con người đang phải hít thở hàng ngày, với những cái tên không thể không kể đến như sulfat, nitrat, amoniac, natri clorua, muội than và bụi khoáng.

CNN dẫn báo cáo của viện trên cho hay, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hai nước ghi nhận số ca tử vong do ô nhiễm không khí nhiều nhất, chiếm tới 1/2 số ca trên toàn cầu. Riêng tại Trung Quốc đã ghi nhận 1,1 triệu người chết vi ô nhiễm không khí trong năm 2016.

Tuy nhiên trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực "xanh hóa" nền công nghiệp và tìm hướng đi mới, bớt phụ thuộc vào than đá và nhiên liệu hóa thạch. Ở chiều ngược lại, các quốc gia như Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ lại đang cho thấy vấn nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Báo cáo cũng tiết lộ, số người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí đã giảm từ 3,6 tỷ người (1990) xuống 2,4 tỷ người (2016). Tuy nhiên, dân số lại tăng quá nhanh, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển khiến các nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể".

Năm 2016, WHO đưa ra số liệu cho thấy khu vực Đông Nam Á và bờ tây Thái Bình Dương trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia... là những quốc gia bị ô nhiễm nặng nhất.

 Người dân tại Thủ đô New Delhi vật lộn với ô nhiễm không khí. 

Một trong những mặt tệ hại nhất của không khí ô nhiễm đó là các phân tử nhỏ hơn 2,5 micrometre  - gọi tắt là PM2.5 - vì chúng có thể đi vào phổi và hệ tuần hoàn. Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2.5 được cho là dưới tiêu chuẩn.

Mỗi năm có 5,5 triệu người chêt vì ô nhiễm không khí

Ô nhiễm thường tác động đến con người như một nguyên nhân gián tiếp, giết chết họ bằng các 3 căn bệnh phổ biến nhất là bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi.

Theo UPI, báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học British Columbia, Canada (UBC) tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ vào đầu năm 2016 nhấn mạnh hệ quả của ô nhiễm không khí là 5,5 triệu người chết mỗi năm.

"Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên toàn cầu, và đến nay, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu", giáo sư Michael Brauer tại Trường dân số và Sức khỏe cộng đồng tại UBC, cho biết.

Hà Nội cũng đang được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa: Internet.

Thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí là các hạt vật chất như sol khí (chất lơ lửng trong không khí), khói, bụi than, và nhiều chất độc khác. Tiếp xúc với các hạt này trong thời gian dài sẽ dẫn đến một loạt vấn đề tim mạch, bệnh phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và ung thư.

Dù ô nhiễm không khí vẫn là một vấn đề tại châu Âu và Mỹ, phần lớn trong số 5,5 triệu ca tử vong mỗi năm xảy ra ở các nước đang phát triển và châu Á. Hơn 55% số ca tử vong là ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước có nền kinh tế đang tăng trưởng và phải đối phó với vấn đề kiểm soát chất lượng không khí.

“Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần đặt ra chiến lược triệt để, nhằm giảm lượng khí thải từ than đá và các lĩnh vực khác”, tiến sĩ Qiao Ma tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, chia sẻ.

Theo nghiên cứu của Ma, chỉ riêng ô nhiễm từ than đá đã góp phần gây ra cái chết của 366.000 người ở Trung Quốc năm 2013.

Bài toán về ô nhiễm không khí trên toàn cầu chưa bao giờ lại đáng báo động đến thế, số người bị bệnh tật, chết chóc do ô nhiễm không khí ngày một tăng cao. Có lẽ, chúng tá không chỉ cần kiềm chế phát thải mà còn phải nỗ lực kiểm soát dân số để hạn chế nhu cầu năng lượng ngày một tăng.

P.V (tổng hợp theo VNE, Zing)

Bạn đang đọc bài viết 7 tỷ người trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.