Thứ bảy, 20/04/2024 10:13 (GMT+7)

Ai còn dám tắm, uống nước ở hồ Suối Hai? (Bài 2)

Hải Sơn - Nguyệt Hằng -  Thứ hai, 19/08/2019 07:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu không sớm có hành động phù hợp thì việc xâm hại thô bạo của con người sẽ không làm ảnh hưởng, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường chung tại Hồ Suối Hai (huyện Ba Vì, TP Hà Nội)?

Vì sao vấn đề nhức nhối không được quan tâm?

Trong bài phản ánh trước, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đề cập về việc hồ Suối Hai (thuộc khu vực xã Ba Trại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đang bị các trang trại chăn nuôi lợn, vịt của ông Nguyễn Thanh Lịch và bà Đinh Thị Xuân có quy mô hàng ngàn m2 nhiều năm nay thường xuyên xả chất thải ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt tại hồ này. Chính vì việc xả thẳng chất thải ở phần thượng nguồn này, khiến hồ Suối Hai ngày càng… thoi thóp.

Thế nhưng, tình trạng này lại không được các chủ trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, trong khi đó phía chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, triệt để, gây bức xúc cho hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống xung quanh các trang trại này.

Hồ Suối Hai vốn thơ mộng, xinh đẹp đang rất ngột ngạt bởi tác động của con người, ô nhiễm nguồn nước.

Không những vậy, theo phản ánh của người dân địa phương, khi chưa xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi trên, thì tại quanh hồ Suối Hai lại xuất hiện thêm các trang trại chăn nuôi khác, khiến người dân không khỏi lo lắng. Người dân thôn 6 và thôn 7 (xã Ba Trại) cho rằng, họ hàng ngày đang gánh chịu một môi trường đặc quánh mùi xú uế, thế nhưng công tác bảo vệ môi trường của các chủ hộ chăn nuôi lại không được quan tâm.

Thậm chí, chỉ chờ có cơ hội, các chủ chăn nuôi lại xả trộm chất thải ra hồ Suối Hai khi có điều kiện thích hợp. Nhất là vào ban đêm hoặc mỗi khi trời có mưa… là chất thải của gia súc, gia cầm lại được “tống khứ” xuống lòng hồ Suối Hai!

Khu vực suối Vai Đào bị kẹt ở giữa hai trạng trại nuôi lợn và vịt.

Những người dân ở đây cho biết, suối Vai Đào là đầu nguồn của hồ chứa nước ngọt này, trước đây nước hồ rất sạch và trong mát. Người dân thường xuyên lấy nước về sinh hoạt. Nhưng từ khi có các trang trại chăn nuôi, người dân không còn dám sử dụng nguồn nước suối này nữa.

“Trước đây, dân chúng tôi có thể dùng nước để giặt đồ, bơi tắm thoải mái ở hồ Suối Hai, thậm chí có thể uống ngay được nước ở hồ. Nhưng từ khi có trang trại chăn nuôi, mọi người không dám vui chơi nữa vì nguồn nước đã bị ô nhiễm quá rồi. Nếu vẫn còn tình trạng chất thải của các trang trại này xả xuống lòng hồ tiếp tục diễn ra thì chỉ vài năm nữa, hồ Suối Hai không khác gì hồ chứa phân cả…!?”, anh Đoàn Văn Thắng, xóm Đồi Lau, thôn 6, xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ lo lắng.

Đừng đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế!

Thực trạng ở hồ Suối Hai hiện không chỉ còn dừng lại việc người dân thường xuyên bị tra tấn bởi mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ 2 trang trại chăn nuôi nói trên. Hồ nước ngọt này cũng đang bị bàn tay của con người xâm lấn một cách thô bạo vào cảnh quan chung của hồ. Nếu như trước kia người dân có thể tắm được ở hồ, uống nước ở hồ nhưng giờ chẳng ai còn có suy nghĩ ấy nữa, bởi chính việc cấp phép cho các trang trại chăn nuôi, nhà hàng… bất chấp lợi nhuận kinh tế, coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường thì ai còn dám đặt chân đến hồ Suối Hai.

Chúng tôi cho rằng, để tình trạng này xảy ra có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương là UBND xã Ba Trại và UBND huyện Ba Vì. Bởi vì, tình trạng ô nhiễm ở hồ Suối Hai đang diễn ra và có thật nhưng chính sự thờ ơ, buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến hồ này đàng trở thành hồ chết!

Xây dựng bến thủy nội địa tại hồ Suối Hai sẽ không có tác động đến cảnh quan, nguồn nước tại đây?

Nói như vậy là bởi, khi phóng viên đề cập đến tình trạng ô nhiễm ở hồ Suối Hai, thì ông Nguyễn Đức Dần, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cũng khá hời hợt trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý các chủ trang trại chăn nuôi không có biện pháp bảo vệ môi trường. Thậm chí, ông Dần còn hỏi lại phóng viên: “Ô nhiễm ở vị trí nào?”. Hay khi chúng tôi đề cập về tình trạng ô nhiễm ở đây chưa được khắc phục thì ông Dần trả lời: “Cái này để tôi cho xem lại!”.

Một vấn đề khác chúng tôi cũng nên lên cho lãnh đạo huyện Ba Vì về việc, hồ Suối Hai đang được thi công, xây dựng thêm các công trình ở xung quanh hồ. Đơn cử như ở đối diện khách sạn Xứ Đoài, cạnh hồ Suối Hai đang được xây dựng một bến thủy nội địa. Điều này, có tác động không nhỏ đến cảnh quan chung, vấn đề bảo vệ môi trường của hồ khi chúng đi vào hoạt động. Theo ghi nhận, tại hồ Suối Hai đang có tình trạng các máy múc đang "móc ruột", san lấp mặt bằng không rõ để thực hiện cho dự án gì?

Điều đáng nói ở đây, khi vấn đề môi trường chưa giải quyết được tại 2 trang trại của ông Lịch, bà Xuân thì theo người dân cho biết, một trang trại chăn nuôi khác đã "mọc" lên, ngay sát hai hộ gia đình này, khiến dân cư vô cùng hoang mang, lo lắng.

Những chiếc máy xúc đang san, lấp mặt bằng ở đầu nguồn hồ Suối Hai.

Trả lời câu hỏi trên, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đây là công trình bến thủy nội địa để chở thuyền sang bên đảo. Cái này đã được cấp phép của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. “Làm cái gì phát triển kinh tế, xã hội thì mong quá. Còn người ta làm phải có luật pháp cho phép chứ”, ông Tiến cho hay.

Nói như vị Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, thì việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đương nhiên chẳng ai phản đối cả. Nhưng nhìn vào công tác quản trị, buông lỏng quản lý ở địa phương khi để xảy ra các tồn tại trên thì chính quyền địa phương đã làm tốt chưa? Việc cấp phép cho các trang trại chăn nuôi ở phía thượng nguồn hồ Suối Hai, gây ô nhiễm môi trường liệu có hợp lý không? Hay vì phát triển kinh tế, xã hội mà chúng ta làm ngơ cho hành vi hủy hoại môi trường? Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

Nếu ông Bạch Công Tiến không quên phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn nguyên tính thời sự rằng: "Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế vì sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững". Điều ấy cho thấy, nếu chúng ta không "tiêu diệt" được những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngọt tại hồ Suối Hai thì làm sao phát triển kinh tế, xã hội được thưa ông Chủ tịch Bạch Công Tiến?

Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cần sớm có động thái thanh, kiểm tra việc cấp phép cho các trang trại chăn nuôi, các công trình dịch vụ... sao cho hợp lý để "cứu" lấy hồ Suối Hai trước khi quá muộn.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

 

Video: Người dân nói gì về tình trạng ô nhiễm môi trường ở hồ Suối Hai?

Bạn đang đọc bài viết Ai còn dám tắm, uống nước ở hồ Suối Hai? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ